Đông Giang ứng dụng hiệu quả đề tài khoa học công nghệ
Các đề tài khoa học công nghệ tại huyện Đông Giang sau khi triển khai nghiên cứu đã ứng dụng vào thực tế cho những kết quả đáng ghi nhận.
Từ ớt, chè dây
Cách đây hơn 10 năm, chè dây Ra zéh đã được nhiều người biết đến với công dụng tốt cho sức khỏe, nhất là về dạ dày. Khách hàng muốn sử dụng loại đặc sản vùng cao này nhưng cung không đủ cầu do thời điểm đó chỉ có thể khoanh nuôi dưới tán rừng tại xã Tư.
Vào năm 2017, đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm cây chè dây (Ra zéh) trên địa bàn xã Tư” được triển khai thực hiện, kinh phí 1,138 tỷ đồng.
Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang Nguyễn Đức Huy cho biết, đề tài nhằm mục tiêu hoàn thiện quy trình kỹ thuật về nhân giống bằng hạt, cành, nuôi cấy invitro; quy trình kỹ thuật huấn luyện cây con từ nuôi cấy mô ra vườn ươm, trồng và chăm sóc, thu hoạch và sơ chế chè dây Ra zéh.
Công trình đã nghiệm thu hoàn thành và được tỉnh công nhận. Đề tài về chè dây Ra zéh vừa nghiên cứu vừa triển khai trên thực tế nên quá trình hướng dẫn người dân, hợp tác xã về quy trình tạo giống, chế biến sản phẩm diễn tiến nhanh và thuận lợi.
Nhờ nguồn giống vừa đề cập, người dân ở xã Tư, sau này là xã Ba có yếu tố địa hình, thời tiết tương đồng đã mở rộng diện tích trồng chè dây lên 35ha, góp phần phát triển nguồn nguyên liệu giống cho trồng và chế biến sản phẩm, mang lại thu nhập mỗi héc ta lên đến hơn 500 triệu đồng. Sản phẩm chè dây được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao vào cuối năm 2021.
Đông Giang nổi tiếng với sản vật bản địa như lòn bon, củ ka kun, chè dây Ra zéh, tinh bột nghệ đen, sâm 7 lá 1 hoa, ớt A riêu.
Theo ông Đinh Văn Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, các sản phẩm làm từ ớt A riêu - một loại cây bản địa tự nhiên đã nâng tầm thành thương hiệu (ớt muối đạt OCOP 4 sao), được người tiêu dùng biết đến. Người dân nhờ đó có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đây là minh chứng cho đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ớt A riêu phục vụ sản xuất hàng hóa tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam” đã thật sự được ứng dụng hiệu quả. Đề tài đã giúp xây dựng mô hình vườn ươm giống ớt A riêu tại xã Mà Cooih.
Tuyển chọn 50 cây trội mang đặc trưng hình thái đại diện cho giống ớt A riêu; nghiên cứu chuyển giao quy trình kỹ thuật và nhân giống bằng hạt, kỹ thuật trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp an toàn, quy trình kỹ thuật chế biến các sản phẩm từ ớt...
Đến đề tài cấp huyện
Ông Nguyễn Đức Huy cho biết, Đông Giang đã triển khai hoàn thành 3 đề tài cấp huyện và được nghiệm thu công nhận, chuyển giao tài sản, kết quả nghiên cứu ứng dụng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo đó, đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất giống, trồng và chế biến sản phẩm rượu Tà vạc” đã hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, khoanh nuôi; trồng và chăm sóc mới; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật.
Đề tài áp dụng vào thực tiễn nhanh chóng tăng khả năng lưu trữ và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Người dân nắm vững quy trình kỹ thuật sơ chế chưng cất, bảo quản sản phẩm rượu và cung cấp ra thị trường, trở thành sản phẩm hàng hóa.
Xã Sông Kôn có cây nghệ đen nhưng quy trình chăm sóc, nhân rộng, thu hoạch và chế biến nghệ đen thành sản phẩm hàng hóa vẫn là bài toán khó với người dân.
Từ thực tế nêu trên, Đông Giang đã tiến hành thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cây nghệ đen tại xã Sông Kôn”.
Sau khi ứng dụng vào thực tế, việc bảo tồn nguồn gốc giống, tạo nguồn nguyên liệu ổn định để chế biến thành sản phẩm như nghệ đen thái lát, tinh bột nghệ đen, viên tinh bột trộn với mật ong để cung cấp ra thị trường đã cho kết quả tích cực.
Ngoài chè dây Ra zéh, tại địa bàn xã Tư, đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tuyển chọn các giống dâu tây và xây dựng mô hình trồng cây dâu tây” cũng đã được tiến hành.
Theo ông Đinh Văn Bảo, các đề tài đưa vào thực tế đã từng bước nâng cao nhận thức người dân, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, chuyển dần sang chăm sóc thâm canh.
Đồng thời góp phần bảo tồn các giống cây đặc sản, lựa chọn giống cây trồng mới, nâng cao chất lượng cũng như giá trị của các sản phẩm. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan từng bước ứng dụng các đề tài, không làm ồ ạt mà cần từng bước ổn định, mang lại kết quả lâu dài.
Qua các năm 2021 - 2022, Phòng Kinh tế và hạ tầng đã kết hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang, đơn vị chủ trì triển khai nhân rộng đề tài cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi heo cỏ miền núi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
Tổng nguồn vốn thực hiện 1,568 tỷ đồng trên địa bàn 2 xã Kà Dăng và Sông Kôn cho 6 hộ tham gia nuôi 72 con heo đen. Hiện nay, đề tài đang triển khai đúng tiến độ, góp phần tạo nguồn giống và sản phẩm heo đen địa phương, cung ứng ra thị trường.