Văn hóa - Văn nghệ

Đoàn Ca kịch Quảng Nam: Tự hào một hành trình nghệ thuật

TRƯƠNG TÂM THƯ 18/10/2024 09:50

Đoàn Ca kịch Quảng Nam có bề dày 60 năm (1964 - 2024) hình thành và phát triển, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng quê hương và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống.

2.jpg
Một cảnh trong vở ca kịch "Nàng Sita" của Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Ảnh: C.K

Từ đoàn văn công tuyên truyền

Cuối năm 1963 đầu năm 1964, để đáp ứng yêu cầu đời sống văn hóa của nhân dân vùng giải phóng và làm nòng cốt cho phong trào văn hóa, văn nghệ của các đơn vị, địa phương, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng phục vụ kịp thời các nhiệm vụ cách mạng, Tỉnh ủy Quảng Đà và sau đó là Tỉnh ủy Quảng Nam đã quyết định thành lập Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà và Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam tại chiến khu.

Trong 12 năm (1963 - 1975), hai đoàn văn công đã không ngừng phấn đấu vươn lên, góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Để phục vụ quân và dân, hai đoàn đã dàn dựng nhiều loại hình như ca kịch, ca múa, ca khúc, ca cảnh, hoạt cảnh, tấu - hài, hò vè..., trong đó lấy loại hình dân ca kịch bài chòi làm chủ đạo, biểu diễn ở khắp chiến trường Quảng Đà.

Các kịch bản chủ đạo trong thời kỳ này gồm “Lá cờ”, “Ba cha con”, “Đội kịch chim chèo bẻo”, “Một mạng người”, “Bà mẹ Gò Nổi”, “Người con gái Quảng Nam”… Trong giai đoạn này, 32 anh chị em cán bộ, diễn viên của hai đoàn đã anh dũng hy sinh, 28 người bị thương tật, nhiều anh chị em bị địch bắt tù đày…

1.jpg
Vở "Thai Xuyên Trần Quý Cáp" của Đoàn Ca kịch Quảng Nam gây được tiếng vang trên sân khấu nghệ thuật truyền thống. Ảnh: C.K

Sau ngày giải phóng (1975), Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà và Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam nhập thành Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng và được giao chuyên trách loại hình sân khấu ca kịch bài chòi Khu 5.

Với lực lượng hơn 50 người, đoàn đã dàn dựng các vở diễn tập trung vào đề tài lịch sử, phản ảnh truyền thống chống giặc ngoại xâm và thêm mảng đề tài hiện đại, phản ảnh những vấn đề nổi bật đang được xã hội quan tâm, đạo đức lối sống của con người Việt Nam trong cơ chế thị trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các vở diễn nổi bật trong giai đoạn này như “Biển động”, “Đôi mắt”, “Khúc hát tình đời”, “Tiếng sấm Tây Nguyên”, “Rực sáng sao Khuê”, “Suối đất hoa”, “Nỗi đau hạnh phúc”, “Nàng Sita”, “Chuyện tình bên dòng sông Thu”...

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam được tái lập, đoàn chuyển giao về tỉnh với tên gọi là Đoàn ca kịch Quảng Nam. Hằng năm đoàn có từ 40 - 50 buổi diễn với các vở đặc sắc như “Pho tượng đá”, “Ngôi nhà của chúng ta”, “Ánh sáng trên cung đường mới”, “Một thời đất lửa”, “Nhà có 3 chị em”, “Nỗi đau tình mẹ”, “Lâu đài cát”... với các đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, tâm lý xã hội, phòng chống tội phạm... Các đêm diễn ở cơ sở vẫn luôn thu hút đông đảo khán giả.

Phát huy nghệ thuật truyền thống

Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam cho biết, thời gian qua đoàn chú trọng đào tạo thế hệ diễn viên mới, đồng thời liên tục cải tiến cách tiếp cận khán giả trẻ bằng cách lồng ghép yếu tố đương đại vào các vở diễn truyền thống, qua đó tạo ra sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Đoàn còn đẩy mạnh công tác bảo tồn và truyền dạy nghệ thuật dân gian trong cộng đồng, đặc biệt là bài chòi.

5.jpg
Một cảnh trong vở "Người mẹ Quảng Nam". Ảnh: C.K

Đặc biệt, khi Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đoàn rất tích cực trong việc quảng bá, bảo tồn, phát triển loại hình trò chơi dân gian này.

Đoàn đã truyền nghề cho các đối tượng từ học sinh đến các câu lạc bộ bài chòi, tổ chức trò chơi dân gian bài chòi phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh với khoảng 120 buổi mỗi năm và tham gia các hội hô hát bài chòi tại các lễ hội trong và ngoài nước.

Một số vở diễn nổi bật trong thời kỳ này như “Ni cô Hương Tràng”, “Ký ức lửa” và “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” đã gây tiếng vang trong lòng khán giả và giành nhiều huy chương tại các hội thi hội diễn vùng và toàn quốc.

Các nghệ sĩ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam luôn bày tỏ niềm tự hào khi được cống hiến cho quê hương và nghệ thuật. Họ cho rằng việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống là một nhiệm vụ không chỉ của cá nhân mà còn của cả tập thể, với sự đồng lòng và hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo và khán giả.

Điển hình như Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Quang Việt, một trong những tài năng của đoàn, đã đạt được nhiều giải thưởng cá nhân danh giá. Anh được công nhận không chỉ vì tài diễn xuất tinh tế, giọng hát ngọt ngào mà còn vì đóng góp tích cực trong việc phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống. Những vai diễn “vàng” của anh như Hòa trong “Đắng trong hạnh phúc”, Luân trong “Trái tim trong trắng” hay Trần Nhân Tông trong “Ni cô Hương Tràng”.

4.jpg
Trình diễn bài chòi của Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Ảnh: C.K

Anh chia sẻ: “Các diễn viên của đoàn luôn nỗ lực từng ngày để mỗi vở diễn đều mang lại cảm xúc chân thực nhất cho khán giả. Với nghệ thuật, nếu không làm bằng đam mê và tâm huyết thì không thể chạm đến trái tim người xem”.

Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam nói: “Đoàn luôn nỗ lực đưa các tác phẩm có chiều sâu văn hóa và thông điệp nhân văn đến với khán giả. Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn đều xem đây không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm và niềm tự hào khi được lan tỏa văn hóa dân gian đến mọi miền quê hương”.

Dù đã đạt được nhiều thành tựu, Đoàn Ca kịch Quảng Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn. Thách thức lớn nhất là sự thay đổi trong thị hiếu của khán giả, khi nghệ thuật truyền thống ngày càng phải cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ cũng gặp khó khăn do nhiều bạn trẻ không mặn mà với nghề nghiệp này.

“Thời gian tới, đoàn sẽ tiếp tục đổi mới cách dàn dựng và xây dựng kịch bản, đồng thời chú trọng giao lưu văn hóa để học hỏi kinh nghiệm từ các đoàn nghệ thuật khác. Bên cạnh đó, đoàn cũng đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ cộng đồng, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa nhằm mang nghệ thuật đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân” - bà Võ Thị Thu Mây nói.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành; nhiều huy chương vàng và giải thưởng các cấp. Có 1 diễn viên được Nhà nước phong tặng nghệ sĩ nhân dân và 4 diễn viên được phong tặng nghệ sĩ ưu tú.

TRƯƠNG TÂM THƯ