Cãi với chính mình
Hội thảo “nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam” vừa tổ chức, thu hoạch được 52 tham luận, in trong kỷ yếu dày gần 500 trang, sẽ cần thêm thời gian để nghiền ngẫm. Tuy nhiên điều cần gợi ra từ một hội thảo là… cãi để làm gì?
Những đặc trưng văn hóa, tính cách người Quảng đã được nhiều tham luận đề cập, kể cả phát biểu, thảo luận trực tiếp trên các diễn đàn. Đây cũng không phải lần đầu Quảng Nam tổ chức hội thảo để nhận diện các giá trị đặc trưng văn hóa vùng đất, con người. Nhưng cứ có hội thảo là lại xới xáo lên chuyện “hay cãi”.
Các kiểu diễn đạt khác nhau về đặc tính này là tranh biện, phản biện, là thái độ dấn thân, canh tân, là tinh thần dân chủ,… chung quy là cãi để tồn tại và để cải cách.
Vấn đề đặt ra cho lần hội thảo này là cãi để cải cách gì mới cho Quảng Nam trong giai đoạn mới? Đó là nhận thức lại cả hành trình đi qua để thấy rằng văn hóa phải là đích đến của mục tiêu phát triển, là nền tảng xã hội.
Những giá trị tốt đẹp từ di sản của tiền nhân trao truyền đến thế hệ hôm nay và mai sau sẽ được gìn giữ, phát huy thế nào để tương lai người Quảng được sống trong môi trường ấm no, lành mạnh, dân chủ, hạnh phúc?
Chúng tôi đã từng khái quát rằng, người Quảng trong suốt chiều dài lịch sử đã khát khao cải biên, cải tiến, cải tạo... Mà muốn CẢI như thế hẳn nhiều lúc phải CÃI với tư duy cũ, lề lối cũ; cãi với xưa và cãi với nay để tìm hướng đi mới; tranh biện, tranh luận để đổi mới sáng tạo và xác lập giá trị mới. Do vậy, chúng tôi nhận thấy việc CÃI VỚI CHÍNH MÌNH, như ý kiến phát biểu của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng, là điều đáng quan tâm.
Hơn thua với chính mình, vượt lên chính mình, dám nhìn thẳng vào mặt yếu của mình để khắc phục, nhận ra mặt mạnh của mình để phát huy, đó là bản lĩnh cãi mà hướng đích là cải cách cho sự vận động và phát triển không ngừng.
Hãy thử nhìn lát cắt một chặng đường 27 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam giờ đã đạt được những gì, tiếp tục một cuộc đi lên hay đang dừng nghỉ - “đi ngang”? Nhìn mình và nhìn sang những địa phương khác có điểm xuất phát tương đồng để đánh giá mình trưởng thành đến đâu, phát triển đúng tầm chưa, “chưa giàu mà đã già” hay không? Văn hóa là động lực, là mục tiêu nhưng kiến tạo, thiết kế chính sách đầu tư đã đúng mức và hiệu quả ra sao?...
Hàng loạt câu hỏi đặt ra như thế để không thể tự mãn, tự cao, tự đại với những thành tựu đã có mà cần tìm bước chuyển tư duy phát triển trong giai đoạn mới. Văn hóa phát triển luôn cần tư duy phản biện, nhưng quan trọng là cãi để cải chính mình.
Trong tổng kết hội thảo đã nêu, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nêu lên “5 chữ tự”: tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, cần chuyển hóa vào hệ giá trị văn hóa.
Điều đó đặt ra cho quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII sẽ cần thiết kế hệ thống giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam, xem đó là một nội dung cốt lõi, trọng tâm. Và như vậy, sẽ luôn cần có những con người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì khát vọng phát triển đất nước, quê hương.
Con đường phát triển thường không vạch một lối đi thẳng tắp, nhưng mỗi khi gặp đoạn gập ghềnh khúc khuỷu thì văn hóa chính là “sức chịu tải”, là “sức mạnh nội sinh” để hành trình cuộc sống vẫn tiến về phía trước. Cãi và cải chính mình để không lùi bước trước khó khăn thách thức là cách mà người Quảng từng đối mặt qua những thăng trầm lịch sử mở nước và giữ cõi, là giá trị cần soi chiếu cho hôm nay và mai sau.
Trước ý kiến CÃI để CẢI như thế tìm đâu ra, mỗi người cần phải hỏi chính mình, trả lời cho chính mình…