Chính trị

Chuyển động Quảng Nam

PHÚ THẠNH 18/10/2024 07:17

Chưa phải vượt qua hết những rào cản và thách thức hiện hữu, nhưng thật sự đã có chuyển biến mới mẻ trên nhiều lĩnh vực trong bức tranh chung về sự vận động của Quảng Nam từ đầu năm 2024 đến nay. Như là minh chứng cho những giá trị truyền thống của con người xứ Quảng, vừa khơi dậy, củng cố thêm niềm tin và hy vọng,…

anh-q.t.jpeg
Đại dự án sông Cổ Cò đã từng có chủ trương tạm “dừng kỹ thuật”, nay được hồi sinh. Ảnh: Q.T

Đoàn kết, chủ động và quyết liệt

“Đoàn kết, chủ động xoay xở và quyết đoán trước những vấn đề cấp bách” là một trong những đúc kết của PGS-TS. Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III) về tính cách Quảng, trong bài tham luận gửi đến hội thảo khoa học về văn hóa, con người Quảng Nam, tổ chức vào ngày 7/10/2024.

Một cuộc hội thảo có lẽ “đúng thời điểm”, xét từ yêu cầu của thực tiễn và chuẩn bị hành trang cho chặng đường mới, với Quảng Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cùng đoàn công tác kiểm tra dự án phòng chống thiên tai tại bờ biển Cửa Đại, Hội An, vào đầu tháng 9.2024. Ảnh T.C
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cùng đoàn công tác kiểm tra dự án phòng chống thiên tai tại bờ biển Cửa Đại (Hội An) vào đầu tháng 9/2024. Ảnh: T.C

“Tháo ngòi”…

Vài tháng trở lại đây, đã không còn xuất hiện những nhóm người (ít thì mươi người, nhiều thì vài ba chục) thường xuyên đến Trụ sở tiếp công dân của tỉnh để đối thoại, nêu kiến nghị, bày tỏ bức xúc với lãnh đạo các cấp về những tồn tại dai dẳng trong các dự án thuộc Công ty Bách Đạt An.

Cũng nên nhắc lại, liên quan đến vụ việc này, hơn 5 năm qua, chỉ riêng các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, đã phải tiếp dân hơn 200 lượt; thậm chí từng có thời điểm, cả đám đông hơn 100 người tập trung trước trụ sở UBND tỉnh gây áp lực với chính quyền. Một số tờ báo còn cho đây là vụ khiếu kiện “quy mô” nhất, phức tạp, “đình đám” nhất liên quan đến các dự án bất động sản của cả miền Trung.

Vụ Bách Đạt An đến nay chưa phải đã giải quyết rốt ráo; người dân vẫn còn phải chờ. Tuy nhiên, lối mở cho những ách tắc cơ bản được khai thông và trên thực tế, các dự án đã khởi động trở lại.

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng kiểm tra dự án di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng:

Không riêng vụ việc nêu trên mà không ít công trình, dự án khác, cả đầu tư công và đầu tư tư từng “án binh bất động” suốt thời gian dài, gây bức xúc, hoài nghi trong dư luận xã hội, cũng đã tìm ra lối thoát.

Đơn cử, dự án mở rộng, nâng cấp, cải tạo cảnh quan khuôn viên Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau chuyến kiểm tra của Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết hồi đầu năm, đã được ấn định dứt khoát thời hạn hoàn thành, dù Quảng Nam phải chấp nhận bổ sung 25 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, thay cho vốn trung ương bị cắt vì tiến độ thi công quá chậm. Hay như đại dự án sông Cổ Cò, đã từng có chủ trương tạm “dừng kỹ thuật”, nay được hồi sinh…

“Không bàn lùi”

Ông Nguyễn Như Công - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, người “phục vụ” thường xuyên hoạt động của Đoàn kiểm tra Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương làm việc tại Quảng Nam năm 2023, có lần chia sẻ, dù vất vả nhưng “tâm phục, khẩu phục” về phong cách, thái độ làm việc và các kết luận của Đoàn.

“Họ xử lý vấn đề rất cặn kẽ, thấu đáo, thuyết phục và cũng rất nhân văn. Mình sai thì phải nhận. Nhưng phải nói, đợt kiểm tra này giúp ích cho anh em cán bộ, công chức của tỉnh rất nhiều” - ông Công bày tỏ.

