Quảng Nam trong "bức tranh" quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia
(QNO) - Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và vừa được Bộ Xây dựng tổ chức công bố có một số điểm nhấn đáng chú ý liên quan Quảng Nam.
Bản sắc đô thị Quảng Nam
Theo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch), Việt Nam sẽ có 4 vùng đô thị. Trong đó, vùng đô thị Đà Nẵng gồm các thành phố Đà Nẵng, Huế và các đô thị lân cận thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Quy hoạch xác định xây dựng và phát triển các thành phố Đà Nẵng, Huế là cực tăng trưởng, động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên.
Cạnh đó, chuỗi các đô thị động lực của các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ (thành phố Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn) sẽ trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học, công nghệ của đất nước gắn với hệ sinh thái biển miền Trung; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Cũng theo quy hoạch, Hội An được xác định là một trong 14 đô thị trung tâm du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng phác thảo việc kết hợp Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam để hình thành vùng đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một điểm nhấn đáng chú ý nữa là Hội An cùng với đô thị Thừa Thiên Huế và đô thị Ninh Bình được định vị là 3 trung tâm văn hóa di sản.
Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, không có nơi nào ở Việt Nam có mật độ di tích văn hóa cao như Hội An, tính chất của Hội An chính là đô thị di sản. Những đô thị như Hội An nên được xem là đô thị đặc thù và cần đưa nó vào quy định của luật xem nó như một đô thị di sản.
Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, hiện đại
Quy hoạch xác định xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị.
Đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững cho người dân thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm.
Về tổ chức hệ thống khu dân cư nông thôn, tại miền núi phía Tây Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ sẽ nâng cấp các khu dân cư nông thôn có di sản, làng nghề truyền thống gắn với vùng trồng cây đặc sản kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.
Bên cạnh đó, phục hồi rừng, bảo vệ khu dân cư nông thôn chống chịu với thiên tai bão lụt, nạn cát bay, gió nóng. Cải thiện cơ sở hạ tầng khu dân cư nông thôn kết nối với các vùng chuyên canh cây công nghiệp hàng năm, cây công nghiệp lâu năm (cà phê, cao su), vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản; kết nối khu dân cư nông thôn với các khu du lịch và đô thị ven biển.
Còn với khu vực ven biển của vùng này sẽ nâng cấp các khu dân cư nông thôn, bố trí lại không gian sản xuất, tích hợp bảo vệ hệ sinh thái, rừng ngập mặn, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, dịch vụ, du lịch để cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân.
Tổ chức khu dân cư nông thôn đảm bảo điều kiện cơ bản để hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/8/2024. Định hướng của quy hoạch đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt trên 50%; năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị.
Với hệ thống nông thôn, đến năm 2030 cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu cả nước có khoảng 70% số huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó 35% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu 100% huyện có đô thị.
Về định hướng, Quảng Nam sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước làm vốn mồi, huy động mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống ngày càng nâng cao, giảm chênh lệch vùng miền.
Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại ngành nông, lâm, thủy sản phù hợp với lợi thế của từng vùng, theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị. Nâng cao năng lực chế biến nông sản, phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, đa dạng các hình thức hợp tác. Liên kết sản xuất, tiêu thụ kết nối với hệ thống tiêu thụ sản phẩm, chuỗi giá trị. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển dược liệu thành ngành kinh tế trọng điểm.
Đồng thời, tiếp tục quy hoạch, phát triển vùng chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ sạch, an toàn; phát triển khu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang; phát triển mô hình Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các mô hình làng sinh thái nông nghiệp gắn phát triển du lịch cộng đồng; phát triển lâm nghiệp đa chức năng, mô hình nông lâm kết hợp; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch sinh thái.