Cuộc sống thường ngày

Chiếc điếu cày ở nghĩa trang liệt sĩ Nông Sơn

Ký sự của TRUNG VIỆT 12/10/2024 15:23

Dù nắng cuối chiều có vớt vát sau mây đen, cũng chỉ đủ màu nhạt phơi, loáng trắng thêm mặt bia phẳng lì ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Nông Sơn. Những mặt bia phía trước chỉ gợn những vân đen của đá, còn sau ghi “liệt sĩ chưa rõ thông tin”. Ông Sơn nói “anh khỏi cần đếm, tôi nhớ mà, 201 bia như rứa, không biết tên tuổi quê mô”.

Nghĩa trang liệt sĩ Nông Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ Nông Sơn

1. Không biết ở mô! Bỗng tôi nhớ lại bữa đi Trường Sơn đoạn Đường 20 Quyết Thắng, một cựu binh Trường Sơn nói rằng, dẫu là người đi qua những ngày tháng mà cái chết quen tới mức như hơi thở, nhưng mỗi lần đứng trước những nấm mồ vô danh, ông lại rơi vào trạng thái mất cân bằng.

Bao nhiêu người đã không kịp gọi tên trước khi chết. Những nấm mồ tập thể dọc Trường Sơn nhiều tới mức mặc định đương nhiên là phải có, để rồi người thân họ hậu chiến phải cậy nhờ nhiều khi cả trong ý nghĩ, rằng thôi đành, lấy ngày 27/7 mà giỗ thôi.

Ông Nguyễn Tám - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trung Phước (huyện Nông Sơn) kể rằng, không biết chỗ khác như thế nào, chứ tại Nghĩa trang liệt sĩ Nông Sơn, xuân - thu nhị kỳ là 27/7 và Tết Nguyên Đán là giỗ. Ông nói, cũng chiêng trống văn tế theo nghi thức truyền thống, chưa nói những sự kiện quan trọng của địa phương thì đương nhiên hương khói rồi.

“Ông Nguyễn Duy Sơn là quản trang, nhiệt tình lắm, chỉ có một tội là hay… uống rượu” - ông Tám nói thêm. Tôi định nói với ông, rằng, làm quản trang tức là làm bạn với mồ mả, không biết uống rồi cũng sẽ biết, bởi cô đơn, sợ hãi, ám tối, u buồn. Ma và người sống ở với nhau, thì chính rượu chứ không gì khác khiến họ trụ lại với cái nghề mà thiên hạ chẳng ai ham.

Ấy vậy mà nhà ông Sơn làm quản trang… gia truyền. Nhà ông ở sau lưng nghĩa trang này. Ông nói, mặt có vẻ… đỏ đỏ do rượu: “Hồi trước khi chưa có nghĩa trang, nhà tôi đã ở đây, khi bốc mộ liệt sĩ về đây quy tập làm nghĩa trang, thì nhà tôi thành lọt ra sau. Khi có nghĩa trang xã Quế Trung năm 1978 là ông già tôi đã làm. Tới năm 1988, ông đau yếu nên tôi làm thay luôn”.

Ông Sơn sinh năm 1960, nếu tính năm được cha trao “ấn kiếm” thì 28 tuổi, thiếu chi nghề làm? “Mô anh - ông Sơn nói - ông già dặn là mình làm vì tâm linh, đền ơn đáp nghĩa. Tôi đi bộ đội 5 năm, nghĩ liệt sĩ cũng là đồng đội, lại thêm nghe lời ông già, nên quản”.

Chẳng ai nói trước được những tình cờ cuộc đời. Và với ông Sơn, kể từ ngày đó đến giờ đã 36 năm. “Hồi đó cực lắm, cỏ mọc tùm lum, quét dọn miết, làm chi có lương anh, mình làm vì tình nghĩa, tết lễ lo đã đành, rằm mùng 1 tôi cũng cúng, có chi cúng nấy. Thân nhân người ta tìm tới cho tiền, thì tôi để dành vô nguồn hương khói đó. Xã cũng nghèo, tết giỏi lắm tặng 200 ngàn hoặc cho cái quà chi đó”.

Ông kể như không, tôi cố nhưng không tìm ra chút chua chát nào từ giọng trầm trầm với người đánh bạn với nửa nhân loại bên kia thế giới. Ông Tám kể rằng, ông Sơn tuyệt đối không nói chuyện tiền lương, đòi hỏi chế độ chi hết. Trước đây xã Quế Trung có trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng, sau ông Tám đề nghị lên 2 triệu đồng/tháng. “Làm quản trang như ổng, khổ lắm chứ không sung sướng chi đâu” - ông Tám nói.

ÔNG NGUYỄN TÁM NÓI HỌ HAY HÚT THUỐC LÀO NÊN TÔI MUA CÚNG (1)
Ông Nguyễn Tám nói họ hay hút thuốc lào nên tôi mua cúng.

2. Cái sự khổ, ngó ông Sơn xòe giấy tờ ra trên bàn là biết. Liệt sĩ ở đây, 2/3 là quê ngoài Bắc, có người lại quê tận An Giang, còn lại một ít quê Quế Sơn, hầu hết là lính Trung đoàn 31 Sư đoàn 2 Quân khu 5. 201/309 mộ không có thông tin.

