Anthony Tan và siêu ứng dụng Grab
Sau khi lên sàn tại Mỹ vào tháng 12/2021, Công ty Grab - siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Đông Nam Á của nhà đồng sáng lập Anthony Tan mang về hơn 2 tỷ USD doanh thu vào năm 2023.
Năm 2012, Anthony Tan và Tan Hooi Ling (Malaysia) đồng sáng lập Grab với mục tiêu cung cấp giải pháp thay thế an toàn hơn cho dịch vụ taxi tại Malaysia, khởi đầu là một ứng dụng gọi xe MyTeksi, sau đổi tên thành Grabtaxi, hiện nay là Grab và có trụ sở tại Singapore.
Chỉ hơn một thập kỷ, người dùng Grab có thể kiểm tra số dư ngân hàng, đăng ký vay, đặt xe hay đồ ăn đến tận nơi, tất cả đều trên ứng dụng. Tính đến năm 2023, Grab phục vụ hơn 35 triệu khách hàng và cung cấp 13 triệu việc làm ở hàng trăm thành phố của 8 quốc gia ở Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, đóng góp hàng tỷ USD vào GDP của các nước khu vực. Grab tiên phong trong các công nghệ và mô hình kinh doanh đổi mới góp phần thay đổi cách mọi người sống và làm việc trong khu vực.
Vào năm 2018, dịch vụ gọi xe trực tuyến Uber đồng ý bán mảng kinh doanh Đông Nam Á của công ty cho Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần trong công ty. Thỏa thuận này chính thức thiết lập sự thống trị của Grab trong khu vực đến nay.
Ngày nay, Grab nhận hậu thuẫn từ những tên tuổi lớn gồm SoftBank Group, Didi Chuxing và Toyota để có vốn hóa thị trường vượt hơn 14 tỷ USD.
Anthony Tan có cha là Tan Heng Chew - ông chủ của công ty nắm giữ quyền kinh doanh xe Nissan tại Malaysia. Anthony thừa nhận sinh ra đã “ngậm thìa bạc” nhưng hoàn cảnh xuất thân không ngăn cản ông vượt lên chính mình để xây dựng siêu ứng dụng Grab, đánh bại Gojek và BeGroup chiếm thị phần dành cho ứng dụng tương tự lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.
Trước đó, năm 2009, Anthony Tan nhập học tại Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) - nơi ông gặp người đồng sáng lập Tan Hooi Ling. Họ ngồi cạnh nhau trong lớp học có tên “Kinh doanh tại đáy kim tự tháp”.
Năm 2011, Anthony Tan và Tan Hooi Ling trò chuyện về hệ thống taxi của Malaysia. Cả hai soạn thảo một kế hoạch kinh doanh, gửi đến một cuộc thi khởi nghiệp tại trường đại học và giành giải nhì, mang về giải thưởng 25 nghìn USD. Họ sử dụng số tiền thưởng góp vốn khởi nghiệp Grab sau này.
Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp Grab của Anthony không hề dễ dàng. “Rất căng thẳng... Tôi có lẽ đã làm việc 15, 18, đôi khi là 20 giờ một ngày, và đó là công việc từ thứ Hai đến Chủ nhật” - Anthony Tan nói.
Những ngày đầu thành lập công ty vào năm 2012, Anthony Tan rong rủi khắp Đông Nam Á để thuyết phục tài xế taxi thử Grab. Ông xuất hiện vào khoảng 4 giờ sáng, thời điểm giao ca ở Việt Nam để cùng thưởng thức cũng như miễn phí cà phê cho tài xế taxi. Ở Manila (Philippines), Anthony Tan cùng nhâm nhi những cốc bia giá bình dân với các đội xe taxi và dành thời gian để hiểu tâm tư, lý do vì sao các tài xế muốn kiếm thêm thu nhập từ Grab.
Để tìm hiểu hoạt động công ty, Anthony Tan vi hành với vai trò tài xế xe công nghệ. Ông cũng thường tự mình trải nghiệm công việc của các đối tác giao đồ ăn và tài xế Grab. Anthony Tan nói: “Đi thực tế vẫn là cách tốt nhất để thử nghiệm ứng dụng Grab, thấu hiểu khách hàng và nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng. Điều tạo nên sự khác biệt giữa Grab và các đối thủ là thực sự giúp đỡ người lao động và phục vụ khách hàng theo cách mà không ai khác có thể làm”.
Ngoài các nguồn doanh thu như giao thức ăn, đặt xe công nghệ, thanh toán qua ví điện tử Moca, Grab còn tạo ra doanh thu từ quảng cáo khi bán không gian quảng cáo trên nền tảng của công ty cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận người dùng. Điều này giúp công ty giảm rủi ro và phát triển vững chắc hơn trong tương lai...