Cấp ủy 6 huyện miền núi cao Quảng Nam có 46,2% ủy viên là người dân tộc thiểu số
(QNO) - Tổng số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đang công tác tại các cơ quan khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh của Quảng Nam là 6/394 người; còn ở 6 huyện miền núi cao là 133/292 người, tỷ lệ 45,5%.
Chiều nay 11/10, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có cuộc làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, giám sát kết quả tham mưu thực hiện Nghị quyết số 21, ngày 10/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Mau - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nói chung và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ là người DTTS nói riêng. Xem đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đáng chú ý, với chức năng được giao, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 10, ngày 30/3/2022 về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030; trong đó có đặt ra mục tiêu về bồi dưỡng cho cán bộ người DTTS.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, từ tháng 2/2022 đến tháng 6/2024 các huyện miền núi cao của tỉnh (Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My) cử 29/463 CBCCVC người DTTS đi học cao cấp lý luận chính trị, học trung cấp lý luận chính trị 215/965 người; bồi dưỡng cập nhật kiến thức 17/202 người.
Về kết quả thực hiện các nhóm chỉ tiêu của Nghị quyết số 21, theo ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, đối với cấp tỉnh, hiện nay CBCCVC người DTTS tham gia cấp ủy tỉnh là 5/53 đồng chí, tỷ lệ 9,43%; đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết số 21. Số CBCCVC người DTTS giữ các chức danh giám đốc, phó giám đốc sở, ban, ngành và tương đương là 6/177 đồng chí, tỷ lệ 3,39%; vượt 0,39% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 21.
Đối với 6 huyện miền núi cao, CBCCVC người DTTS tham gia cấp ủy cấp huyện là 110/238 đồng chí, đạt 46,2% (thấp hơn 3,8% so với chỉ tiêu). Có 133/292 CBCCVC cấp huyện là người DTTS, đạt 45,54% (thấp hơn 4,46% so với chỉ tiêu). Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng người DTTS là 64/145 đồng chí, đạt tỷ lệ 44,13% (vượt 9,13% so với chỉ tiêu). Công chức người DTTS công tác tại phòng dân tộc cấp huyện là 16/28 đồng chí (đạt tỷ lệ 57,14%; vượt 7,15% so với chỉ tiêu).
Tại cuộc giám sát, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã trao đổi, giải đáp làm rõ hơn những vấn đề được thành viên đoàn giám sát quan tâm. Đồng thời nhìn nhận, việc triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ người DTTS vẫn còn những hạn chế.
Trong đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS trong tình hình mới, chưa tích cực quan tâm tạo nguồn cán bộ là người DTTS, chưa thực hiện tuyển dụng công chức là người DTTS theo Nghị quyết số 21 đề ra. Chưa có cơ chế tuyển dụng riêng đối với công chức, viên chức người DTTS, ảnh hưởng đến nguồn cán bộ kế cận…