Giảm nghèo - An sinh

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo ở Đông Giang: Còn nhiều cái khó

TRẦN CÔNG TÚ 17/10/2024 08:45

Dù đã nỗ lực, huyện Đông Giang còn gặp nhiều khó khăn để đưa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững về đích thành công.

4-1-(1).jpg
Người dân tại thị trấn Prao và các xã Sông Kôn, Jơ Ngây, Mà Cooih, Kà Dăng được hỗ trợ giống mít ruột đỏ. Ảnh: K.K

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, tổng các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của năm 2024 của huyện hơn 147,389 tỷ đồng; trong đó kế hoạch vốn năm trước kéo dài sang chiếm hơn 62,333 tỷ đồng.

Tính đến 30/8/2024, huyện giải ngân hơn 47,7 tỷ đồng. Nguồn lực này để đầu tư xây dựng các công trình; thực hiện chuỗi liên kết giá trị nuôi hươu sao lấy nhung, heo địa phương, chăn nuôi bò vàng sinh sản, chuỗi liên kết giá trị trồng quế, trồng mít ruột đỏ.

Huyện còn phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về nề hoàn thiện; kỹ thuật chế biến món ăn; nuôi, nhận biết trị bệnh cho gà; nuôi cá nước ngọt trong ao…

Tuy nhiên, từ thực tế thực hiện chương trình, địa phương gặp không ít khó khăn, như năng lực quản lý và tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư, chủ dự án hạn chế; công tác quản lý đối tượng đang thực hiện thủ công, khi tổng hợp số liệu để báo cáo gặp trở ngại.

Cạnh đó, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh lấy mức đang hưởng trợ cấp hàng tháng của đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội để tính mức trợ cấp khiến việc quản lý, cập nhật khi có sự thay đổi mức trợ cấp hoặc đối tượng không còn hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng gặp lúng túng.

z5838689046329_5ea842339af875dc6cb4a743fa4ee2c5-1-(1).jpg
Một hộ dân ở xã Zà Hung có thu nhập từ bán nhung hươu sao. Ảnh: K.K

Nói về nguyên nhân, ông Đỗ Hữu Tùng chia sẻ, đối với nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, sau khi lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, một số dự án có giá trị tổng mức đầu tư cao so với các danh mục đầu tư mà nghị quyết HĐND huyện phê duyệt.

Nhiều công trình có quy mô và kết cấu phức tạp; tuyến trải dài ảnh hưởng đến rừng do vậy phải lấy ý kiến của các ngành chức năng, chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần kéo dài thời gian.

Một số dự án nằm tại khu trung tâm các xã chưa được điều chỉnh, quy hoạch nông thôn mới nên phải nhiều lần chọn mặt bằng cho phù hợp thực tế. Nguyên vật liệu khan hiếm, nhất là cát xây dựng không đáp ứng được nhu cầu.

Về phát triển kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể hạn chế về năng lực để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối tượng thụ hưởng ưu tiên được chọn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ có công với cách mạng phần lớn là hộ nghèo có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất. Việc triển khai các nguồn vốn, đặc biệt là vốn sự nghiệp còn nhiều lúng túng, tiến độ chậm...

TRẦN CÔNG TÚ