Xã hội

Tình làng trong nguy khó

HỒ QUÂN 09/10/2024 16:07

(QNO) - Đã chọn xong nơi ở mới, 26 hộ dân ở nóc Lăng Lương, thôn 2, xã Trà Tập (Nam Trà My) nằm dưới ngọn đồi có nguy cơ sạt lở phải dời làng. Niềm vui lập làng mới nhân lên khi bà con giúp nhau tháo dỡ, dời nhà và hiến đất làm mặt bằng để bắt đầu cuộc sống mới ở nơi an toàn hơn.

sat lo 5
Giúp nhau dời nhà. Ảnh: H.Q

Giúp nhau dời làng

Những căn nhà đã hạ giải xong. Đống cột kèo, phên gỗ đã xếp gọn, dậy kín dưới mấy tấm tôn cũ. Thứ quý giá nhất là lúa gạo đã được di chuyển lên phía điểm trường Lăng Lương... Nửa tháng sau ngày sạt lở uy hiếp, 26 hộ dân ở ngôi làng nhỏ này đã giúp nhau xếp gọn “hành trang” cho chuyến dời làng.

SAT LO 1
Giúp nhau dời nhà. Ảnh: H.Q

Chỉ còn vài căn nhà phía cuối làng chưa kịp hạ giải. Ông Hồ Văn Liên cho hay, nhà cách vị trí sạt lở xa nên chưa lo ngại. Những ngày qua, ông ưu tiên đi tháo dỡ nhà giúp cho những hộ sát chân đồi, nguy cơ sạt lở cao hơn. Chưa kịp ngơi nghỉ, ông lại tiếp tục cùng dân quân đi dựng nhà tạm, cùng chính quyền địa phương đi tìm mặt bằng mới. Mưa lớn liên miên nên công việc cứ chắp vá...

“Cả làng đã hẹn nay mai sẽ đến hỗ trợ nhà tôi. Nhà cũng nhỏ, chừng 1 buổi là xong, quan trọng vẫn ở cái tình đoàn kết của cộng đồng” – ông Liên nói.

SAT LO 2
Ông Hồ Văn Liên nhặt nhạnh những thứ cần thiết để chuẩn bị dựng nhà trên đất mới. Ảnh: H.Q

Dù không muốn, nhưng họ buộc phải rời bỏ mảnh đất đã cắm dùi từ thuở lập làng, vì an toàn. Mọi chuyện bắt đầu từ đợt mưa lớn từ ngày 19-22/9. Ngọn núi sau lưng nóc Lăng Lương sạt lở, đất đá tràn xuống tuyến đường liên thôn, rồi trôi thẳng xuống nhà dân.

Nghe thông báo khẩn, trẻ em, phụ nữ và người già nháo nhào đội mưa, chạy về phía điểm trường Mẫu giáo Phong Lan vừa xây kiên cố để tránh trú. Thanh niên trong làng thì chạy ngược về phía những căn nhà đang ngập ngụa trong bùn đất, mỗi người một tay nhanh chóng chuyển thóc đến nơi cao ráo. Những gương mặt lấm lem, thở phào nhẹ nhõm. Tất cả tạm thời an toàn.

“Rất nhiều vết nứt trên đồi, sẽ còn sạt lở”. Cảnh báo của lực lượng xung kích thôn đưa ra khiến dân làng lại thấp thỏm. Mưa vừa ngớt, cán bộ, lực lượng dân quân, thanh niên xã Trà Tập tiếp cận, huy động người dân di dời ngay những căn nhà phía dưới chân đồi. Đồng thời phân công vài người đi đốn tre, mua bạt dựng nhà tạm. UBND xã Trà Tập trích kinh phí 80 triệu đồng từ nguồn phòng chống thiên tai để mua gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con.

Vị trí sạt lở uy hiếp sự an toàn của 26 hộ dân làng Lăng Lương, xã Trà Tập. Ảnh: H.Q
Vị trí sạt lở uy hiếp sự an toàn của 26 hộ dân làng Lăng Lương, xã Trà Tập. Ảnh: H.Q

[VIDEO] - UBND xã Trà Tập dựng nhà tạm để người dân tránh trú chờ xây dựng nhà mới:

Những ngày sau đó, chưa thấy dấu hiệu sạt lở thêm, song không dám chủ quan. Vì chỉ cần một cơn mưa lớn thì hậu quả khôn lường.

Liên tiếp những đêm ngủ lại Điểm trường Lăng Lương (thuộc Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Trà Tập) ngay cạnh ngọn đồi đá lăn, cô giáo trẻ Nguyễn Việt Thảo chẳng thể yên giấc. Hơn 10 năm lên công tác tại xã vùng cao Trà Tập, mỗi năm lại được phân công đứng điểm một nóc, Thảotự rèn cho mình phản xạ trước thiên tai, cách vượt qua nỗi sợ trước nguy cơ sạt lở. Và gió mưa liên miên trong những tháng ngày đầu tiên đến với nóc Lăng Lương giúp tình cảm của cô giáo cắm bản và bà con thêm khăng khít. Thảo như người con của làng.

