Đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch khu vực hồ Sông Đầm
(QNO) - Sáng 18/10, Sở KH&CN Quảng Nam tổ chức họp Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu và thông qua đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ Sông Đầm, TP.Tam Kỳ".
Đề tài được triển khai từ năm 2020 do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì; PGS-TS.Vũ Tiến Chính làm chủ nhiệm.
Các nhà khoa học đánh giá, khu vực hồ Sông Đầm đa dạng hệ động vật có xương sống. Qua quá trình điều tra, khảo sát từ những mẫu vật ghi nhận và thu thập được, đề tài đã xây dựng danh lục các động vật có xương sống tại khu vực hồ Sông Đầm. Theo bảng danh lục này, đề tài đã thống kê được trong khu vực hồ Sông Đầm có tổng số 85 loài thuộc 55 họ và 21 bộ thuộc 5 lớp.
Với diện tích gần 200ha nước mặt bao phủ, hệ sinh thái chính của khu vực hồ Sông Đầm là hệ sinh thái đất ngập nước nên có thể thấy thành phần các loại cá tại khu vực chiếm ưu thế lớn với 40% số lượng loài động vật có xương sống. Lớp chim xếp ngay sau với thành phần loài ghi nhận được lên đến 36,47%. Lớp động vật lưỡng cư và lớp bò sát đều chiếm 9,41%. Ghi nhận được ít số lượng loài nhất là lớp thú với 4 loài, chỉ chiếm 4,71%.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khảo sát nhiều yếu tố khác tại khu vực Sông Đầm như côn trùng, các loài động vật đặc hữu như cò nhạn, cò ốc..., đồng thời đưa ra các nhận định về nguồn nước, nguyên nhân suy giảm hệ sinh thái...
Từ kết quả nghiên cứu, để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, ban chủ nhiệm đề tài đề nghị Sở KH&CN cho phép ưu tiên thực hiện các đề xuất sau: Điều tra, nghiên cứu các giải pháp phục hồi một số quần thể động thực vật quý hiếm, có giá trị để làm tăng độ đa dạng sinh học khu vực Sông Đầm. Ứng dụng các kết quả của đề tài vào thực tiễn. Thành lập khu bảo tồn đất ngập nước nhằm phục vụ công tác bảo tồn các loài động thực vật nơi đây.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng tư vấn đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện; trong đó đề nghị các nhà nghiên cứu cần chỉ "đích danh" nguồn tác động đối với hệ sinh thái khu vực Sông Đầm bằng các dữ liệu khoa học cụ thể. Ngoài ra yêu cầu ban chủ nhiệm đề tài không đề xuất chung chung mà cần đưa ra các biện pháp cụ thể để bảo vệ các loài động vật có giá trị như cò nhạn, cò ốc; cần đưa ra biện pháp cụ thể đối với việc bảo vệ nguồn nước hồ Sông Đầm...
PGS-TS.Phạm Thị Kim Thoa - Giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (Chủ tịch Hội đồng tư vấn) đề nghị ban chủ nhiệm đề tài ghi nhận đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng tư vấn để bổ sung vào báo cáo khoa học. Riêng đề xuất phát triển du lịch sinh thái, bà Thoa cho rằng đề tài cần tìm ra mô hình hợp lý, đề xuất để địa phương áp dụng nhằm góp phần phát triển kinh tế, bảo tồn ở khu vực Sông Đầm.