Quy hoạch - Đầu tư

Thăng Bình đầu tư lớn cho hạ tầng kinh tế

VIỆT NGUYỄN 11/10/2024 10:59

Xác định đầu tư đồng bộ hạ tầng là nhiệm vụ đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Thăng Bình đã xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm chiến lược.

Diện mạo đô thị Hà Lam ngày càng khởi sắc nhờ huyện chú trọng đầu tư cho hạ tầng đô thị. Hạ tầng đi trước
Diện mạo đô thị Hà Lam ngày càng khởi sắc nhờ huyện chú trọng đầu tư cho hạ tầng đô thị. Ảnh: Q.VIỆT

Hoàn thiện hệ thống giao thông

Trong 3 năm qua, huyện Thăng Bình đã huy động hơn 1.857 tỷ đồng để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện cho biết, xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, địa phương quyết tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, vận tải hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Thăng Bình đầu tư hạ tầng giao thông kết nối thông suốt với các địa phương lân cận như Tam Kỳ, Quế Sơn, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức.

Nhiều dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng như tuyến ĐH21 từ Hà Lam đi Tam Thành (Phú Ninh); ĐH19 nối từ quốc lộ (QL) 14E đi ĐT612, ĐH18 đến huyện Quế Sơn; đường nối từ ĐH4 đi huyện Phú Ninh...

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong 3 năm qua của huyện Thăng Bình đạt xấp xỉ 150 tỷ đồng. Địa phương đã hoàn thành 9,21km đường huyện; xây mới 9 cống hộp, 7 cây cầu, kiên cố hóa giao thông nông thôn 33,83km.

Cạnh đó là nhiều công trình giao thông trọng điểm từ vốn ngân sách Trung ương và tỉnh như dự án cải tạo, nâng cấp QL14E; hoàn thiện tuyến đường Võ Chí Công; dự án thành phần 2 đường nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối với QL14H và QL1; dự án Cầu Bình Sa đi Bình Hải… Đến nay, đã cơ bản hành thành dự án đường nối từ đường Võ Chí Công đến QL1 và nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bước vào mưa bão năm nay, huyện Thăng Bình đã hoàn thành đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng do thiên tai trước đây như đập Phô Thị (Bình Tú), đập dâng Bình Khương (Bình Giang), đập Cẩm Nga (Bình Lãnh), cầu Suối Dốc (Hà Lam), cầu Rộc (Bình Định Bắc).

Trong 3 năm qua, tổng vốn đã đầu tư hạ tầng thủy lợi trên địa bàn Thăng Bình là gần 104 tỷ đồng. Địa phương cũng đã đầu tư, nâng cấp hồ chứa nước Hố Do (Bình Quế và Bình Phú), đầu tư phát triển, nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó đảm bảo nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Đầu tư hạ tầng đô thị, công nghiệp

Xác định phát triển đô thị là động lực phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại, bền vững.

DH4- Binh An - Binh Que
Tuyến đường ĐH 4 giúp kết nối liên vùng của huyện Thăng Bình cũng như kết nối với huyện Phú Ninh. Ảnh: Q.VIỆT

Nhiều tuyến đường nội bộ thị trấn Hà Lam được đầu tư xây mới, nâng cấp như tuyến nội thị Lý Tự Trọng - QL14E, tuyến đường Nguyễn Thuật đến đường Huỳnh Thúc Kháng, tuyến đường Nguyễn Thuật đến đường Tiểu La và đang triển khai nâng cấp các tuyến đường Lý Tự Trọng, Thái Phiên, đồng thời đầu tư hoàn thiện các tuyến đường giao thông đô thị tại xã Bình Minh.

Tuyến giao thông đô thị Vân Tiên - biển Bình Tịnh, tuyến đường từ ĐT613 đi biển Tân An đang khẩn trương đầu tư. Tổng nguồn vốn Thăng Bình đã đầu tư cho hạ tầng đô thị là hơn 146,3 tỷ đồng.

Về hạ tầng các khu dân cư, ông Lê Quang Hạt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình cho hay, đến nay huyện đã hoàn thiện hạ tầng các khu dân cư ven biển Bình Dương (giai đoạn 1), khu dân cư Kế Xuyên 2 (Bình Trung), khu dân cư thôn Nghĩa Hòa (Bình Nam), hoàn thiện hạ tầng khu dân cư Trung tâm xã Bình Dương (giai đoạn 2), khu dân cư Trường dạy nghề Bình Nguyên (giai đoạn 1 và giai đoạn 2), khu dân cư tổ 4 (thị trấn Hà Lam), khu dân cư Trà Đóa 1 (Bình Đào)… phục vụ nhu cầu an cư lập nghiệp của người dân.

Thăng Bình còn đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu dân cư nông thôn mới tại thôn Hiền Lương (Bình Giang), thôn Ngọc Sơn Đông (Bình Phục) và thôn Tây Giang (Bình Sa) để phục vụ tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trọng điểm vùng Đông.

Cùng với giao thông, đô thị..., hạ tầng các cụm công nghiệp được Thăng Bình chú trọng để đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay huyện đã đầu tư, đưa vào sử dụng Khu xử lý nước thải Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp bền vững. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng đang triển khai xây dựng hạ tầng.

Huyện Thăng Bình mới đây đã làm việc với nhà đầu tư để xúc tiến thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phía tây cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua huyện Thăng Bình, quy mô khoảng 400ha.

VIỆT NGUYỄN