Y tế

Gánh nặng bệnh không lây nhiễm

ÁNH MINH 11/10/2024 14:00

Bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của ngành y tế.

8be8dedf39c5809bd9d4-1-1-.jpg
Khám sàng lọc tư vấn sức khỏe các bệnh mãn tính không lây nhiễm cho người dân. Ảnh: A.M

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân chính là do mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư.

Nguyên nhân là nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, khoảng 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì tăng, 45% dân số nam giới hút thuốc lá.

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam có thói quen sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (9,4gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...

Tại Quảng Nam, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam, trong 9 tháng đầu năm, tổng số bệnh nhân tăng huyết áp mới phát hiện là 9.987 trường hợp, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm 2023 (9.875 ca); lũy kế, quản lý điều trị 72.985 bệnh nhân tăng huyết áp; bệnh nhân đái tháo đường mới phát hiện là 3.581 người, tăng 10,45% so với cùng kỳ năm 2023 (3.242 ca); lũy kế, quản lý điều trị 21.875 bệnh nhân đái tháo đường.

BS-CKI. Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, CDC Quảng Nam cho biết: Bệnh không lây nhiễm được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì bệnh này diễn biến âm thầm, không có những triệu chứng rõ ràng để người bệnh nhận biết và đi khám sớm. Chính vì vậy, người bệnh đến cơ sở y tế bị chậm trễ, có khi đã xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Vừa qua, CDC Quảng Nam tổ chức khám sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung cho 1.300 người; tập huấn triển khai các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm và tập huấn chuyên môn hướng dẫn sàng lọc, phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cho gần 260 người là cán bộ chủ chốt các ban ngành, đoàn thể và nhân viên y tế cơ sở.

Đồng thời lồng ghép hướng dẫn cho các bệnh nhân tăng huyết áp, tiền tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền đái tháo đường phòng chống các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh sau khi được khám sàng lọc…

Theo báo cáo của CDC Quảng Nam, tính từ đầu năm 2024 đến hết ngày 30/9, tỷ lệ người bị tăng huyết áp được phát hiện chủ động đạt 50,4% (chỉ tiêu giao 50%), bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý, theo dõi điều trị đạt tỷ lệ 81,3%; tỷ lệ người bị đái đường được phát hiện chủ động đạt 62,3% (chỉ tiêu giao 50%) và bệnh nhân đái đường được quản lý, theo dõi điều trị đạt tỷ lệ 97,9%.

“Các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng rượu bia nếu được loại bỏ sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và hơn 40% các bệnh ung thư.

Các bệnh không lây nhiễm có thể không xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng có điểm chung là nhóm yếu tố góp phần làm phát triển bệnh (yếu tố nguy cơ). Chính vì vậy, việc thay đổi lối sống, thay đổi các hành vi nguy cơ để bảo vệ sức khỏe ngay từ bây giờ chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội” - bác sĩ Tuấn nói.

ÁNH MINH