Trường Cao đẳng Quảng Nam đưa công tác đào tạo lên vùng cao
Trường Cao đẳng Quảng Nam thời gian qua đã về cơ sở để đào tạo, nâng cao trình độ nghề nghiệp góp phần chuẩn hóa trình độ nghề cho lao động.
Cách đây hơn 2 năm, Trường Cao đẳng Quảng Nam và UBND các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My mở các lớp trung cấp lâm nghiệp cho lao động (LĐ) đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đặc biệt của các khóa học này là người tham gia khóa đào tạo là nhân viên, cán bộ đang công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My, Bắc Trà My.
Do mặt bằng chung, trình độ học vấn của những nhân viên giữ rừng chưa cao; nhiều nhân viên được đơn vị tuyển dụng chỉ học đến hết lớp 9. Do điều kiện đặc thù, việc tuyển nhân viên có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp hay trình độ cao hơn rất khó.
PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho biết: “Các khóa đào tạo dành riêng cho cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng của các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My sau 2 năm đã hoàn thành.
Để nâng cao trình độ cho những nhân viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, các đơn vị đã liên hệ với Trường Cao đẳng Quảng Nam mở lớp trung cấp lâm nghiệp nhằm nâng cao trình độ năng lực cho số nhân viên mới học đến lớp 9. Từ đó giúp họ có được bằng nghề, tạo điều kiện nâng cao mức lương để đảm bảo đời sống.
Ngoài ra, với những huyện miền núi có đặc thù giống như huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Trường Cao đẳng Quảng Nam sẵn sàng phối hợp, về cơ sở để triển khai tuyển sinh, giảng dạy theo nhu cầu để phục con em của địa phương”.
Anh Lê Thành Sơn hiện là nhân viên Tổ bảo vệ rừng thôn 3 (xã Trà Mai, Nam Trà My) nói: “Vì điều kiện tôi không thể học cao hơn, may là có lớp đào tạo tại huyện nên có thể vừa đi làm, vừa đi học. Tôi đã tận dụng cơ hội để có kiến thức tốt hơn, làm tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ công tác bảo vệ rừng”.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, sau khi tham gia lớp học, các học viên đang tham gia công tác trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng sẽ đảm bảo kiến thức chuyên môn phục vụ cho công việc; các học viên chưa tham gia công tác sẽ có cơ hội vào làm trong các doanh nghiệp sản xuất về lâm nghiệp, hoặc có kiến thức để tự phát triển kinh tế rừng.
Ông Phước cho biết: “Địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo nghề, chỉ đạo tuyên truyền vận động thanh niên tham gia học nghề, giải quyết việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững. Người học thuộc diện này không phải đóng học phí và có chế độ theo các quy định của nghị quyết đã được HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành”.