Tác phẩm, tác giả

Tìm an lạc trong tranh vẽ Bụt

LÊ NGỌC 13/10/2024 08:30

Lần đầu ngắm những bức tranh vẽ Bụt của họa sĩ Quang Huy, tôi cảm nhận một sự tĩnh tại trong tâm hồn. Như lời anh chia sẻ, việc theo đuổi dòng tranh này giúp anh tìm được niềm an lạc trong cuộc sống.

quang huy
Họa sĩ Quang Huy theo đuổi dòng tranh Phật và tìm thấy niềm an lạc. Ảnh: NVCC

Dòng chảy của nước

Họa sĩ Quang Huy tuy chỉ mới theo đuổi dòng tranh Bụt vài năm, nhưng hành trình vẽ tranh của anh không hẳn bắt đầu từ con số không.

Sở thích vẽ tranh đã theo anh từ rất bé. Từng đoạt được những giải thưởng nho nhỏ khi còn là cậu học sinh tiểu học và cho đến sau này chọn học ngành thiết kế đồ họa, thẳm sâu trong anh vẫn đeo đuổi ước mơ trở thành họa sĩ.

Vào thời điểm anh cảm thấy những công việc mình làm không mang lại hạnh phúc, anh đã quyết định tìm về với đam mê. Và cũng nhờ chữ duyên nên anh thử vẽ tranh Phật. Quang Huy cũng thường tổ chức các lớp dạy vẽ. Nhiều người đủ các lứa tuổi đến với tranh này để tìm sự bình an trong tâm hồn.

Thể loại tranh màu nước cho phép họa sĩ tôn trọng dòng chảy tự do của dòng nước, hay nói cách khác, là tôn trọng dòng chảy tự do của mọi cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Họa sĩ Võ Quang Huy sinh năm 1983 tại TP.Hồ Chí Minh, tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa và trở thành Giám đốc Mỹ thuật cho một tập đoàn đa quốc gia. Từ năm 2018, anh bắt đầu theo đuổi dòng tranh Bụt và không ngừng nghiên cứu nhiều dòng tranh khác nhau như tranh về Phật giáo của Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, tranh Thangka của Nepal...

Anh chia sẻ rằng đôi khi dòng chảy của nước tạo ra những kết quả kỳ diệu cho tranh mà ngay chính anh cũng không thể đoán trước. Các học viên học vẽ tranh Bụt cũng dễ dàng cảm nhận được dòng chảy cảm xúc của chính họ khi thực hành.

Nguyên Trương - một học viên trong lớp vẽ của Quang Huy chia sẻ rằng sau khi hoàn thành bức tranh Bụt, thông qua từng nét vẽ soi chiếu được chính mình, tìm thấy khoảng lặng giữa bộn bề cuộc sống.

Niềm an lạc trong tim

Lần đầu tiên tôi dự triển lãm tranh Bụt của Quang Huy vào năm 2023. Một năm sau, tôi có dịp dự triển lãm lần thứ hai với nhiều cảm xúc.

Những bức tranh của họa sĩ Quang Huy ở thời điểm này có màu sắc tươi tắn, đường nét vững chãi hơn. Tôi hỏi anh có phải vì ở giai đoạn này, tâm hồn anh có sự chuyển biến mới mẻ. Anh trả lời tôi rằng, thật ra, ngược lại mới đúng.

Gần đây, anh không đặt quá nhiều cảm xúc cá nhân vào tranh như trước nữa. Dĩ nhiên, cuộc sống luôn có nhiều sự việc khiến cho tâm hồn dao động không ngừng, nhưng đối với việc vẽ tranh Bụt, người vẽ phải học cách an với hiện tại.

Ban đầu, anh cảm thấy những bức tranh mình vẽ ra chưa đủ đẹp. Anh đã phải học rất nhiều thứ: học về kỹ thuật vẽ tranh, đọc thêm các tài liệu liên quan tới Phật giáo để hiểu câu chuyện sâu sắc hơn, tìm hiểu về tâm lý học và thiền định để có thể tự quan sát nội tâm của mình tốt hơn.

Quang Huy kể rằng năm ngoái, có người sau khi xem tranh đã nhận xét rằng tranh của anh bình an nhưng vẫn man mác buồn. Từ đó, anh nhận ra rằng mình vẫn đặt vào tranh nỗi buồn hay cảm xúc tiêu cực với mong muốn những bức tranh Bụt sẽ đem đến sự bình an cho mình. Nhưng giờ đây, những bức tranh của anh không mang cảm xúc cá nhân nữa nhờ một việc rất đơn giản đó là thực hành chánh niệm.

Mỗi lúc vẽ, người họa sĩ ý thức được là mình đang vẽ và toàn tâm toàn ý với từng đường nét, không bị sự chi phối từ các yếu tố bên ngoài tác động lên quá trình vẽ tranh.

Chính nhờ chẳng mong cầu gì nữa, việc vẽ tranh Bụt cho anh sự trưởng thành về mặt tâm hồn, biết chấp nhận những điều không như ý, bao dung với chính mình và mọi người xung quanh. Có thể nói, anh đã tìm được niềm an lạc từ tận sâu trái tim.

Cũng theo họa sĩ Quang Huy, việc theo đuổi dòng tranh Bụt cũng là theo đuổi sự thiện lành trong tâm hồn. Anh kể với chúng tôi câu chuyện cảm động. Có một khách mua tranh của anh đặt bức tranh ở bên cửa sổ. Mỗi ngày, có một cậu bé ngang qua ô cửa, cứ nhìn chăm chăm vào bức tranh ấy. Sau đó, người khách mua tranh đã quyết định tặng bức tranh cho cậu bé. Sự kết nối ban đầu tạo ra sự kết nối mới.

Huy bảo, đôi khi, những việc chúng ta làm mà không đặt nhiều sự kỳ vọng và mục đích nhưng kết quả mang đến lại viên mãn hơn bất cứ điều gì mà chúng ta có thể nghĩ đến. Do đó, mỗi ngày Quang Huy đều thấy rằng công việc vẽ tranh Bụt càng lúc càng trở nên có ý nghĩa và muốn chọn đây là một con đường mà mình có thể gắn bó lâu dài.

LÊ NGỌC