Tài chính - Thị trường

Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam củng cố chất lượng tín dụng

VIỆT NGUYỄN 18/10/2024 09:37

Tại cuộc họp Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đánh giá hoạt động 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn giao nhiệm các cơ quan áp dụng đồng bộ các giải pháp để củng cố chất lượng tín dụng chính sách.

vv.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn giao nhiệm vụ Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh áp dụng đồng bộ các giải pháp đề củng cố chất lượng tín dụng. Ảnh: Q.VIỆT

Lo với khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú

Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam, đến ngày 30/9, toàn tỉnh có 102 khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú với số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.

Trong đó, có thông tin địa chỉ cụ thể 13 khách hàng với số tiền 437 triệu đồng và không có thông tin 89 khách hàng với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Đây là nguy cơ thất thoát nguồn vốn ngân sách của Trung ương, địa phương và ảnh hưởng xấu đến chất lượng tín dụng chính sách.

Thời gian qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam và các phòng giao dịch cấp huyện, thị xã, thành phố đã liên hệ, cung cấp thông tin, đề nghị Công an tỉnh, huyện, xã hỗ trợ rà soát, xác minh, cung cấp thông tin về nơi cư trú mới, căn cước công dân, nghề nghiệp hiện tại, địa chỉ nơi làm việc của khách hàng vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú nhưng chưa hiệu quả.

Nguyên do là các hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú không đăng ký tạm trú ở nơi đến; việc quản lý tạm trú ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo; không xác định được hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú hiện đang ở đâu.

Bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh cho biết, trên địa bàn hiện có 6 hộ ở 5 xã Tam Phước, Tam Lãnh, Tam Đàn, Tam Dân, Tam Lộc vay vốn chính sách bỏ đi khỏi nơi cư trú. Đơn vị đang nỗ lực phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác tín dụng chính sách, chính quyền địa phương, các cơ quan để truy tìm, thu hồi vốn vay.

“Đặc thù của tín dụng chính sách là cho vay tín chấp nên không dễ đòi lại nợ khi khách hàng đã vay rồi bỏ đi khỏi nơi cư trú. Có các trường hợp, chúng tôi yêu cầu công an địa phương xác thực hộ vay vắng mặt tại nơi cư trú từ 2 năm liền trở lên để khoanh nợ theo quy định” - bà Trang nói.

Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, hơn ai hết, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) làm nhiệm vụ bình xét cho vay tín dụng chính sách, thu hồi nợ gốc, lãi gần gũi nhất với người vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú.

Các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên cần thực hiện nghiêm túc các nội dung nhận ủy thác, chỉ đạo các tổ TK&VV đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, bình xét đối tượng thụ hưởng, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay.

“Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ TK&VV cần bình xét cho vay thật chặt chẽ, tránh trường hợp cho vay hộ không quyết tâm làm ăn, thiếu trách nhiệm trong sử dụng vốn vay, lơ là nghĩa vụ trả nợ định kỳ. Các cơ quan cũng cần đào tạo nghề, triển khai các mô hình khuyến nông, khuyến ngư… giúp người vay vốn chính sách làm ăn hiệu quả, không bỏ đi khỏi nơi cư trú” - ông Trọng nói.

vv2.jpg
Củng cố chất lượng tín dụng chính sách đặt ra cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh thực hiện hiệu quả cho vay nhà ở xã hội. Ảnh: Q.VIỆT

Củng cố chất lượng tín dụng

Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đến ngày 30/9 là hơn 14,2 tỷ đồng (tăng hơn 1,5 tỷ đồng so với đầu năm). Đáng nói, toàn tỉnh có 7 đơn vị có nợ quá hạn tăng so với đầu năm, gồm Nam Trà My, Điện Bàn, Bắc Trà My, Núi Thành, Tam Kỳ, Tiên Phước và Nông Sơn.

Bà Lê Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, rất đáng lo khi không ít chủ tịch UBND cấp xã chưa thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát định kỳ hàng quý đối với tổ TK&VV, hộ vay và chưa quan tâm tham dự giao ban tại điểm giao dịch xã để chỉ đạo sâu sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh cho rằng, chất lượng là vấn đề “sống còn” của hoạt động tín dụng chính sách.

Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam phải cung cấp đầy đủ danh sách các chủ tịch UBND xã không quán xuyến tốt hoạt động tín dụng chính sách ở địa phương để có hình thức xử lý phù hợp.

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, công an làm tốt thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; phân tích đánh giá món nợ khoanh đến hạn để có giải pháp thu hồi.

Quảng Nam hiện có 3.387 tổ TK&VV tập hợp các hộ nghèo, chính sách tiếp cận tín dụng chính sách đầu tư sản xuất, kinh doanh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, nhất thiết phải củng cố, đưa hoạt động các tổ TK&VV đi vào nền nếp.

“Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên kiện toàn các tổ TK&VV hoạt động chưa hiệu quả; thường xuyên tập huấn cán bộ hội, đoàn thể, tổ trưởng tổ TK&VV, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong nhận ủy thác thực hiện hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói.

VIỆT NGUYỄN