“Nửa đêm, mưa rừng kéo về lộp độp trên mái tôn thì lòng lại phập phồng. Đoán chắc bà con nghe mưa cũng chẳng ngủ được nên bấm điện thoại gọi hỏi thăm tình hình gia đình các em học sinh. Nhà bà con nào ở vùng trũng thấp, chưa kịp di dời thì nhờ lực lượng xung kích thôn vận động lên điểm trường ngủ lại. Lúc ấy, phòng học dù nhỏ bé song ấm áp đến lạ. Mọi người không ngớt lời động viên để em bớt lo nghĩ, tiếp tục cắm bản, dạy chữ cho con cháu trong làng ” - Thảo cho hay.

SAT LO 2
Điểm trường Lăng Lương nằm ngay dưới ngọn đồi có nguy cơ sạt lở. Ảnh: H.Q

Điểm trường dựng tạm bằng gỗ này cũng sẽ được hạ giải, di dời đến làng mới và tận dụng để dựng thành nhà sinh hoạt cộng đồng. Thảo và 12 học sinh lớp ghép 1 - 2 sẽ có điểm trường mới xây dựng kiên cố hơn từ nguồn đầu tư của nhà nước.

Hiến đất lập làng

Xung quanh làng đều là đồi dốc, việc tìm kiếm mặt bằng mới ở xã miền núi Trà Tập trở thành vấn đề nan giải trong những năm qua. Ông Hồ Văn Níp - Chủ tịch UBND xã Trà Tập nói, khẩn cấp dời làng Lăng Lương đến nơi an toàn hơn theo chỉ đạo UBND huyện Nam Trà My, cán bộ xã liên tục vào làng, khảo sát ý kiến bà con. Kinh nghiệm người dân địa phương tích lũy qua nhiều đời sinh sống ở miền núi cao sẽ giúp ích cho chính quyền địa phương rất nhiều. Cái khó là nơi ở mới không quá xa rẫy, ruộng bà con và không vướng lâm phận rừng phòng hộ.

SAT LO 3
Lãnh đạo huyện Nam Trà My và xã Trà Tập khảo sát, tìm nơi ở mới cho người dân Lăng Lương. Ảnh: H.Q

[VIDEO] - Hoàn thành mặt bằng, sớm ổn định đời sống người dân sau sạt lở:

Qua những buổi khảo sát, dân làng đã ưng ý một “mặt bằng” cách làng cũ vài trăm mét. Gọi là “mặt bằng”, nhưng thực ra là nương rẫy của bà con, vẫn phải dựng nhà tựa lưng vào núi. San ủi, tác động vào núi chưa bao giờ là giải pháp an toàn ở miền núi Nam Trà My.

Ông Níp cho biết, sau khi cán bộ Phòng TN-MT huyện kiểm tra thực địa, bấm tọa độ thì mảnh đất này hoàn toàn phù hợp, nằm ngoài quy hoạch rừng phòng hộ. UBND huyện cũng phê duyệt phương án hỗ trợ sắp xếp dân cư 26 hộ dân ở làng Lăng Lương theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh. Phấn đấu trước tết Nguyên đán Ất Tỵ (2025) sẽ hoàn thành việc dựng nhà, ổn định đời sống cho 26 hộ với 95 nhân khẩu.

Qua rà soát, 3 hộ có đất sản xuất nằm trong khu vực lập làng mới đã trồng quế được vài năm. Bà con đều đồng thuận, chấp nhận hiến đất để các hộ khác vào dựng nhà, sinh sống.

Ông Hồ Văn Níp - Chủ tịch UBND xã Trà Tập (Nam Trà My)

sat lo 8
Lãnh đạo xã Trà Tập đến tận nơi vận động các hộ dân hiến đất lập làng mới. Ảnh: H.Q

Tiên phong hiến đất là trưởng nóc Hồ Văn Yên. Có 200 gốc quế trồng trên mảnh vườn 1.100m2, là sinh kế của gia đình, song ông Yên vui vẻ thuận tình với chủ trương để làm gương cho các hộ còn lại. UBND xã Trà Tập thống nhất hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng để họ phục hồi lại vườn quế, phát triển kinh tế gia đình.

Niềm vui lập làng mới, các hộ tham gia phát quang lau sậy, cây bụi để chính quyền địa phương đo đạc, cấp đất tái định cư. Họ hàng ở tận xã Trà Cang nghe Lăng Lương bị sạt lở cũng đã có mặt từ nhiều ngày qua để giúp sức. Nơi ở mới sắp tới chắc chắn không rộng rãi, thoải mái như làng cũ, song an toàn và ấm tình xóm giềng.

* * *

SAT LO 3
Tất cả đã sẵn sàng cho chuyến dời làng. Ảnh: H.Q

Những căn nhà tạm đã dọn trống huơ, bó cột kèo, mái tôn đã chất gọn gàng ngay bên cạnh. Tranh thủ mưa lớn chưa về, cả làng đã rủ nhau lên rừng hái măng về dự trữ. Bao đời nay, đồng bào vùng cao Nam Trà My vẫn luôn đoàn kết, sẻ chia từng bữa ăn, dìu nhau qua cơn hoạn nạn.

Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”

HỒ QUÂN