Núi thiêng!
(VHQN) - Sơn Chà (hay sơn Trà) được biển bao bọc hơn ba phần nên gọi bán đảo Sơn Chà. Núi là hòn ngọc quý, linh thiêng của người miền Trung. Và trong ký ức tôi, còn hằn bao chuyện về ngọn núi thiêng ấy.
Dân gian vẫn thường nghe: “Đời ông cho chí đời cha/ Mống hiện Sơn Chà không gió thì mưa”, hay “Chiều chiều mây phủ Sơn Chà/ Sóng gầm Non Nước, mưa sa Vũng Thùng”.
Sừng sững Sơn Chà
Sơn Chà sừng sững, hùng vĩ, nối liền một doi cát dài được sóng và gió bồi tụ, che chắn Vũng Thùng. “Tai nghe súng nổ cái đùng/ Thôi rồi, Tây chiếm Vũng Thùng hôm qua”.
Sáng ngày 1/5/1858, R. de Genouilly chỉ huy Hạm đội Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ lên bán đảo Sơn Chà lập đại bản doanh. Ngày 1/9/1858, De Genouilly gửi tối hậu thư buộc quan trấn thủ Đà Nẵng trong hai giờ phải giao nộp tỉnh thành. Nhưng không đợi trả lời, đại bác của liên quân đã tập trung bắn tới tấp hàng trăm quả vào cửa sông Hàn và các đồn ở bán đảo Sơn Chà.
Theo Giáo sư Trần Văn Giàu, sau 5 tháng giao tranh, liên quân Pháp - Tây Ban Nha chỉ chiếm được một ngọn núi không người và vài làng ven biển. Họ không dám tiến sâu...
Họ mong chờ một cuộc nổi loạn của nhân dân Nam - Ngãi theo lời hứa hẹn của các giáo sĩ Pháp, mà không thấy. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan ấy, thì đội quân xâm lược bị đau ốm và chết chóc khá nhiều, căn bản không phải vì súng đạn, mà chính vì phong thổ khí hậu. Thức ăn lại rất khó tìm, thuốc men không đủ dùng, thỉnh thoảng bị quân Việt đến tập kích, bắn tỉa...
Bị đánh, bị đói, đau, hai năm sau, ngày 23/3/1860, R. de Genouilly cuốn gói lên tàu, đốt sạch, để lại ở chân núi Sơn Chà một nhà thờ và một ‘‘đồi hài cốt’’chôn vùi 1.500 xác lính - là những oan hồn tủi nhục. Còn tội phạm chính là những kẻ âm mưu và ra lệnh - chúng sẽ bị quả báo. Cái mồ ma và những xác chết không hương khói là lời răn đe kẻ nào dám xâm hại, xúc phạm núi thiêng!
Tiếng vọng thiêng từ núi
Ngày 7/1/1947, quân Pháp đưa một mũi quân đánh vào phía tây Đà Nẵng. Ngày 8/4/1947, Ban Cán sự Đà Nẵng được thành lập do Nguyễn Ngọc Chấn làm Bí thư. Ban Cán sự đóng cơ quan ở núi Sơn Chà, gồm 3 bộ phận: Bộ phận Thường trực ở trên núi - cứ điểm Diên An, làm việc hằng ngày. Bộ phận dự bị đóng trên chóp núi - Mốt cu - Mạc tư khoa. Và bộ phận dưới chân núi.
Một bộ phận của Ban đặc vụ với 15 chiến sĩ, do Nguyễn Hữu Khoan (Đà) chỉ huy, trực tiếp bám nội thành. Do dân đi tản cư nhiều nên lúc này thành phố vắng vẻ. Để tăng cường cơ quan lãnh đạo kháng chiến, ngày 5/8/1947, Ban Cán sự Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tại Diên An.
Hội nghị phân tích tình hình, chỉ ra rằng, địch không chỉ có âm mưu xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự lớn, mà chúng muốn biến Đà Nẵng thành cứ điểm chiến lược cho cả miền Trung - Đông Dương… Hội nghị quyết định chuyển Ban Cán sự Thành từ trên Sơn Chà xuống sông Hàn.
Sau Tết Bính Thân, 1955, từ Hà Nội, Tư Thuận (Trương Chí Cương), bấy giờ làm Phó Ban quan hệ Bắc - Nam, giao nhiệm vụ cho Nguyễn Trí Quang, nghiên cứu lập đường dây trên biển nhằm vận chuyển người, tài liệu và hàng hóa từ Vĩnh Linh vượt Vĩ tuyến 17 vào Trung Man - Hòa Vang và ngược lại.
Đầu năm 1957, theo chủ trương của Tỉnh ủy, đội thuyền mang tên ‘‘Tập đoàn đánh cá Sông Đà’’, nhận nhiệm vụ đưa những cán bộ trụ lại sau 1954, bị đau ốm, kiệt sức, khó có điều kiện trụ lại lâu dài, cùng nhiều cán bộ, đảng viên, cơ sở không còn khả năng hợp pháp, vượt biển ra miền Bắc để chữa bệnh, học tập. Kết hợp chuyển hàng, C2 - đơn vị vận chuyển ở Vĩnh Mốc - đã đưa Trần Nhành và Nguyễn Duy Hưng (Sáu Hưng) rời hang Bờm Nở trên mé núi Sơn Chà, xuống thuyền ra Vĩnh Linh.
Ngày 8/3/1965, tàu há mồm của Mỹ vào Vũng Thùng, cập bến Xuân Thiều, lính thủy đánh bộ Mỹ lên đất Nam Ô, bay trực thăng lên chiếm đỉnh Sơn Chà, dựng Đài ra đa - dân gọi là mắt thần có thể nhìn xa 300km - ra đa vọng ngoại...
Những mảnh lịch sử rời về Sơn Chà, giữa núi xanh màu trời, từ trên đỉnh, nhìn biển mênh mông. Lắng nghe tiếng vọng thiêng liêng từ núi, từ những linh hồn, bỗng nhớ lời ai đó, rằng: Những vĩ nhân thời xưa chỉ còn trong nấm đất, nếu sự tích anh hùng con cháu chẳng ai ghi...