Du lịch

Du lịch từ tài nguyên núi

Nguyễn Thị Bích Hậu 09/10/2024 12:49

(VHQN) - Chính sách phát triển du lịch vùng núi là một trong các xương sống quan trọng để thu hút du khách, nhằm tăng trưởng công nghiệp du lịch của các quốc gia châu Á.

image-10-.png
Hồ Ngũ sắc ở Vườn quốc gia thung lũng Cửu Trại Câu.

Núi là tài nguyên du lịch lớn, thậm chí là nguồn tài nguyên chính tại Trung Quốc, Bhutan, Nepal, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Srilanca và một số quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ…

Núi thiêng Trung Quốc

Tại Trung Quốc, các vùng núi chiếm hai phần ba tổng diện tích đất liền. Trung Quốc cũng sở hữu 7 trong số 12 đỉnh núi trên thế giới với độ cao hơn 8.000 mét so với mực nước biển.

Các dãy núi nổi tiếng ở Trung Quốc là Himalaya, Côn Lôn, Thiên Sơn, Tần Lĩnh, Đại Hưng An, Thái Hành, Kỳ Liên Sơn và dãy núi Hoành Đoạn. Không chỉ là di sản thiên nhiên mà những ngọn núi này là nơi chứa đựng kho tàng di sản văn hóa nhiều ngàn năm.

Ví như tứ đại danh sơn là 4 ngọn núi thiêng của Phật giáo Trung Quốc, bao gồm Ngũ Đài Sơn, Cửu Hoa Sơn, Nga Mi Sơn và Phổ Đà Sơn. Những ngọn núi này vô cùng đặc biệt vì không chỉ đẹp mà còn linh thiêng, được các tín đồ Phật giáo khắp nơi trên thế giới tìm đến.

image-8-.png
Tu viện Ganden Sumtsenling. Nguồn ảnh của các công ty du lịch.

Du lịch vùng núi ở Trung Quốc được làm rất bài bản. Bắt đầu từ xây dựng chiến lược. Thứ hai, Trung Quốc bảo tồn rất tốt cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa gắn với núi non. Thứ ba, nhà nước đi đầu trong đầu tư hạ tầng cơ sở cho du lịch vùng núi, bao gồm từ đường sá, xe cộ cho đến hạ tầng của toàn khu du lịch.

Điều này đảm bảo tính tối ưu, tránh chụp giật chạy theo lợi nhuận thuần túy. Sau khi nhà nước đầu tư thì doanh nghiệp và người dân tham gia kinh doanh theo sự phân công, phân nhiệm cụ thể, đúng quy định của pháp luật.

Một ví dụ có thể thấy rõ là từ việc phát triển du lịch của dãy núi Hoành Đoạn. Dãy núi này nằm ở phía đông nam cao nguyên Thanh Tạng. Nó nằm trong lãnh thổ của các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam và miền đông Khu tự trị Tây Tạng.

Hoành Đoạn có diện tích hơn 600 ngàn km2 với địa hình xen kẽ giữa các đỉnh núi cao, hẻm núi và thung lũng sâu, cùng những dòng sông bao gồm cả 4 con sông lớn châu Á là Irrawaddy, Salween, Mekong và Trường Giang.

image-11-.png
Hồ Ngũ sắc ở Vườn quốc gia thung lũng Cửu Trại Câu.

Môi trường trong khu vực dãy núi Hoành Đoạn rất đa dạng, bao gồm cả đồng cỏ, rừng, đất ngập nước, hồ băng và sông băng. Do môi trường sống phong phú và biệt lập, nhiều loài động thực vật quý hiếm nhưng có nguy cơ tuyệt chủng, có thể được tìm thấy tại vùng núi này.

Đồng thời ở đây còn có sự đa dạng văn hóa của hơn 20 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu làng bản và thôn trại. Dãy Hoành Đoạn có các thắng cảnh cực kỳ nổi tiếng thế giới như Vườn quốc gia thung lũng Cửu Trại Câu, Khu bảo tồn thiên nhiên Á Đinh ở Đạo Thành, thành phố Shangri-La và Vườn quốc gia Potatso…

Không ít điểm du lịch trên dãy Hoành Đoạn này có chính sách bảo tồn từ nhiều chục năm trước, ngay trong lúc xứ này còn rất khó khăn về kinh tế. Nhìn vào Cửu Trại Câu là thấy rõ, dù phát hiện ra từ 1974 nhưng tới nay vẫn giữ được dáng vẻ thiên nhiên trọn vẹn, vượt qua cả các cuộc động đất lớn.

