Chính trị

Hội thảo khoa học “Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới”: Chuyển hóa các giá trị để phát triển

TÂM THƯ 09/10/2024 07:45

Ngày 8/10, Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp Học viện Chính trị khu vực III tổ chức hội thảo khoa học “Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới”.

Quang cảnh hội thảo: Ảnh: T.
Quang cảnh hội thảo: Ảnh: T.T

Các nhà quản lý, nghiên cứu đã đưa ra những nhận diện đầy đủ, sâu sắc và đề xuất giải pháp tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam - nguồn lực rất to lớn và dồi dào phục vụ cho phát triển bền vững của tỉnh trong tình hình mới.

Nhận diện văn hóa và con người Quảng

PGS-TS.Đoàn Triệu Long - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III trong phát biểu đề dẫn hội thảo cho rằng, giá trị văn hóa, con người Quảng Nam được hình thành trong điều kiện tự nhiên, địa lý, lịch sử đặc thù, và cũng là yếu tố nền tảng cơ bản quyết định sự thành công trong các giai đoạn phát triển của Quảng Nam.

Nhận thức về tầm quan trọng của giá trị văn hóa, con người trong lịch sử, địa phương luôn có các quyết sách để tiếp tục phát huy giá trị này trong hiện tại và tương lai, thể hiện tư duy lãnh đạo tiên tiến.

Và ông Long đặt câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì để các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam thật sự là sức mạnh nội sinh của địa phương, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng vị thế, hình ảnh và thương hiệu văn hóa của tỉnh trong bối cảnh mới?”.

Để góp phần nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về giá trị văn hóa, con người Quảng Nam gắn với sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới, PGS-TS.Đoàn Triệu Long đã đề nghị các nhà khoa học tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm như nhận diện rõ các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam từ truyền thống đến hiện đại cần phát huy trong thời kỳ mới, những giá trị nằm trong nguồn mạch chung của hệ giá trị quốc gia; xác định các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa việc thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới…

Đánh giá về giá trị con người Quảng Nam trong hệ giá trị con người Việt Nam, TS.Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, con người Quảng Nam ai cũng đều thiết tha yêu nước và anh hùng trong chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, rất giàu có, phong phú về văn hóa giữ nước, có tinh thần cộng đồng dân tộc, yêu đồng bào, nòi giống, đùm bọc nhau trong gian khó hiểm nguy; chịu thương chịu khó cần cù lao động nuôi con và chăm lo gia đình; hiếu học. Ngoài ra người Quảng còn có tính thẳng thắn, trung trực, bản lĩnh, giữ chính kiến, bộc trực; người Quảng Nam hay cãi…

7df6e0e4c0e379bd20f2.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.T

“Vì vậy cần luôn chăm lo vun trồng, xây đắp những mặt mạnh, thấy cho rõ mặt yếu về văn hóa phát triển, công khai ra, không dấu dốt và không sỉ diện. Cần phát huy tinh thần phản biện, từ đó khuyến khích phản biện để tạo ra đội ngũ có tư duy độc lập, dám và biết phản biện, dũng cảm bảo vệ chính kiến của mình, không nói theo. Phản biện khoa học là đặc điểm của người trí thức chân chính, là con đường để tiếp cận chân lý khách quan” - ông Hoàng nói.

Chuyển hóa các giá trị để phát triển quê hương

Qua 8 tham luận và các ý kiến phát biểu, trao đổi của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý liên quan đến lĩnh vực văn hóa cùng với hàng chục tham luận khác tại hội thảo đã nhìn nhận từ nhiều phương diện, nhiều góc độ, từ đặc điểm tự nhiên, xã hội trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất và con người Quảng Nam.

Có thể nói, với một địa phương giàu tiềm năng văn hóa như Quảng Nam thì việc nhận diện đầy đủ, sâu sắc và phát huy mạnh mẽ, hiệu quả các giá trị văn hóa, con người và chuyển hóa các giá trị này thành nguồn lực to lớn, dồi dào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững là một trong những yêu cầu nhiệm vụ rất quan trọng và mang tính khoa học.

Từ đặc điểm tự nhiên của vùng đất Quảng Nam, phía tây là núi cao, phía đông là biển lớn và trong hình thành, phát triển, cộng cư, giao lưu, tiếp biến văn hóa đã hình thành, hun đúc nên nét đặc trưng trong tính cách con người và làm nên truyền thống văn hóa Quảng Nam đặc sắc trong sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, đoàn kết, nghĩa tình, thẳng thắn, bộc trực, thân thiện; hiếu học, khoa bảng; trung dũng, kiên cường, anh hùng, dấn thân, canh tân, trách nhiệm cao trước vận nước; sớm mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế phát triển kinh tế, văn hóa; đổi mới, năng động, sáng tạo và khát vọng phát triển quê hương, đất nước…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: T.T
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.T

Phát biểu tổng kết hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, hội thảo đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến, cụ thể như cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nghiên cứu quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp gắn với việc ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm và thu hút nguồn lực, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam. Ưu tiên đầu tư xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Đây là hai yếu tố có quan hệ biện chứng với nhau.

“Các ý kiến phát biểu của tại hội thảo là những kinh nghiệm, đánh giá, khẳng định, gợi ý, đề xuất quý báu để Quảng Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nội dung chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII” - đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định.

Phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng Quảng Nam có nguồn lực văn hóa được kết tinh bởi vốn tài nguyên hình thành từ hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc.

Hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam hiện diện ở nhiều ngành; trong đó, hiện diện nổi bật ở ngành du lịch văn hóa. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Nam, vừa là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Nam với nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được xem là tài sản quốc gia, là một trong những đặc trưng nhận diện của du lịch Việt Nam.

TÂM THƯ