Mộ không thông tin, ùn lên một xấp tờ báo tử mà thân nhân gửi lại. Chuyện bặt tin tức mà giấy tờ lưu lại này, có từ chuyện gia đình họ dựa vào mách bảo tâm linh mà chỉ đường tới. Nhưng tới nơi thì bia trắng giăng hàng, biết con cái anh em nhà ai dưới đất sâu kia. Hoặc ông đồng bà cốt nào đó chỉ cho rằng vô Quế Trung, mà biết tìm đâu ở chốn núi non này, thôi đành gửi giấy lại, mong có ngày ông biết được là phúc báu cho họ.

“Nhờ có điện thoại, có Zalo, Facebook mà tôi đưa tin, họ liên lạc được nhiều lắm. Ai vô tìm, hỏi, nếu có tôi chỉ ngay vì nghĩa trang ni tên ai tôi nhớ hết. Nghề ni khổ lắm, đâu chỉ hương khói, dọn cỏ rác. Thân nhân tìm tới, họ cần về huyện, tỉnh là tôi đưa đi, chứ cán bộ chuyên trách ở phòng LĐ-TB&XH hoặc là thay đổi người làm, hoặc không nhớ nổi.

Họ đi theo tâm linh mách bảo nhiều lắm, chứ anh nghĩ mà coi, họ ở Bắc, làm răng biết Quế Trung - Nông Sơn trước đây là xã Sơn Khương - quận chi khu Đức Dục - Quảng Đà. Người ta “ứng” lên báo cho đó, nên mới hỏi đường tìm. Chưa nói là nếu tôi có được thông tin liệt sĩ, là báo lên trên liền…”.

Chuyện tâm linh ở những nghĩa trang, đầy ra đó. Anh em ở huyện Nông Sơn kể, có đến hai lần dịp 27/7 làm lễ tri ân thắp nến ở đây, vô làm chương trình văn nghệ, đang hát thì nhạc bỗng mất âm thanh trong khi tín hiệu vẫn phát, micro thì vẫn a lô được.

“Tôi uống rượu, hay vô ngủ ở nhà đón khách nghĩa trang, cứ nghe tiếng hô và giậm chân miết, rồi nói chuyện rầm rì ngoài nớ. Có bữa trưa thấy bộ đội đông quá trời, lúc ông già tôi còn sống, hỏi thì ông già nói chắc huyện đội lên có việc, tôi mở cửa vô nghĩa trang thì không thấy ai” - ông kể thản nhiên, chẳng chút sợ sệt.

Tôi nhớ bữa ghé Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm CÀ RÒONG – ATP, anh quản trang kể mới hôm kia đang ngủ thì có chú bộ đội trẻ măng nói: “em ơi cho anh xin lon nước ngọt...”. Ai bán tín bán nghi, xin cứ gặp họ để biết. Có bao nhiêu thứ mà sự hữu hạn khiến con người trở thành một kẻ ngốc, cho nên từ đó mới có chuyện niềm tin tâm linh, trời đất, siêu nhiên…

3. Tôi ngó ba tấm bia lớn khắc tên người mất. Những địa chỉ Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Tây… chi chít. Văn học chúng ta viết về chiến tranh, sau 1975 đến giờ vẫn chưa tác phẩm nào vượt qua được “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh.

Tôi vẫn thiên về ý nghĩ, rằng “hội chứng hậu chiến” ám ảnh nhiều nhà văn, dù trong cuộc hay ngoài lề, nhưng đọc “vị” nó để nói được câu chuyện không giống ai khác, đặc sắc, đặc biệt, mà mang giá trị tầm nhân loại, là sứ mệnh không dành cho đám đông cầm bút, thậm chí chỉ… ưu đãi cho một người thôi và mỗi thế kỷ chỉ chừng đó mà thôi.

Nhân vật của họ là nhân loại vô danh nhưng có tên tuổi, bỏ xác nơi chiến địa, chạy loạn trong cơn gào thét với khao khát tình yêu, thèm được sống và không hiểu vì sao mình không được sống. Trở về, họ vật lộn trong cõi sống - chết, ma - người, thành cái bóng của chính họ và đám đông nhộn nhạo đang trơ lì.

Nghĩ tới đó, tôi suýt ồ lên khi ông Nguyễn Tám hỏi ông Sơn: “Mấy cái ống điếu đâu anh?”. “À, tôi đem cất, sợ mấy thằng giữ bò thấy đẹp quá lấy trộm”.

Ông Sơn vào nhà rồi quay ra. Ba cái điếu cày được chạm khắc, chân quỳ, tay cầm và chỗ nhồi thuốc sáng láng màu đồng vàng, kèm theo 3 hộp gỗ đựng thuốc. “Ở đâu ra đây anh?” - tôi hỏi.

“À, tôi thấy họ quê ngoài Bắc là nhiều, mà ngoài nớ thì hay hút thuốc lào nên tôi mua để thờ cúng. Với lại khi làm lễ cúng, mình nấu thêm mấy món Bắc để họ ăn cho đỡ nhớ…” - lời ông Tám vang lên.

Tôi quay nhìn hai ông rồi quay ra nhìn lớp hàng bia trắng nối nhau, hình như ở đó vừa thoáng một nụ cười…

Ký sự của TRUNG VIỆT