Lâm nghiệp

Đảm bảo tiến độ kiểm tra chi trả dịch vụ môi trường rừng

TRẦN HỮU 10/10/2024 21:22

(QNO) – Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam vừa kết thúc đợt kiểm tra kết quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) kéo dài nhiều tháng, qua đó giúp các chủ rừng nâng cao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn.

z5911388763328_7cd3f6685dc62cbbd054abc943435a70.jpg
Từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hay cộng đồng dân cư thôn trách nhiệm hơn trong diện tích lâm phận được giao khoán bảo vệ.

Hoàn tất đợt kiểm tra chi trả

Theo kế hoạch đầu năm, thì khoảng giữa tháng 9/2024, các đoàn công tác của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh phải kết thúc đợt 2 kiểm tra kết quả thực hiện chi trả DVMTR tại UBND các xã có thực hiện chi trả DVMTR.

Phòng Kiểm tra – giám sát rừng (Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh) cho biết, đợt kiểm tra gần đây kéo dài từ ngày 29/7 đến 17/9/2024, tập trung vào việc đánh giá công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng tiền DVMTR năm 2023, triển khai chính sách năm 2024; giám sát các chủ rừng khắc phục những tồn tại, thiếu sót qua công tác kiểm tra các năm trước.

Theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, hầu hết UBND các xã đã triển khai thực hiện chi trả DVMTR theo các nội dung phương án được UBND huyện phê duyệt; công tác quản lý bảo vệ rừng, lên kế hoạch sử dụng tiền tập trung chi cho các hộ (tổ, đội) nhận khoán, chi cho các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, chi trả lương… đảm bảo tiến độ. Điều quan trọng trong lâm phận được giao quản lý, bảo vệ không để xảy ra tình trạng xâm hại rừng, cháy rừng.

z5911388763210_59b02e40211b396de8edee1594980fd8.jpg
Tuần tra rừng tại thôn 58, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang.

Đơn vị thường phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt kiểm lâm các địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát chéo các chủ rừng. Đơn cử, mới đây Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang làm việc với các đơn vị chủ rừng là cộng đồng dân cư các thôn: Tà Un, Cần Đôn, La Bơ B (xã Chà Vàl); các thôn 56, 58 (xã Đắk Pre); thôn Pà Dấu 2 (thị trấn Thạnh Mỹ) nhằm hỗ trợ cập nhật diễn biến rừng chi trả DVMTR từ kết quả giải đoán ảnh.

Trách nhiệm của các bên liên quan đã được làm rõ là cộng đồng dân cư các thôn có ghi chép đầy đủ, chính xác việc tuần tra tại hiện trường hay không, hồ sơ cập nhật biến động rừng; làm rõ trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm địa bàn và cán bộ phụ trách chi trả DVMTR của xã.

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, qua các đợt kiểm tra, các bộ phận liên quan của đơn vị tổng hợp các ý kiến đóng góp của người dân, cộng đồng dân cư, các chủ rừng, qua đó lắng nghe những vướng mắc, đề xuất của họ để tổng hợp kiến nghị lên cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các nội dung cho phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện hiệu quả chính sách DVMTR.

Tuy nhiên, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cũng nhìn nhận một số tồn tại như việc chi trả cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng có thời điểm chưa kịp thời; việc xây dựng, tham mưu trình duyệt Phương án quản lý sử dụng kinh phí DVMTR, điều chỉnh phương án, quyết toán tiền DVMTR hàng năm vẫn còn chậm...

Để thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đề nghị UBND các xã tăng cường tuần tra bảo vệ rừng của tổ đội, nhóm bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; sớm xây dựng trình duyệt Phương án quản lý sử dụng kinh phí DVMTR, phòng cháy chữa cháy rừng từ đầu năm để làm cơ sở thực hiện; rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại các nội dung hợp đồng khoán bảo vệ rừng đối với tổ/đội quản lý bảo vệ rừng khi có sự thay đổi mới...

Quản lý rừng bền vững

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, toàn bộ diện tích rừng của chủ rừng là tổ chức tại các địa phương phải được quản lý theo phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Theo đó, chủ rừng là tổ chức (các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn…) phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là cơ sở để tích hợp các loại rừng vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh; là căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đối với các chủ rừng có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước; là hồ sơ quan trọng để truy xuất nguồn gốc gỗ, phục vụ thiết thực cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản…

Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý rừng bền vững và Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28 có quy định rừng cộng đồng phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; xây phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2024 - 2030 tại mỗi cộng đồng dân cư thôn nhằm mục đích thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng sau khi được Nhà nước giao đất giao rừng.

461187490_122169413672176715_4055084693688757696_n (1)
Các cộng đồng dân cư ở miền núi được tập huấn cách tiếp cận quản lý rừng bền vững.

Thời gian qua, Quảng Nam triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích các chủ rừng, đặc biệt chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư, hợp tác xã liên kết hình thành nhóm hộ xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Tại huyện Nam Giang, thôn Đắc Pênh (xã La Dêê) và thôn Côn Zốt (xã Chơ Chun) có gần 400ha và huyện Tây Giang 2 thôn Ta’ Ri, Pơr’ Ning (xã Lăng) có 1.363ha được Nhà nước giao đất, giao rừng. Cho nên, theo quy định, thì 4 cộng đồng dân cư thôn này phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Từ yêu cầu trên, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh chủ trì phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Nam Giang, lãnh đạo UBND xã, đơn vị tư vấn và đại diện ban nhân dân thôn, cộng đồng dân cư tổ chức hội nghị triển khai “Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững” cho 4 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng.

Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh khẳng định, thông qua hội nghị, đơn vị và các ngành chức năng sẽ cập nhật nhiều thông tin, quy định hiện hành, chỉ rõ trách nhiệm các bên trong công tác quản lý rừng đối với cộng đồng dân cư, để các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đồng hành với cộng đồng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, dược liệu, tạo sinh kế bền vững…

-

TRẦN HỮU