Kinh tế

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Tư duy và hành động

PHAN VINH 11/10/2024 17:31

(QNO) - Nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động kinh tế số cho doanh nghiệp, sáng 11/10, UBND TP.Tam Kỳ tổ chức chương trình tọa đàm "Chuyển đổi số - Tư duy - Hành động - Bứt phá". Hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, với sự tham gia của các chuyên gia về công nghệ số và hơn 50 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

1(1).jpg
Quang cảnh chương trình tọa đàm về chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Ảnh: PHAN VINH

Tư duy số

Mở đầu buổi tọa đàm, anh Hoàng Đăng Vịnh - Nhà sáng lập nền tảng báo cáo - CTO Network Đà Nẵng cho biết, nếu chuyển đổi số cách đây 3 - 4 năm là một khái niệm mơ hồ thì thời gian gần đây, những định nghĩa và hiểu biết về cụm từ này được mở rộng và chuyên sâu hơn, bởi thực tế chứng minh, nhiều doanh nghiệp lớn, không quan tâm đến chuyển đổi số đã bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào, tụt giảm hiệu suất kinh doanh

Lượt tương tác trong phiên livestream khá cao. Ảnh: PHAN VINH
Các doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số vào hoạt động kinh doanh. Ảnh: PHAN VINH

"Trước đây, họ không ứng dụng một cách nghiêm túc câu chuyện số hóa dữ liệu trong doanh nghiệp. Họ đem kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân của mình ứng dụng và vận hành công việc. Đây là lỗ hổng rất lớn của bất kì doanh nghiệp nào, cho dù có quy mô nhỏ hay vừa khi không sử dụng số liệu để đo lường, đánh giá quy trình và hiệu quả công việc. Vấn đề này trở thành thách thức vô cùng lớn khi doanh nghiệp đứng trước công cuộc chuyển đổi số của toàn hệ thống chính trị và xã hội. Phần nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có tư duy về số và tất nhiên, chẳng có nền tảng hay cơ sở gì để chuyển đổi số" - anh Vịnh nói.

2(1).jpg
Anh Trần Xuân Tấn cho rằng, trước khi nghĩ đến việc chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần phải rà soát lại quy trình quản lý và số hóa dữ liệu. ảnh: PHAN VINH

Đồng quan điểm với anh Hoàng Đăng Vịnh, anh Trần Xuân Tấn - chuyên gia chuyển đổi số, giám đốc Công ty TNHH Quản trị số Fastdo chia sẻ, nhìn ở góc nhìn khác, vẫn có nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã chuẩn hóa về quy trình vận hành. Họ rất chỉn chu trong vấn đề số hóa các dữ liệu. Các doanh nghiệp đó rất rõ ràng trong câu chuyện "tôi kinh doanh cái gì, tôi kinh doanh hiệu quả do đâu, công thức thành công của tôi là gì". Họ ghi lại những quy trình chuẩn đó để khi tìm một công cụ hỗ trợ sẽ dễ dàng hơn.

"Chính vì vậy mà trước khi chuyển đổi số, tôi thường khuyên các doanh nghiệp đừng vội dùng ứng dụng mà phải có tư duy về số trước. Từ đó, rà soát lại quy trình, trả lời được các câu hỏi hiệu quả hay thất bại đến từ đâu, số liệu nào, quy trình nào làm ra số liệu đó. Chuyển đổi quy trình vận hành hay dễ hiểu hơn là sửa đổi mô hình kinh doanh không phải một sớm một chiều mà làm theo từng bước nhỏ" - anh Tấn cho biết.

Tranh thủ nguồn lực

Cũng theo anh Vịnh, hiện nay, các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc thì mọi thứ đều được số hóa. Từ những công ty khởi nghiệp chỉ vài nhân sự ban đầu, nhưng nhờ đầu tư vào chuyển đổi số mà các doanh nghiệp có sự bùng nổ về quy mô. Ở Việt Nam, doanh nghiệp Vatgia.com khi thành lập chỉ có 18 nhân sự, sau 2 năm số hoá đã phát triển lên đến 1.000 nhân sự. Tuy nhiên, nhìn chung lại quá trình chuyển đổi số, mỗi doanh nghiệp phải tranh thủ được nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ chính doanh nghiệp đó. Phải tối ưu hoá quy trình thì mới biết ứng dụng chuyển đổi số như thế nào để đạt được con số mong muốn.

Ngày hội KNĐMST TP.Đà Nẵng là dịp để các dự án khởi nghiệp kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Việc học hỏi từ hiệu quả chuyển đổi số ở nước ngoài được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Ảnh: PHAN VINH

Anh Tấn cho rằng, trong quản trị doanh nghiệp sẽ có thuật ngữ dẫn dắt lãnh đạo, dẫn dắt sự thay đổi. Có nhiều doanh nghiệp mong muốn số hóa, nhưng làm không tới nơi tới chốn và chưa thực sự thể hiện quyết tâm thay đổi.

Mình phải thử nghiệm, sai thì sửa, áp dụng cách mới, thử đặt những mục tiêu và giả thuyết để kiểm chứng xem kết quả như thế nào rồi từ đó đề ra vấn đề và giải pháp để chỉnh sửa cho ngày càng hiệu quả hơn. Đó mới là chìa khóa để chuyển đổi số chứ không phải chỉ ứng dụng phần mềm rồi mong muốn tạo ra một cái gì đó mới cho doanh nghiệp

Anh Trần Xuân Tấn

Chương trình livestream diễn ra ngày 17/8 với 2 khung giờ trưa và tối. Ảnh: PHAN VINH
Các doanh nghiệp cần khai thác thế mạnh nội tại để phát huy và ứng dụng chuyển đổi số như một cách thúc đẩy hiệu quả. Ảnh: PHAN VINH

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, vấn đề chuyển đổi số và đặc biệt là kinh tế số trong doanh nghiệp được lãnh đạo thành phố chú trọng quan tâm. Thành phố Tam Kỳ xác định đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% trong chỉ tiêu phấn đấu chuyển đổi số. Những năm qua, các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số của các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đã bắt đầu có những ứng dụng sâu, mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

3(1).jpg
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng các doanh nghiệp cần tận dụng nhiều nguồn lực để phát huy năng lực chuyển đổi số. Ảnh: PHAN VINH

"Lãnh đạo TP.Tam Kỳ sẵn sàng đồng hành hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các hoạt động chuyển đổi số. Dù với tình hình hiện nay, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về chi phí đầu tư nhưng đây là phương thức tất yếu để tồn tại trước khi nghĩ đến sự bứt phá.

Trong lúc tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nên tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ bản thân, đối tác, khách hàng và chính quyền địa phương để tích cực số hoá doanh nghiệp và chuyển đổi số trong quy trình sản xuất kinh doanh, nhất là ở các lĩnh vực marketing, bán hàng, quản lý tài chính..." - ông Nam cho biết thêm.

PHAN VINH