Gỡ điểm nghẽn giải ngân Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xem xét đề xuất sửa đổi luật; tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công... là nội dung được đại biểu quan tâm luận bàn tại phiên họp giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì vừa diễn ra tại Quảng Nam.
Nguyên nhân giải ngân thấp
Thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến hết ngày 30/9/2024, giải ngân vốn đầu tư công của 5 tỉnh, thành Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung thấp, chỉ đạt 46,21% kế hoạch vốn (cả nước 47,29%, các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 52,99%; Bình Định cao nhất với 69,37%, Thừa Thiên Huế 58,47%, Đà Nẵng 48,27%.
Quảng Nam và Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước với 40,99% và 33,4%). Khó khăn đầu tiên được các địa phương đưa ra là do rắc rối trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất.
Các phương án bồi thường, tái định cư không được người dân đồng thuận, khiếu nại đơn giá bồi thường. Nhiều dự án buộc phải tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai mới ban hành.
Đại diện nhiều địa phương thừa nhận, một số chủ đầu tư thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư chậm trễ; không ít dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến chậm triển khai.
Năng lực của một số nhà thầu tư vấn thiết kế không tương xứng với hồ sơ dự thầu, chưa đáp ứng theo yêu cầu thực tế của dự án, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư và tiến độ giải ngân của các dự án khởi công mới. Năng lực của một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế...
Giải ngân vốn đầu tư công gặp quá nhiều rắc rối, từ việc hoàn thiện thủ tục đầu tư theo pháp luật, chuyên ngành, đấu thầu dự án tốn quá nhiều thời gian thẩm định, cấp phép (phòng cháy chữa cháy, trùng tu di tích, các gói thiết bị các dự án y tế, giáo dục)...
Quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các dự án ODA khá phức tạp, thời gian kéo dài hơn so với một dự án đầu tư công thông thường. Khá nhiều địa phương không thu được tiền đất để bố trí cho các dự án đầu tư công.
Thiếu đất đắp nền và cát xây dựng khiến giá thành cao so với đơn giá lập dự toán. Nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, chờ đợi cập nhật, điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp đơn giá thị trường.
Thời biết bất lợi lẫn sự chồng chéo văn bản, thiếu sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đảng đến chính quyền khiến các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) ì ạch...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nói quy trình làm cho ra một mỏ cát, đất rất dài. Quá nhiều thủ tục, rườm rà, khó khăn. Giá chênh lệch giữa giá công bố liên sở và thị trường. Nhiều nhà thầu càng làm càng lỗ, không cách nào xử lý được.
Chương trình MTQG nhỏ lẻ, dự án vài ba tỷ cũng phải hoàn tất đủ loại hồ sơ, miền núi tốn thời gian đi lại hay xác định nguồn gốc đất 5% rất khó. Đơn giá bồi thường một số khu vực chưa sát thực tế. Đấu thầu rườm rà, khó có thể thực hiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư... Đó là những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, giải ngân thấp nhưng trong điều kiện đặc thù do thiếu hụt, phải kiện toàn bộ máy ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi cho thấy các địa phương đã có nhiều cố gắng. Các khó khăn, vướng mắc này không phải mới nhận diện.
Tuy nhiên, xác định nguyên nhân giải ngân chậm là do nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Và cũng không loại trừ từ thanh tra, kiểm toán, cán bộ sai phạm bị xử lý khá nhiều đã dẫn đến tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, dẫn đến một số chủ đầu tư thực sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công.
Sẽ phân cấp, phân quyền mạnh
Nhiều địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật để tạo thuận lợi hơn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể: quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, tách dự án giải phóng mặt bằng, phân cấp thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách địa phương hằng năm, thống nhất xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất, chênh lệch giữa giá bồi thường theo khung quy định của Nhà nước với giá thị trường, quy trình cấp phép, khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, nhất là việc ban hành bảng giá đất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương nói đã điều chỉnh lên giá đất kịch trần mà cũng chỉ bằng 1/4 giá thị trường. Cần thống nhất vấn đề này trên toàn quốc. Không có bảng giá đất, không thể tháo điểm nghẽn giải phóng mặt bằng, không thể bán được đất.
Tại sao chỉ khoanh định mỏ đất cho dự án giao thông, thủy lợi mà không mở cho tất cả dự án đầu tư công khác? Chuyện dễ sao không làm? Nếu mở hết thì chắc chắc giải ngân đầu tư công sẽ gia tăng.
Các luật định, chính sách đã ban hành, khó có thể sửa đổi ngay trong ngắn hạn. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, giải ngân đầu tư công quan trọng, tác động chính đến tăng trưởng. Các địa phương cần bám sát chỉ thị Chính phủ, theo sát tình hình thực tiễn địa phương, quyết tâm giải ngân vốn đạt 95%. Khó khăn thu tiền sử dụng đất, nhưng cần xem xét còn dư địa thì cố gắng thu để bảo đảm chi.
Nỗ lực giải quyết khó khăn giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, tái định cư. Dù biết chương trình MTQG manh mún, phân cấp sâu, năng lực thực hiện dự án của cán bộ cấp dưới hạn chế, nhưng không thể để tình trạng tiền có nhưng dân phải chờ. Không chỉ giải ngân mà còn ảnh hưởng đến an sinh, xã hội, đời sống người dân.
Trong tương lai, sự thiếu hụt vật liệu còn nhiều và giá sẽ còn cao hơn nữa. Xu thế tăng giá vật liệu xây dựng sẽ không dừng lại. Các địa phương đành phải chấp nhận, tính toán đưa vào giá thành dự án. Trước mắt tập trung nguồn vật liệu cho các dự án, công trình trọng điểm, dự án lớn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, có 5 tỉnh, thành đã được cho tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, nhưng thực tế chỉ có Khánh Hòa đang thực hiện. Chính phủ ghi nhận kiến nghị của các địa phương, từ tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện luôn các dự án đầu tư lớn. Chính phủ sẽ lấy ý kiến các địa phương. Yêu cầu các địa phương có chính kiến ủng hộ Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chính phủ lắng nghe, cố gắng gỡ hết cho các địa phương. Tuy nhiên, có thể còn có những nội dung phụ thuộc nhiều yếu tố hoặc chưa tập hợp hết, cần xem xét. Chính phủ trông chờ vào sự ra quân quyết liệt của địa phương, đồng hành với Chính phủ, quyết tâm đạt mục tiêu giải ngân năm 2024 lên 95%.
“Sẽ phân cấp, phân quyền rất mạnh để không còn chuyện tỉnh phải báo cáo lên Chính phủ, bộ ngành trung ương; giao hết cho tỉnh xử lý những vấn đề liên quan đến đầu tư công. Ngay cả vướng mắc các dự án bất động sản để các địa phương có thể thu được tiền từ đất cũng sẽ được tháo gỡ. Quan điểm của Chính phủ là xây dựng pháp luật đổi mới. Không chỉ tạo ra hành lang pháp lý, chỉ thuận lợi cho quản lý nhà nước mà vừa quản lý chặt, vừa kiến tạo, tạo ra hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp và xã hội phát triển.
Những dự luật Chính phủ sắp trình Quốc hội lần này hầu hết kiến nghị của các địa phương đều được tháo gỡ. Nếu những luật, cơ chế, chính sách thực sự là lực cản, điểm nghẽn, gây ách tắc quá lớn thì không thể không tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói.