Tác phẩm, tác giả

Họa sĩ Lê Thiết Cương: "Cuộc đời mỗi người là một cuốn kinh"

TUỆ LAM 13/10/2024 10:00

Hơn cả là một họa sĩ, nghệ sĩ, Lê Thiết Cương nổi tiếng Hà thành bởi cách chơi và sự sáng tạo của anh với phong cách riêng biệt.

HS Lethietcuong 1
Lê Thiết Cương và gốm.

Lê Thiết Cương còn nổi tiếng bởi sự kỹ tính. Không chỉ có dấu ấn trong hội họa, minh họa sách, curator (giám tuyển), làm gốm… Lê Thiết Cương giờ ngày càng gần hơn với kinh sách và giáo lý Phật pháp. Sự biểu đạt tính thiền trong các tác phẩm của anh ngày càng gần gũi và rõ nét hơn bao giờ hết.

Hạt tối giản trong nghệ thuật

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, Lê Thiết Cương thụ hưởng nhiều nét tài hoa và tố chất mà một nghệ sĩ cần có. Sự có mặt của anh là minh chứng để đảm bảo một nghệ sĩ, một triển lãm, một chương trình có “gu” riêng. Hỏi anh thích gọi anh là họa sĩ hay gì, thì anh nói: “Cứ gọi tôi là nghệ sĩ, bởi nghệ sĩ như cái thân cây, còn họa sĩ, hay người làm gốm, người làm sách, hay người thiết kế, là những nhánh cây, lá cây…”.

Với 30 năm, chỉ duy nhất phong cách tối giản. Tranh của Lê Thiết Cương thường là những nhân vật với đường nét, đồ vật cũng quanh đâu đó, hiện hữu đâu đó trong cuộc sống đời thường. Chúng không phức tạp, thậm chí sơ khởi, nhưng ở bức tranh, có những câu chuyện lấp lánh. Đó là nét duyên riêng trong tác phẩm của Lê Thiết Cương.

Mối nhân duyên của Lê Thiết Cương với gốm, cũng là một câu chuyện rất đỗi đời thường như những sáng tạo, thường bắt nguồn từ cuộc sống. “Kinh gốm” là một câu chuyện như vậy.

460724418_8432760186803388_2508089625977147269_n.jpg
Lê Thiết Cương trong buổi ra mắt tác phẩm Nhà và người.

Thế hệ của họa sĩ Lê Thiết Cương là thế hệ 6X. Thời đấy khó khăn, những đứa trẻ thường không có nhiều trò giải trí như bây giờ nên chủ yếu là đọc sách, và chơi với các bạn ngoài đường.

Sách ở nhà Lê Thiết Cương lại chủ yếu là sách Phật giáo và những tác phẩm văn học, càng đọc càng thấy thích, những tư tưởng yếu tố của Phật giáo mà Lê Thiết Cương hay gọi là “cụ Phật, ông Phật” và chất thiền trong Phật giáo ngấm dần một cách tự nhiên vào anh.

Cho đến năm 1984, sau khi đi bộ đội về, Lê Thiết Cương hay tới chơi nhà hàng xóm là nhà thơ Đặng Đình Hưng và anh khẳng định: “Cụ Đặng Đình Hưng là người phát hiện ra hạt tối giản trong tôi, tặng tôi con đường Tối giản để tôi đi về Bến của mình”.

Vẽ đã tìm thấy đường là tối giản, còn gốm thì sao? “Tôi thích gốm một cách hoàn toàn tự nhiên. Khi xuất ngũ, cuộc sống quá khó khăn, tôi chưa có công việc để làm, nên rảnh là sang Bát Tràng chơi. Vì thích gốm nên tôi rất ham học các công đoạn làm gốm, từ men, từ than củi, từ lò, từ nhiệt độ, rồi tôi vẽ họa tiết lên sản phẩm trước khi cho vào lò nung…

Tôi yêu thích gốm Việt từ các đời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn… nên đã sưu tập đồ gốm các thời kỳ này. Thực sự, bản chất của việc chơi gốm cũng lại là học, học để thấy cái hay cái đẹp, cái riêng của văn hóa truyền thống cha ông ta như thế nào”.

6-cuong-202236_836.jpg
Tranh của Lê Thiết Cương.

Với Lê Thiết Cương, gốm, cũng là Đạo bởi trong gốm có đủ ngũ hành: kim, mộc, thủy, thổ, hỏa… với các đặc tính lưu hành, luân chuyển và biến đổi không ngừng. Ông trời cho nghệ nhân cái tài làm gốm, gốm là sự kết nối của trời và nghệ nhân.

Vậy mà ngày nay, những nhà làm gốm đang dần mai một, dần mất đi. Anh vô cùng nuối tiếc, và cố gắng làm gì đó để tôn vinh gốm, dự án Kinh gốm ra đời từ đó.

Anh phát triển trên gốm từ các làng nghề tiêu biểu của Việt Nam như Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh) và Thanh Hà (Quảng Nam), những chiếc bát, đĩa, lọ, niêu gốm đã được anh viết lên đó các câu kinh Phật mà anh đã chiêm nghiệm và cảm nhận được theo thời gian. Việc kết hợp kinh trên gốm với minh họa, đó là cách làm mới và ý nghĩa.