Ngày 6.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng khảo sát kiểm tra tiến độ dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò. Ảnh Q.T
Ngày 6/9/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng khảo sát kiểm tra tiến độ dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò. Ảnh: Q.T

Có lẽ, cũng từ kết luận thuyết phục của Trung ương và với tinh thần nghiêm túc, cầu thị trong việc tuân thủ kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Quảng Nam đã mất 6 tháng để thực thi các nội dung kết luận và yêu cầu của UBKT Trung ương. Hơn 120 cán bộ, đảng viên và hàng chục tổ chức đảng đều tiến hành quy trình kiểm điểm, xử lý vi phạm theo quy định.

“Rất vất vả, cực nhọc, mất nhiều thời gian. Chúng tôi làm ngày, làm đêm; không thể qua loa, chiếu lệ vì vấn đề nhạy cảm, đụng đến từng tổ chức, từng con người. Điều mừng nhất là qua các cuộc làm việc, anh em đều cầu thị, sẵn sàng nhận sai, chịu kỷ luật mà không quanh co, né tránh. Việc UBKT Trung ương chấp thuận báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý kỷ luật của tỉnh là sự khẳng định tinh thần, thái độ rất nghiêm túc của Quảng Nam dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy” - ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy thông tin.

Tuy nhiên, “tác động ngược” trong và sau đợt kiểm tra của UBKT Trung ương cùng nhiều đoàn kiểm tra khác “dồn dập” đến Quảng Nam năm ngoái, là điều không thể phủ nhận. Tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm” dẫn đến tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cấp chưa bao giờ được thẳng thắn nhận diện, mổ xẻ tại rất nhiều diễn đàn và các cuộc làm việc của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thời gian qua, kể cả trong các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng kiểm tra thực tế tiến độ triển khai dự án Phát huy giá trị di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh Q.VIỆT
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng kiểm tra thực tế tiến độ triển khai dự án "Phát huy giá trị di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng". Ảnh: Q.VIỆT

Rất nhiều công trình, dự án “đứng bánh” thời gian dài; nhiều kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp chậm tháo gỡ; nhiều chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tụt hạng sâu; hay văn bản “lòng vòng” giữa các sở, ngành, địa phương,... là hệ quả của tình trạng nêu trên, như đánh giá của lãnh đạo tỉnh.

“Cải cách hành chính là một trong những ưu tiên hàng đầu” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thẳng thắn “cam kết” ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới. Quan sát “chuyển động” ở Quảng Nam từ đầu năm đến nay, dễ nhận ra tinh thần “cải cách” là rất nổi bật, xuyên suốt và nhất quán, mà trước hết là “cải cách”… con người, “cãi” để thấy hạn chế, yếu kém của bộ máy mà khắc phục, không né tránh. Và chưa khi nào trong vòng 6 tháng đầu năm, cả hệ thống từ tỉnh đến cơ sở tổ chức đến 4 đợt sinh hoạt chính trị nhằm “chỉnh đốn lại đội ngũ”.

Trong khó khăn, Quảng Nam luôn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết

Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã tập trung quyết liệt cho các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc củng cố, kiện toàn nhân sự Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nhiều sở, ban, ngành, địa phương. “Hàng loạt cán bộ được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu, bầu cử giữ các vị trí công tác mới. Tất cả đều nhận được sự đồng thuận rất cao, nhiều đồng chí có số phiếu tuyệt đối. Điều này khẳng định, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, Đảng bộ Quảng Nam vẫn luôn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết. Đây vừa là niềm tự hào, vừa tạo động lực và niềm tin để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của quê hương” - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.

Một cuộc tổng kiểm tra, rà soát, thực hiện và nhất là khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra qua các cuộc kiểm tra, kiểm toán của các cấp đã được chỉ đạo quyết liệt. Song hành với đó là liên tục các cuộc làm việc, đi thực tế, đốc thúc các công trình, dự án tại hầu hết sở, ban, ngành, địa phương của Thường trực Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở nhiều cuộc họp, hội nghị chuyên đề tìm cách gỡ những khúc mắc ùn ứ lâu nay. UBND tỉnh lập 5 tổ công tác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các dự án đầu tư công và một số tổ công tác đặc biệt khác để xúc tiến các dự án đầu tư trọng điểm…

