Lâm nghiệp

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025: Bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, tăng tỷ lệ che phủ rừng

HÀN GIANG 10/10/2024 09:46

Đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 14/10/2021 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy Quảng Nam (khóa XXII) thống nhất điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có, đẩy mạnh trồng rừng tập trung…

sam ngoc linh
Diện tích trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh đạt hơn 1.243ha.

Hưởng lợi từ rừng

Cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng đã chủ động tăng cường phối hợp triển khai thực hiện kịp thời biện pháp để bảo vệ các hệ sinh thái rừng trên địa bàn. Tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp, các ban quản lý rừng tiếp tục được đổi mới, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thông qua Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hay Dự án bảo vệ và phát triển rừng, Quảng Nam đã trồng mới khoảng 66.701ha rừng, áp dụng biện pháp khoanh nuôi tái sinh rừng hiệu quả.

Từ đó góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2023 lên 58,88%; chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng dự kiến đến năm 2025 khoảng 59,49%.

Đến nay, tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế (FSC) trên địa bàn tỉnh hơn 24.152,1 lượt héc ta (từ năm 2021 đến nay hơn 15.883,3ha).

Tại Hội nghị lần thứ 17 vừa qua, Tỉnh ủy (khóa XXII) đã thảo luận, thống nhất điều chỉnh các chỉ tiêu thực hiện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Nghị quyết số 15 để phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đến năm 2025: “Nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 61% điều chỉnh thành đạt 59,49%; trong đó, độ che phủ rừng tự nhiên đạt 43,72%.

Đến năm 2030: “Nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 62% điều chỉnh thành đạt 61%”; trong đó, độ che phủ rừng tự nhiên đạt 43,83%. “Diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC đạt 45.000ha” điều chỉnh thành “diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC đạt 30.000ha”.

Chia sẻ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15 tại địa phương, ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, hằng năm Huyện ủy đưa vào nghị quyết và kế hoạch thực hiện đối với chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn phải đạt hơn 300ha.

Đến nay, đã trồng được khoảng 1.400ha và có hơn 284ha đã cấp chứng chỉ FSC. Ông Sơn nhìn nhận, nhờ công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; đảm bảo quản lý bền vững rừng tự nhiên hiện có, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng..., đến nay tỷ lệ che phủ rừng của địa phương đạt hơn 70,61%.

Hiệu quả kinh tế mang lại nhiều hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, kinh tế hộ gia đình được tăng lên, góp phần xây dựng nông thôn mới. Hai xã Tà Bhing và La Dêê đạt tiêu chí số 10 về thu nhập.

Đánh giá kết quả đạt được qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy (khóa XXII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác rà soát, cắm mốc, phân định ranh giới, giao đất, giao rừng triển khai còn chậm.

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán lâm sản trái phép, nhất là phá rừng tự nhiên để trồng rừng nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.

Đến cuối năm 2025 khó đạt chỉ tiêu nâng độ che phủ rừng đạt 61% và diện tích rừng trồng được. Chính sách đầu tư trồng rừng gắn với cấp đất để phát triển trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC khá thấp, chưa thu hút, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng, khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân nguồn kinh phí các chương trình, dự án...

Giải pháp căn cơ về trồng rừng gỗ lớn

Có một thực trạng nghịch lý đang đặt ra đối với các địa phương miền núi của tỉnh là không giải ngân được nguồn vốn cấp cho các dự án trồng rừng từ chương trình mục tiêu quốc gia, buộc phải điều chuyển sang các dự án khác để thực hiện. Người dân không mặn mà với chủ trương trồng rừng gỗ lớn, trong khi đó, diện tích trồng keo nguyên liệu rất lớn.

Từ thực tiễn địa phương, ông Avô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang thừa nhận, việc trồng rừng gỗ lớn chưa đạt như kỳ vọng có nguyên nhân do công tác tuyên truyền từ huyện đến xã chưa được bài bản. Người dân chưa nắm hết các cơ chế hỗ trợ hiện có, những lợi ích lớn mang đến khi chuyển sang trồng rừng gỗ lớn.

