Chính quyền - đoàn thể

Quảng Nam có 34 cán bộ, công chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số

N.ĐOAN 11/10/2024 16:19

(QNO) - So với thời điểm trước ngày 10/2/2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số khối chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tăng 944 người (tương ứng tăng 34%).

anh noi vu 23
Quang cảnh cuộc làm việc sáng nay 11/10. Ảnh: N.Đ

Sở Nội vụ cho biết thông tin trên tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 10/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 vào sáng nay 11/10.

Ông Nguyễn Văn Mau - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, đến ngày 30/6/2024, khối chính quyền của tỉnh có 3.751 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người dân tộc thiểu số (DTTS); trong đó có 34 CBCC cấp tỉnh, 185 CBCC cấp huyện; 1.070 CBCC cấp xã; 2.462 viên chức).

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 90 CBCCVC nữ người DTTS giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp huyện trở lên (đạt 39,6% trên tổng số CBCCVC người DTTS giữ vị trí lãnh đạo quản lý của tỉnh).

Về kết quả thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết số 21 đến năm 2025, đối với cấp tỉnh, Sở Nội vụ cho biết, hiện khối chính quyền tỉnh có 3 CBCC người DTTS/87 CBCC giữ các chức danh giám đốc, phó giám đốc sở, ban, ngành và tương đương (đạt 3,4% và đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 21)

Hiện khối chính quyền tỉnh có 11/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 5/8 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh có CBCCVC người DTTS đang công tác.

Đến 30/6/2024, Ban Dân tộc tỉnh có 4 công chức người DTTS/20 biên chế được giao, đạt 20% (thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết số 21).

Sở Nội vụ có 1 công chức người DTTS/69 biên chế được giao (đạt 1,5% và đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 21).

anh so noi vu 1
Thành viên đoàn giám sát trao đổi tại cuộc làm việc với lãnh đạo Sở Nội vụ. Ảnh: N.Đ

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Nội vụ đã giải trình các vấn đề về được Đoàn giám sát nêu ra. Trong đó, có tình hình sử dụng, tuyển dụng biên chế công chức, viên chức người DTTS tại các địa phương miền núi; thực hiện chế độ sinh viên cử tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường; công tác “biệt phái” để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn; chuyển đổi vị trí công tác của CBCCVC theo Quy định số 455 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chế độ chính sách cho cán bộ luân chuyển, điều động…

Thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Mau - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao công tác tham mưu ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể hóa cơ chế chính sách liên quan đến công tác cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ người DTTS nói riêng.

Nhìn chung, công tác cán bộ người DTTS theo Nghị quyết số 21 đã có sự chuyển biến tích cực. Số lượng, chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS của tỉnh từng bước được nâng lên, bảo đảm tính kế thừa và sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ.

Đối với một số chỉ tiêu đạt thấp, ông Mau đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục tập trung tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện và phấn đấu đạt vào năm 2025, trong đó, đề cao trách nhiệm của các sở, ngành trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS.

Đoàn giám sẽ tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của cơ sở; trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm chỉ đạo, có các giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết số 21 trong thời gian tới.

N.ĐOAN