Từ Thành Đô khách có thể đi tàu hỏa cao tốc tới gần Cửu Trại Câu, ở Á Đinh, khách có thể đi máy bay, sân bay của huyện Đạo Thành mở từ 2013 đã trở thành sân bay dân dụng cao nhất thế giới khi đó ( ở độ cao 4.411m). Thành Đô hay Côn Minh đều có các sân bay quốc tế lớn, có nhiều đường bay đi các nước trong khu vực và xa hơn.

Pháp lý bảo vệ môi sinh

Hàn Quốc cũng là quốc gia có 70% diện tích là núi. Do đó họ cũng chú trọng phát triển du lịch vùng núi. Tuy nhiên Hàn rất chú trọng phát triển môi trường, do đó các khách sạn hầu như không được phép xây dựng trên khoảng 80% các ngọn núi của xứ này.

image-9-.png
Núi Công Ca cao nhất dãy Hoành Đoạn, cao 7.556m.

Mãi tới 2013, Hàn mới cho phép xây dựng các cáp treo thân thiện với môi trường. Sau đó, họ cho phép xây các cây cầu đi bộ, các cây cầu kính để thu hút khách đi chơi núi, song phải đảm bảo an toàn và giữ gìn môi sinh.

Hàn Quốc cũng phát triển các khu du lịch trượt tuyết trên các đỉnh núi cao để đảm bảo dù mùa đông vẫn thu hút đông du khách đi chơi núi. Hiện Hàn có 12 resort nổi tiếng nằm trong khu vực chuyên phục vụ khách trượt tuyết trên các đỉnh núi cao mùa đông.
Các quốc gia nhìn thấy rõ, để phát triển du lịch vùng núi bền vững, ngoài đi cùng bảo tồn nghiêm ngặt cần có các rào cản nhất định vào các thời điểm quá đông khách.

Tại Nhật, du khách sau dịch tới thăm núi Phú Sĩ quá đông, chỉ 3 tháng của mùa leo núi đã có hơn 220 ngàn lượt khách. Sự bùng nổ này kèm theo lượng rác thải khổng lồ mà du khách để lại trong những chặng leo núi kèm theo ùn tắc giao thông…

Vì vậy, họ đã quyết định hạn chế kể từ 1/7/2024, ngày bắt đầu mùa leo núi mới. Hành trình leo núi Phú Sĩ vẫn giữ 3 tuyến đường không yêu cầu vé vào cửa. Tuy nhiên, tuyến đường mòn Yoshida bắt đầu từ Tokyo tương đối dễ đi lại, có khoảng 60% người leo núi thường chọn thì bị hạn chế.

Nhật hiện chỉ cho phép tối đa 4.000 người leo núi mỗi ngày trên đường mòn Yoshida, và thu phí 2.000 yen/ người (khoảng 12 USD). Nhật cũng là quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ đặt chỗ trực tuyến cho tuyến leo núi này, do lo ngại vấn đề an toàn và tác động tới môi trường trên ngọn núi cao nhất Nhật Bản.

Tại Bhutan - quốc gia trên dãy Himalaya có chính sách thu tiền trên mỗi du khách tới thăm nơi này để hạn chế bớt những tác động xấu tới môi trường. Ban đầu họ thu 65 USD một khách mỗi ngày, sau đó thu lên 200 USD khách mỗi ngày, và từ 2023 thì giảm đi còn 100 USD khách mỗi ngày. Bhutan luôn cảnh giác với tác động của du lịch đại chúng và cấm leo núi để bảo vệ sự thiêng liêng của các đỉnh núi…

Tăng trưởng công nghiệp du lịch từ tài nguyên núi, nhất thiết cần có chính sách phát triển du lịch hợp lý.

Nguyễn Thị Bích Hậu