Thuốc lá và những tác hại đối với sức khỏe người cao tuổi
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng tác hại của thuốc lá đối với người cao tuổi thể hiện rõ ràng nhất ở hệ hô hấp, đặc biệt là phổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hợp chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có ít nhất 70 chất gây ung thư. Đặc biệt, nicotine là thành phần chính trong thuốc lá có tính gây nghiện cao. Nicotine ở dạng tinh khiết là một chất lỏng không màu, có mùi khó chịu, vị đắng, dễ tan trong nước và có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua da.
Việc hút thuốc lá gây ra những tác hại nghiêm trọng cho cả người hút và người hít phải khói thuốc (hút thuốc thụ động). Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá thụ động có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi lên 20 - 30%.
Khói thuốc lá chứa các độc tố dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm phổi, làm suy giảm chức năng phổi và khiến người cao tuổi dễ bị các vấn đề như ho kéo dài. Trong những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ việc hút thuốc lá, thuốc lào, hoặc hít phải khói thuốc trong thời gian dài, chiếm từ 80 - 90% trường hợp...
Bác sĩ Bùi Ngọc Minh - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - điều dưỡng (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam) khuyến cáo, người cao tuổi mắc COPD cần hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc lá.
Hầu hết bệnh nhân COPD đều có tiền sử hút thuốc, do đó người cao tuổi cần đi khám ngay nếu có các triệu chứng như ho kéo dài, đờm nhiều và khó thở khi vận động để được phát hiện và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
Nicotine cùng với các hóa chất độc hại trong khói thuốc lá có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của não bộ và hệ tuần hoàn, đặc biệt ở người cao tuổi.
Nicotine gây co thắt mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như não, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hơn nữa, việc tiếp xúc lâu dài với khói thuốc có thể dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức, gây ra các vấn đề về trí nhớ. Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá lâu dài có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, gây suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ ở người cao tuổi.
Bên cạnh đó, chức năng tự làm sạch của phổi được thực hiện bởi hệ thống lông chuyển trên niêm mạc đường hô hấp, hoạt động như một hệ thống quét, giúp loại bỏ các chất độc hại, vi khuẩn và bụi bẩn ra khỏi đường hô hấp.
Tuy nhiên, ở người cao tuổi, chức năng này suy giảm đáng kể, đặc biệt khi tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá. Các hóa chất độc hại như nicotine và hắc ín trong khói thuốc gây tổn hại đến các tế bào lông chuyển và làm giảm khả năng tự làm sạch của phổi.
Điều này dẫn đến việc các chất độc hại tích tụ trong đường hô hấp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp nghiêm trọng như viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm trùng phổi.
Sự suy giảm chức năng tự làm sạch của phổi không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà còn khiến quá trình phục hồi của người cao tuổi trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.
Đối với người cao tuổi, tác hại của khói thuốc lá trở nên ngày càng nghiêm trọng khi sức khỏe suy giảm theo tuổi tác. Do đó, người cao tuổi nên từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe. Gia đình và xã hội cần quan tâm hơn đến việc tạo ra một môi trường sống trong lành, không gian sinh hoạt an toàn, không có khói thuốc lá.
Việc loại bỏ hoàn toàn các tác hại từ thuốc lá và cải thiện chất lượng cuộc sống, mang lại niềm vui bên con cháu sẽ là động lực quan trọng giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.