Văn học - Nghệ thuật

Vẻ đẹp khước từ những kỹ xảo

XUÂN HIỀN 12/10/2024 17:00

(VHQN) - Những ngọn núi giăng mây buổi đầu ngày hay khi chiều dần nhạt nắng... qua mắt nhìn của nghệ thuật, mang đến nhiều cảm xúc riêng.

dien4.jpg
Bức ảnh như tranh của Vũ Công Điền.

Tiếng gọi tự nhiên

Triền mây trắng lũ lượt bay, phủ đầy những ngọn núi ở đầu nguồn Thu Bồn. Hay đôi hồi với nét chấm phá từ những ngôi nhà dưới chân núi Chúa, một dải mây la đà như mộng như thực...

Mỗi lần nhìn những bức ảnh về quê hương của Vũ Công Điền, đặc biệt với các tấm ảnh về những ngọn núi Cà Tang, Hòn Đền, những dáng núi men theo hình sông, bao giờ cũng gợi lên cảm thức lạ lùng về ý niệm quê hương.

Vũ Công Điền - một nhà báo duyên dáng, nhiếp ảnh gia của quê hương xứ Quảng với gia tài ảnh của anh, chủ yếu là những ngọn núi quê xứ. Gom nhặt cảm xúc và trải nghiệm của một người đi nhiều, say mê nhiều vùng đất, ảnh quê hương của Vũ Công Điền lúc nào cũng mang đến nhiều ngẫm ngợi cho người xem.

Đặc biệt, gia tài ảnh của anh có rất nhiều tác phẩm gắn với vùng đất Nông Sơn, từ Tý Sé Dùi Chiêng đến Trung Phước, Phường Rạnh. Mỗi vùng đất xứ này đều nằm dưới chân những ngọn núi, chạy theo triền sông Mẹ. Thật lạ, núi như gợi niềm thích thú riêng khi đi vào mắt ảnh của Vũ Công Điền.

Anh nói, không đếm được bao ngày anh có mặt ở vùng đất này, như một đứa con của chính nơi bao quanh là núi này. Người Nông Sơn gặp Vũ Công Điền ở quê như hội ngộ một người xóm cũ vừa đi đâu lâu ngày trở về. Ngày còn khỏe, vài ba bữa anh lại ba lô máy ảnh ngược nguồn, từ Đà Nẵng một hơi đi về Nông Sơn.

Vũ Công Điền thăng hoa cùng những khoảnh khắc của thiên nhiên. “Trong cuộc đời cầm máy, ngoài ảnh báo chí phục vụ cho công tác tuyên truyền của Thông tấn xã Việt Nam, tôi còn đam mê về ảnh nghệ thuật. Và cũng không hiểu sao tôi lại mê đắm cảnh sắc của xứ sở đầu nguồn Thu Bồn - Nông Sơn như vậy. Nơi đó gần như là quê hương thứ 2 của mình, dù mình chẳng sinh ra lớn lên hay làm việc ở đó. Chỉ vì mê chụp ảnh núi non xứ này, mà gắn bó với người sống ở đó. Rồi thân thương, như quê nhà” - Vũ Công Điền bộc bạch.

Năm 1997, Vũ Công Điền ra mắt triển lãm “Tôi và Ải bắc” - khi anh một mình một xe máy đi từ Tây Bắc qua Việt Bắc để có những bức ảnh về phong cảnh nơi vùng biên ải của Tổ quốc. Năm 2016, tại Hội An, một triển lãm ảnh đặc biệt của Vũ Công Điền với sự tham gia của rất đông người dân miền núi, mang tên “Sắc màu của Trời và Đất”.

“Sắc màu của Trời và Đất” - trưng bày hơn 50 tác phẩm anh dong ruổi ở hầu khắp các miền đất xứ Quảng, trong số này, có hơn một nửa là những hình ảnh về những ngọn núi ngự đầu nguồn Thu Bồn.

Điều đặc biệt hơn nữa, khi đây chính là những tác phẩm được chụp trong những chuyến đi làm từ thiện cùng với Nhóm Vì cộng đồng Quảng Nam - Đà Nẵng (VCD) tại miền Trung và Tây Nguyên. Lần này, nghệ thuật đã thật sự là cuộc đời, với sự thăng hoa bắt đầu từ những sẻ chia.

Bản chất nguyên sơ của tự nhiên

Năm 2020, bộ sách ảnh The Living Mountain của nhiếp ảnh gia Awoiska Van Der Molen khám phá vẻ đẹp đầy bí ẩn của những ngọn núi trên dãy Alps (Áo) gây tiếng vang với giới mê ảnh toàn cầu.

n02.jpg
Bóng núi xa xa. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Nữ nhiếp ảnh gia Awoiska đã cùng hợp tác với nhà soạn nhạc Thomas Larcher. Awoiska đã đi đến dãy núi Alps của Áo (quê hương của Larcher) để chụp ảnh những ngọn núi ở đó. Và Larcher đã sáng tác một tác phẩm mới dựa trên những bức ảnh đó.

Trong chia sẻ với báo giới, Awoiska nói, cô đã thăm dò sâu vào bản chất của thế giới tự nhiên bằng những bức ảnh của mình. “Tôi hy vọng những hình ảnh mình đã chụp sẽ chạm đến tâm hồn mỗi người, nhắc nhở về liên kết sâu xa của chúng ta với tự nhiên”, nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ. Bản chất nguyên sơ của tự nhiên gần như được giữ lại nguyên vẹn ở những ngọn núi. Và đó chính là vẻ đẹp khước từ những kỹ xảo.

Với thế hệ cầm máy xứ Quảng sau này, Lê Trọng Khang là nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) chịu khó trong những góc máy về tự nhiên trên các đỉnh núi cao. Năm 2017, bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu” mà anh dụng công với rất nhiều ngày đeo đuổi cùng đồng bào, đoạt cúp VAPA (cúp Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc. Chưa kể, trong bộ sưu tập ảnh về xứ Quảng của mình, Lê Trọng Khang gần như đủ đầy tác phẩm ghi lại vẻ đẹp của tự nhiên ở các vùng núi cao.

Một “biên niên ký” bằng ảnh về những ngọn núi xứ sở hoàn toàn có thể, nếu được tập hợp đúng cách. Người ta sẽ nhìn thấy sự dịch chuyển của cuộc sống, dẫu rất chậm, trong những bức ảnh về núi non chụp trong các khoảnh khắc khác nhau. Cũng từ sự đối sánh giữa những khoảnh khắc được ghi lại, sẽ nghe ra rất nhiều tiếng thở dài khi những nguyên sơ trên các ngọn núi của dải đất Việt đang từng ngày biến đổi...

XUÂN HIỀN