Dấu chân trên đỉnh đồi
(VHQN) - Như lời của đạo diễn Lê Thanh, anh đặt tên cho những cuộc trở về đất Quảng là những cuộc đi để nhớ. “Nhớ Rừng nuôi, Suối giấu, Đất kiên trung…”.
Những ngọn núi mạn Trà My, Hiệp Đức, không ẩn nhiều huyền thoại như Ấn sơn ngự đầu nguồn Thu Bồn, nhưng lại dung chứa trong lòng nó rất nhiều ký ức lẫn chứng nhân anh hùng.
Thanh xuân là đồi núi
Bức ảnh một cô gái nhỏ nhắn, thắt bím tóc cùng nụ cười thật tươi, được nhà báo Xuân Quang chụp được vào tháng 4 năm 1972 ở trận địa Liệt Kiểm (Hiệp Đức). Mấy mươi năm sau, cô gái nhỏ nhắn đứng bên xác xe tăng của địch khi ấy, là nhà văn Vũ Thị Hồng, muốn tìm đường ngược lên núi Liệt Kiểm, lại vô cùng khó nhọc.
Đồi núi Hiệp Đức những năm tháng chiến chinh với nhiều điểm cao đột xuất, được đánh giá có giá trị về mặt tác chiến quân sự. Phía bắc là núi Chôm có các đèo qua thung lũng Quế Sơn như đèo Răm, đèo Rập Cu. Phía tây là núi Tráp, Gò Đu, núi Bàn Cờ. Phía đông nam là núi Liệt Kiểm kéo dài lên phía tây nam là núi Chia Gan.
Trận Liệt Kiểm đã đi vào lịch sử. Trên đỉnh núi này có thể quan sát từ ngã ba Đồng Tranh đến đông quận lỵ Hiệp Đức, phía nam từ An Tráng qua Phước Tuy, Phước Hòa, thung lũng nam - bắc sông Trầu đến tận Châu Sơn…
Năm đó, nhà văn Vũ Thị Hồng được bộ đội dẫn đường, 5 tiếng đồng hồ mới leo lên được đỉnh đồi Liệt Kiểm. Nhiệm vụ của chị là phải quay cảnh thực địa và thăm hỏi động viên chiến sĩ ở tổ chốt.
Đã hơn 50 năm trôi qua, bao lần trở lại thăm chiến trường xưa nhưng chưa lần nào chị lên được tới đỉnh Liệt Kiểm như năm xưa. Bởi thời gian, tuổi tác và cả bom đạn còn nằm đâu đó dưới lòng đất rình rập, nói như nhà văn Nguyễn Bảo khi đến Thượng Đức - ông chỉ biết chắp tay vái lạy về phía đỉnh máu - 1062 - bởi đồng đội mình vẫn còn nằm đó.
Núi của lòng dân
Những văn nghệ sĩ chiến trường, chắc chắn không thể nào quên đoạn ký ức bi tráng của một thời tuổi trẻ - với dấu chân in hằn trên những ngọn đồi, đỉnh núi của vùng Hiệp Đức, Trà My.
Dưới chân núi Vin, có con sông Trà Nô chảy qua – nơi ấy có làng Trà Nhan, nhưng người dân hay gọi là làng Ông Tía. Năm 1960, dưới chân núi Vin, đội tự vệ cùng 30 gia đình tại làng Ông Tía với vũ khí thô sơ là những chiếc rựa đã nổi dậy tiến công địch.
Cũng dưới chân núi bên bờ sông Trà Nô này, căn cứ Khu ủy Khu V được hình thành trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1973-1975). Dưới tán lá rừng, các cơ quan Khu ủy Khu V đóng rải rác dọc bên bờ sông. Từ mảnh đất này, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời và có giá trị đến cả mai sau.
Những ngày tháng 8 vừa qua, đoàn văn nghệ sĩ, khoa giáo về thăm chiến trường xưa. Họ vẫn lựa chọn trở lại vùng căn cứ cách mạng đóng chân nương theo địa thế của những ngọn đồi dòng suối, là Trà Nô, Liệt Kiểm, Thượng Đức...
Họ đến thăm Hòn Kẽm Đá Dừng - nơi có người mẹ phải hy sinh đứa con để cứu sống dân làng, nơi có những chữ Chăm còn khắc trên phiến đá, nơi có dãy núi đá kỳ vĩ như một bức tường thành soi bóng xuống dòng sông Thu Bồn.
Lịch sử ghi lại, dựa vào địa thế hiểm yếu của núi non, sông nước Hòn Kẽm, quân và dân ta làm nên trận đánh “Trực thăng vận”. Tượng đài chiến thắng “Trực thăng vận” sừng sững được dựng lên bên bến Trà Linh, như một nhắc nhớ của đất này.
Đứng trên cầu Trà Linh, nhìn xa xa màu xanh bạt ngàn của núi rừng nơi thượng nguồn sông Thu Bồn. Sau khi vượt qua Hòn Kẽm Đá Dừng, dòng sông đem phù sa đến các bến Phú Gia - Dùi Chiêng, Cà Tang, đến bến đò Trung Phước - Đại Bình… và đi xa xuống biển.