“Tại sao cùng cơ chế, thể chế mà người ta làm được, làm nhanh mà mình thì không?”. Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết mới đây lại nêu câu hỏi tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm với yêu cầu không được bàn lùi, không đổ thừa hết cho cơ chế, chính sách mà phải tự hỏi mình. Chạm đến “tự ái” của người Quảng, với truyền thống kiên cường và tinh thần sáng tạo, luôn tìm ra cách thức để bứt phá trong những thời điểm khó khăn nhất, cũng là sự bắt đầu cho câu trả lời…

Khơi lại... niềm tin

Nhiều câu hỏi từ báo chí tại cuộc họp báo quý III/2024, do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng trực tiếp chủ trì, cho thấy Quảng Nam chưa phải đã khai thông tất cả những điểm nghẽn về quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự trở lại của tăng trưởng kinh tế và niềm tin của các nhà đầu tư chắc chắn là những tín hiệu vui.

Tín hiệu phục hồi

Quý III năm ngoái, tăng trưởng tổng sản phẩm của nền kinh tế Quảng Nam (GRDP) giảm đến 8,75% và cả năm 2023 giảm 8,25% - mức giảm sâu nhất kể từ thời điểm tái lập tỉnh (1997) đến nay. Cùng với đó là sự tụt hạng đáng báo động của hầu hết chỉ số đo lường về năng lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và rất nhiều “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội, khiến bức tranh chung của Quảng Nam không nhiều gam màu sáng. Lo ngại về sự tụt hậu so với nhiều địa phương khác là câu chuyện thường thấy trên các diễn đàn và dư luận xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình - Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của tỉnh kiểm tra vướng mắc dự án tuyến ĐH14 tại thị xã Điện Bàn. Ảnh: Q.T

Quý I/2024 vẫn chưa chặn được đà suy giảm, khi GRDP tiếp tục âm (-) 1,5%. Tuy nhiên, từ quý II, đã có tín hiệu phục hồi với mức tăng 6,5% và quý III này tiếp tục bứt tốc với con số 12,7%, góp phần đưa tỷ lệ tăng trưởng 9 tháng của năm 2024 lên 5,9% - một con số khó dự báo nếu dựa vào dữ liệu năm 2023 và quý I năm nay.

Đáng nói hơn, theo các khảo sát của Cục Thống kê Quảng Nam là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về sự phục hồi của thị trường và cơ hội kinh doanh trong ngắn hạn đã trở lại. Cơ quan này mạnh dạn dự báo, tăng trưởng kinh tế quý IV sẽ tiếp tục sáng sủa và GRDP Quảng Nam năm 2024 có thể đạt mức tăng 7,2%.

Trong tầm nhìn dài hạn, Hyosung - một tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn bày tỏ cam kết kiên trì mục tiêu mở rộng đầu tư tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ), dù sốt ruột chờ gỡ vướng thủ tục trong thời gian dài. Đặc biệt, dự án khu công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao của THACO từng làm nản chí nhà đầu tư vì chờ đợi và chờ đợi…, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thông tin, sẽ sớm hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng để chính thức khởi động dự án.

“Phải thừa nhận quản lý nhà nước yếu kém”

Lần đầu tiên trong nhiều chục năm qua, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp với các nhà thầu xây dựng trên toàn tỉnh để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về tiến độ triển khai các dự án đầu tư công. Lắng nghe tâm tư từ các chủ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng tỏ ra không hài lòng với thực tế. “Phải thẳng thắn thừa nhận, khâu quản lý nhà nước còn yếu kém. Cái này dứt khoát phải sửa” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, báo cáo từ các cuộc điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hay tổng hợp phản ánh ý kiến nhân dân từ Mặt trận các cấp gần đây đã xuất hiện nhiều “sắc thái” tươi tắn hơn. Tuyên bố chính trị về hoàn thành mục tiêu xóa hơn 10.490 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh vào cuối năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương; hay mới đây, việc HĐND tỉnh quyết nghị miễn học phí cho học sinh các cấp (trong bối cảnh nền kinh tế chưa thật sự tăng trưởng ổn định, thu ngân sách bấp bênh) chắn chắn là những tin vui đối với nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Ngay sau Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh (tháng 8/2024), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh đã đề xuất “5 đổi mới” trong chương trình hành động nhiệm kỳ mới, hướng đến vì cuộc sống người dân hiệu quả hơn.