“Năm 2023, Đông Giang chuyển hóa được 810ha rừng từ trồng keo sang trồng quế. Năm nay, huyện tiếp tục chuyển hóa thêm 800ha, nhưng có khả năng không hoàn thành vì gặp nhiều khó khăn. Địa phương sẽ quyết tâm làm vì trồng rừng gỗ lớn là hướng dễ nhất để người dân có thu nhập cao” - ông Phương nói.

Những vướng mắc về cơ chế pháp lý đã được chỉ ra và dưới góc độ chuyên môn, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, do mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn quá thấp. Trung ương quy định mức hỗ trợ từ 8 - 10 triệu đồng/ha, nhưng thực tế, người dân bỏ ra từ 80 - 100 triệu đồng/ha trồng rừng gỗ lớn. Đến 4 năm, khi cây phát triển thành rừng mới được nghiệm thu hỗ trợ.

Ngoài ra, thời gian trồng kéo dài từ 8 - 10 năm, rừng dễ bị thiên tai gãy đổ mà không có chính sách bảo hiểm. Rồi giá nguyên liệu gỗ dăm đang rất cao, từ 1,3 - 1,7 triệu đồng/m3, với chu kỳ trồng rừng 3 - 4 năm mới khai thác là những nguyên nhân chính khiến người dân không mặn mà với việc trồng rừng gỗ lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, việc triển khai trồng rừng gỗ lớn đã được bàn thảo nhiều. UBND tỉnh sẽ tiếp thu kiến nghị từ cơ sở, giao ngành chuyên môn phối hợp nghiên cứu bàn cụ thể, tham mưu trình HĐND tỉnh có giải pháp căn cơ nhằm khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn trong thời gian tới.

Đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 15 trong thời gian đến, Tỉnh ủy nhấn mạnh yêu cầu tăng cường các biện pháp để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có; thường xuyên rà soát, thống kê, cập nhật diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng tăng thêm hằng năm….

Cùng với đó, đẩy mạnh trồng rừng tập trung, từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu nhằm đảm bảo mục tiêu tăng độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 59,49% và phấn đấu đến năm 2030, độ che phủ rừng đạt 61%.

Quảng Nam trồng mới hơn 20,6 triệu cây xanh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết, thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, toàn tỉnh đã trồng được 20.664.853/27.850.000 cây, đạt 74,20% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và triển khai dự án trồng 600.000 cây phân tán (cây bản địa) và trồng tập trung 70ha cây bản địa.

Đến nay, Quảng Nam đã triển khai thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh tại 7 địa phương: Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước. Hiện nay, tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 1.243,4ha và đang tiếp tục triển khai trồng mới, mở rộng diện tích vườn bảo tồn. Ngoài ra, thông qua cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My theo Nghị quyết số 40 ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh, trồng mới được khoảng 2.671,4ha; công nhận 110 cây quế trội để chăm sóc, bảo vệ...(N.ĐOAN)

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đạt khoảng 26,03%

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15, Quảng Nam triển khai thực hiện Dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại 9 huyện miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2026 theo Nghị quyết số 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh tại 31/85 xã với diện tích khoảng 25.725,6/98.818,7ha (đạt tỷ lệ khoảng 26,03%).

Phân bổ hơn 12,4 tỷ đồng để 14 địa phương, đơn vị tổ chức rà soát diện tích đất đai của các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống hoặc sử dụng ổn định, lâu dài trong khu vực quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với diện tích hơn 36.941,2ha theo kế hoạch. Thực hiện cắm mốc ranh giới rừng tự nhiên ngoài thực địa (tổng số 14 mốc) khu vực quy hoạch bảo vệ voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành và bàn giao lại cho địa phương quản lý; chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho 8 dự án với diện tích hơn 62,7ha.(N.ĐOAN)

HÀN GIANG