Chính trị

Mặt trận tỉnh Quảng Nam lắng nghe hội quần chúng

TÂM ĐAN 09/10/2024 14:50

(QNO) - Sáng nay 9/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh đã tổ chức buổi làm việc với 16 hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Buổi làm việc giúp Ban Thường trực Mặt trận tỉnh lắng nghe đầy đủ các ý kiến phản ánh của các hội quần chúng về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, từ đó tập hợp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, góp phần tạo động lực, tinh thần làm việc hiệu quả.

Cùng chủ trì buổi làm việc có các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Thị Thanh Phương.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TÂM ĐAN

Kiến nghị về tổ chức bộ máy

Tại buổi làm việc, các ý kiến đánh giá cao cách làm của Ban Thường trực Mặt trận tỉnh khi tổ chức buổi làm việc với các hội quần chúng. Điều đó cho thấy quyết tâm và hành động nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác mặt trận theo Chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029).

Lãnh đạo các hội quần chúng phát biểu, đề nghị Ban Thường trực Mặt trận tỉnh tổng hợp, có ý kiến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành về một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, trụ sở hoạt động, chế độ chính sách...

Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.275 tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động ở cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, cấp tỉnh có 16 tổ chức hội quần chúng; cấp huyện có 128 tổ chức hội quần chúng hoạt động tại 18 huyện, thị xã, thành phố; cấp xã có 1.131 tổ chức hội quần chúng hoạt động tại 241 xã, phường, thị trấn.

Ông Lê Văn Nhi
Ông Lê Văn Nhi - Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TÂM ĐAN

Ông Lê Văn Nhi - Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam cho rằng, lâu nay Quảng Nam chưa tổ chức thi tuyển biên chế cho tổ chức hội, chỉ giao định suất hợp đồng. Do đó, khi thực hiện cải cách tiền lương thì phát sinh khó khăn; không biết sắp tới tỉnh giao cơ chế tài chính như thế nào, liệu hợp đồng có được hưởng định suất lương mới không?

Chúng tôi rất mong dù là hợp đồng hay biên chế đi nữa thì những người làm việc trong tổ chức hội vẫn có được định hướng rõ ràng về chế độ chính sách để yên tâm làm việc

Ông Lê Văn Nhi - Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh

Ông Nguyễn Đình Tâm - Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho rằng, trong điều kiện khó khăn do tinh giản biên chế, tỉnh nên tăng thêm nguồn kinh phí hàng năm để hội chủ động trong việc hợp đồng lao động làm việc.

Ông Tâm cũng kiến nghị về độ tuổi lãnh đạo hội. Theo đó, với các tổ chức người cao tuổi, thanh niên xung phong, tù yêu nước thì không nên cứng nhắc, vì cán bộ, hội viên đều lớn tuổi, khó tìm nhân sự theo yêu cầu.

dsc05515.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TÂM ĐAN

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thanh Hận - Chủ tịch Hội Cựu Tù yêu nước tỉnh cho biết vì quy định về độ tuổi (không quá 70 tuổi - PV) nên đến nay Hội Tù yêu nước huyện Thăng Bình chưa tổ chức đại hội. Theo ông Hận, quy định này thoát ly thực tiễn, vì phần lớn hội viên tù yêu nước đều trên 70 tuổi.

Băn khoăn về chế độ, chính sách

Bên cạnh đó, các ý kiến mong muốn tỉnh quan tâm thực hiện đảm bảo chế độ chính sách cho những người làm việc tại hội theo Quyết định số 1303 ngày 29/3/2024 của Tỉnh ủy về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp tỉnh.

Theo đó, những công chức được điều động đến làm việc tại hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác theo quy định đối với cán bộ, công chức.

dsc05509.jpg
Ông Phạm Thanh Hận - Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh phát biểu. Ảnh: TÂM ĐAN

Ngoài ra, lãnh đạo các Hội Người mù, Hội Bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo, Hội Từ thiện tỉnh đều cho biết đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề xây dựng, sửa chữa, bố trí trụ sở làm việc, tuy nhiên đến nay chưa được giải quyết, gây ảnh hưởng đến hoạt động hội.

Các hội cũng mong muốn tỉnh tiếp tục chỉ đạo địa phương thực hiện thống nhất hệ thống hội 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở để thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ, triển khai các dự án hỗ trợ cho cộng đồng...

dsc05506.jpg
Đại diện Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh phát biểu. Ảnh: TÂM ĐAN

Ông Phan Công Ry - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh kiến nghị sớm thay thế Nghị định 45 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội nhằm sớm giải quyết những vướng mắc, bức xúc trong tổ chức, hoạt động hội hiện nay. Đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát một số nội dung liên quan đến chế độ chính sách, hoạt động của các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ để kịp thời nắm bắt, phản ánh, tháo gỡ.

Tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo các hội quần chúng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ có phương pháp, cách làm phù hợp để làm sao những ý kiến chính đáng của các hội được phản ánh đến cấp có thẩm tiếp thu, giải quyết một cách nghiêm túc.
Nhấn mạnh tinh thần đổi mới nhằm triển khai hiệu quả chương trình hành động của Mặt trận tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Mặt trận tỉnh sẽ tăng cường mối quan hệ, nắm bắt thông tin và hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức thành viên; cố gắng, nỗ lực hết mình và đồng hành cùng các hội thông qua làm việc, trao đổi để tìm ra cách thức hiệu quả nhất...

TÂM ĐAN