Vượt qua chính mình?

Sự trở lại của tăng trưởng GRDP trong quý II, quý III và dự báo quý IV năm nay là tín hiệu vui, nhưng chưa có gì đảm bảo an toàn và ổn định của nền kinh tế Quảng Nam, chưa nói đến yêu cầu tăng cao hằng năm theo như chỉ tiêu pháp lệnh đã được xác định trong quy hoạch tỉnh, khi nhiều năm qua, yếu tố quyết định phụ thuộc vào một ngành sản xuất. Tính “may, rủi” trong xây dựng các chỉ tiêu kinh tế và thu ngân sách hằng năm đã là điều dễ thấy, liên tục trong những năm qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng (ở giữa) - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của tỉnh kiểm tra tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Núi Thành. Ảnh: T.CÔNG

“Nền kinh tế Quảng Nam hiện chỉ ở mức trung bình trong cả nước, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung” - PGS-TS.Trần Đình Thiên mới đây nhìn nhận. Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cũng chỉ ra, quy mô kinh tế Quảng Nam 9 tháng của năm 2024 xếp vị thứ 27/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 8/14 địa phương trong khu vực đã nêu. Ở thời điểm năm 2020, quy mô kinh tế Quảng Nam đạt hơn 95 nghìn tỷ đồng, thì 9 tháng năm 2024 này cũng chỉ ở mức 90,9 nghìn tỷ đồng. Trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nền kinh tế Quảng Nam từng có năm xếp vị trí thứ nhì, nhưng hiện xếp thứ 4 trong số 5 địa phương của vùng.

Tăng trưởng dưới mức tiềm năng là điều mà các chuyên gia đã nói đến. Nhưng sự tụt hậu trong cuộc đua với nhiều địa phương khác cũng dần thấy rõ hơn, buộc Quảng Nam phải thẳng thắn nhìn lại chính mình. Nhưng khó khăn, thách thức, áp lực lớn cũng là cơ hội, như cách nói của Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết. Trong đó, thuận lợi thấy rõ từ bối cảnh kinh tế chung của đất nước, đi liền với chủ trương của Đảng và nỗ lực của Nhà nước về cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế, sửa đổi nhiều luật lệ, giao quyền cho địa phương “tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm”. Lợi thế lớn cũng đã được xác lập từ các cơ sở khoa học được nghiên cứu công phu để xây dựng mục tiêu, tầm nhìn và chỉ tiêu của quy hoạch tỉnh.

[VIDEO] - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo tình hình triển khai dự án nạo vét sông Cổ Cò.

Mới đây, đã có thêm vài tin vui, khi đại diện Adani - tập đoàn năng lượng lớn nhất Ấn Độ cùng với lãnh đạo Sovico có cuộc làm việc với tỉnh về cơ hội đầu tư sân bay Chu Lai, ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp giúp Quảng Nam kêu gọi đầu tư tại nước bạn; hay dự án cải tạo sông Trường Giang với số vốn 2.700 tỷ đồng sắp sửa khởi động với quyết tâm cao về tiến độ.

Còn có một sự trùng hợp thú vị. Trong hai năm 2000 - 2001, giữa lúc khó khăn nhất, Quảng Nam đã liên tục tổ chức 2 hội thảo khoa học lớn về văn hóa và con người quê xứ, để rồi sau đó là sự bứt phá để trở thành hiện tượng, đúng như dự báo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng hơn 20 năm trước. Và mới đây, thêm một lần nữa, Quảng Nam trở lại với gốc rễ văn hóa của mình.
Cơ hội và thách thức, Quảng Nam sẽ vượt qua chính mình?

Ngày 14/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng ký quyết định thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác số 1; kiểm tra, đôn đốc các huyện Núi Thành, Quế Sơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình làm Tổ trưởng Tổ công tác số 2; kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các địa phương Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng làm Tổ trưởng Tổ công tác số 3; kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và các địa phương Tiên Phước, Thăng Bình, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu làm Tổ trưởng Tổ công tác số 4; kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh và các địa phương Núi Thành, Tam Kỳ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn làm Tổ trưởng Tổ công tác số 5; kiểm tra, đôn đốc các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My.

Nội dung: PHÚ THẠNH

Trình bày: MINH TẠO

PHÚ THẠNH