Lê Thiết Cương khẳng định, anh đã đi thăm các bảo tàng nhiều nơi trên thế giới, như ở Nhật, Mỹ, Bỉ, Anh, Pháp, anh đều thấy có sự hiện diện của gốm Việt ở các bảo tàng đó. Tại sao lại vậy? Đó chẳng phải là một minh chứng rằng gốm Việt Nam có giá trị cao và độc đáo được thế giới công nhận hay sao?

Những cuốn kinh của đời người

Việc viết kinh lên các tác phẩm gốm cũng là cách để Lê Thiết Cương đưa gốm lên một tầm mới. Cái lọ, cái đĩa đó có thể được sử dụng làm decor hoặc trong cuộc sống hàng ngày, những câu kinh sẽ được đọc và cảm nhận với giáo lý Phật giáo không thể hiểu ngay mà phải ngấm từ từ… Đó cũng là cách làm mới và bảo tồn gốm một cách thực tế.

img_1763.jpeg
Những tác phẩm của Lê Thiết Cương trong triển lãm "Mặt khác".

Giữa tháng 9 này, Lê Thiết Cương cùng hai người bạn của mình là nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt tổ chức triển lãm “Mặt khác”. Họ đã sáng tạo những mặt nạ mang cá tính riêng của mỗi người.

Và Lê Thiết Cương, lại là những câu kinh trên mặt nạ như: “Ngũ uẩn giai không”, “Thực tướng vô tướng’, “Vô thường là vô ngã”... và một số trong thơ văn Lý Trần mà anh cảm nhận được đó là Đạo.

Anh chia sẻ: “Tôi thích thiền, mà bản chất của thiền là vô ngôn, nên mỹ học của thiền ngấm vào tôi thì tôi mới làm được cái tối giản trong thiền ấy. Tôi tưởng mình một mình, nhưng không phải, mà luôn có hai mình trong một tôi. Khi thiền, là để hai mình ấy gần gụi nhau, trở về là chính mình. Tu là trở về với chính mình, quay đầu lại là bờ, buông dao thành Phật, thấy được bản lai diện mục của mình, đó là ngộ”.

Mới đây, ngày 5/10, họa sĩ Lê Thiết Cương và họa sĩ Bình Nhi ra mắt cuốn sách “Kinh Bản nguyện của Bồ Tát địa tạng”, bản dịch của Hòa thượng Thích Tuệ Hải, trong đó 15 phụ bản in trong sách là minh họa của hai họa sĩ. Cuốn sách này được họa sĩ Lê Thiết Cương ấn tống sau khi ngồi đọc, chép, tụng Địa tạng kinh.

“Tôi nhận ra rằng các bản kinh mà tôi có đều bị nhiều lỗi đánh máy, lỗi câu, ngữ pháp, cách dùng các dấu tiếng Việt chưa hay. Người thiết kế, in ấn, gia công sau in không phải là người tụng đọc kinh. Sách xấu đã đành, mà rất khó để đọc, tụng”. Như vậy, một lần nữa, Lê Thiết Cương lại chạm tới Kinh Phật, góp phần thêm vào kho tàng giá trị nghệ thuật Phật giáo – đẹp như một bông hoa sen giữa đầm sen tỏa sắc.

img_1766.jpeg
Những tác phẩm của Lê Thiết Cương trong triển lãm "Mặt khác".

Chưa hết, cuốn “Nhà và người” của Lê Thiết Cương phát hành năm 2024 là tập hợp các bài viết rất thú vị, đậm cá tính của anh về những vùng đất, những nẻo đường, ngôi nhà, con người anh đã tới đã gặp… Trong đó không thể thiếu Hội An và người bạn vong niên Lê Nuôi sống ở Hội An mà anh và nhiều nhân sĩ yêu quý.

Anh viết: “Hội An là gì? Là hội tụ của những điều an lành, là đất lành chim đậu. Là hội nhân, hội tụ thủy thổ. Nếu đúng vậy thì Lê Nuôi là đặc trưng, là logo của Hội An. Anh là cục nam châm hút mọi người về với mình. Hội An và Lê Nuôi là một. Quảng Nam là gì? Là dài rộng, có rừng núi, có sông biển, là rộng lòng, là quảng đại, quảng giao. Nếu đúng vậy thì Lê Nuôi là đặc trưng Quảng Nam, là logo của Quảng Nam.

Trong phố cổ có một giếng nổi tiếng, là giếng Bá Lễ. Giếng là gì? Là cho đi, không nhận, ai đến lấy nước cũng được, vơi lại đầy, không bao giờ cạn, nếu đúng vậy thì Lê Nuôi là Giếng. Giếng là quẻ Thuy Phong Tỉnh trong Kinh Dịch. Bất kể ai nhờ gì Nuôi đều nhiệt tình giúp đỡ. Vậy là đúng khi ta ở đâu chỉ là nơi đất ở, ở nơi đó có cả những người ta thương mến nên đất cũng hóa tâm hồn là vậy”. Hội An trong tâm hồn của Lê Thiết Cương là những ngôi nhà, vạt nắng vàng, con ngõ nhỏ, và con người bình dị sống trong đó.

Lê Thiết Cương thường nói, “mỗi người có một đời sống, mỗi cuộc đời là một cuốn kinh, vấn đề là có biết mở ra mà đọc hay không, tôi gọi đó là Kinh đời”. Và hẳn, Lê Thiết Cương cũng đang lật mở những trang sách của cuốn kinh đời mình.

TUỆ LAM