Nhà đất

Quảng Nam xây dựng Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:Băn khoăn suất tái định cư

HÀ QUANG 10/10/2024 07:18

Dự thảo Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam qua nhiều lần góp ý, vẫn “còn nhiều ý kiến khác nhau”. Tại hội nghị phản biện do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức, nhiều ý kiến tập trung đề xuất cần sửa đổi những quy định về suất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

z5843207155222_b987ec1e010d9f8eea2e789910187399.jpg
Người dân ảnh hưởng Dự án Khu công nghiệp THACO - Chu Lai chưa đồng thuận với phương án bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp. Ảnh: H.Quang

Không nên khống chế số lô tái định cư

Thay đổi nhiều theo hướng có lợi cho người dân; hướng đến hỗ trợ tối đa, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất; dự thảo quy định chi tiết... Đó là những nhận xét của đại biểu tham dự hội nghị phản biện về dự thảo Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Sở TN-MT chủ trì soạn thảo.

Giải thích thêm những điểm mới về quyền lợi của người bị thu hồi đất, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng dự thảo đã “nâng mút khung” các mức hỗ trợ.

Đáng chú ý, Điều 4 (Bồi thường bằng đất có mục đích khác với loại đất thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 88 ngày 15/7/2024 của Chính phủ) là điểm mới đặc biệt quan trọng trong dự thảo, bởi đã giải được “thế bí” lâu nay của Quảng Nam trong việc thu hồi đất nông nghiệp là có thể bố trí tái định cư cho người dân nếu đủ điều kiện.

Tuy nhiên, cùng với điểm mới này, các quy định về bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 3) trong dự thảo, đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp.

Nhiều đại biểu có chung ý kiến, tại khoản 1 (Điều 3): “việc bồi thường bằng đất ở theo quy định tại Điều 98 Luật Đất đai và Điều 11 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP được thực hiện tương đương theo giá trị quyền sử dụng đất của diện tích đất ở thu hồi và đất ở tại khu tái định cư, khu dân cư hoặc các khu xen cư (sau đây gọi chung là khu tái định cư) nhưng không vượt quá 5 lô theo quy hoạch phân lô chi tiết tại khu tái định cư” là chưa phù hợp.

Đề nghị xem xét không quy định cụ thể việc bồi thường đất ở nhưng không vượt quá 5 lô để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ở với diện tích lớn.

Ông Phạm Bê - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giải thích: “Ví dụ có nhà đầu tư nào đó mua đất qua đấu giá với số lượng 20 lô. Sau vài năm, khu vực này có dự án, Nhà nước phải thu hồi đất thì mức bồi thường tối đa 5 lô ai mà chịu”.

Dự thảo Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh có 5 chương, 28 điều với nhiều quy định chi tiết, cụ thể theo Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 88 ngày 15/7/2024 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Tại hội nghị phản biện vừa qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị nhiều ý kiến góp ý không đủ thời gian trình bày tại hội nghị thì gửi bằng văn bản để Mặt trận tỉnh tổng hợp và Sở TN-MT tiếp tục hoàn thiện.

Dự kiến dự thảo Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới (dự kiến tổ chức vào giữa tháng 10/2024).

Góp ý sát thực tế

Góp ý về quy định bố trí tái định cư, ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên cho rằng cần quy định cụ thể trong các trường hợp đủ điều kiện được bố trí tái định cư, đặc biệt là không đưa vào quy định nội dung “nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất ở tái định cư thì UBND cấp huyện xem xét, giao 1 lô đất ở với diện tích theo quy hoạch chi tiết phân” (khoản 3, Điều 3).

“Chữ nếu này sẽ gây khó khăn cho các địa phương. Đặt trường hợp địa phương có quỹ đất mà thiếu sự quan tâm thì dân cũng chịu thiệt. Hay lúc địa phương còn quỹ đất thì hộ bị giải tỏa trước được hưởng, nhưng lúc quỹ đất hạn hẹp thì hộ đi sau không được hưởng. Điều này sẽ tạo ra sự so bì giữa những người bị ảnh hưởng bởi dự án và cũng gây khó khăn cho địa phương” - ông Hải nói.

Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 4 chỉ quy định về thu hồi, bồi thường đối với phần diện tích đất nông nghiệp còn lại nằm ngoài vạch giải phóng mặt bằng, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình cho rằng cần bổ sung quy định việc thu hồi đất, bồi thường đối với các thửa đất nông nghiệp nằm ngoài vạch giải phóng mặt bằng nhưng bị ảnh hưởng bởi dự án, không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng đất.

Bởi, trên địa bàn huyện Thăng Bình, nhiều diện tích đất nông nghiệp không nằm trong vạch giải phóng mặt bằng nhưng bị ảnh hưởng bởi các dự án; việc thu hồi, bồi thường đối với các diện tích này chưa được quy định.

Đơn cử: diện tích 3,8ha đất nông nghiệp tại xã Bình Hải bị ảnh hưởng bởi Dự án đường dẫn cầu Cửa Đại; 0,34ha đất nông nghiệp tại xã Bình Lãnh bị ảnh hưởng bởi Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14E...

Vì vậy, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thu hồi, bồi thường đối với các thửa đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nằm ngoài vạch giải phóng mặt bằng là cơ quan có thẩm quyền quyết định nguồn vốn đầu tư của dự án.

Về quy định cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất để xem xét bố trí tái định cư, nhiều đại biểu lưu ý, có thực tế là một gia đình cùng chung sống nhiều thế hệ, trong đó có những phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, nếu thu hồi đất mà không xem xét bố trí tái định cư cho trường hợp này thì chưa đảm bảo tính an sinh xã hội.

HÀ QUANG