Thế giới

Rào cản đối với kinh tế thế giới

NAM VIỆT 18/10/2024 15:36

(QNO) - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo xung đột, căng thẳng thương mại, nợ cao và tăng trưởng thấp đang đe dọa kinh tế toàn cầu và khiến các quốc gia không có nguồn lực để giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu.

z5942684253850_fef52057dc65f1d8c9d653135e6c89ca.jpg
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: Moneycontrol

Ngày 17/10, phát biểu trước thềm cuộc họp thường niên năm 2024 của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tuần tới, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, giá tiêu dùng tăng cao, xung đột ở Trung Đông và châu Âu, triển vọng tăng trưởng trung hạn thấp là những lý do để thận trọng dù nền kinh tế thế giới dự kiến ​​sẽ hạ cánh mềm.

Người đứng đầu IMF đồng thời cho biết, những lo ngại về an ninh quốc gia đang thúc đẩy một số quốc gia theo đuổi các chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước.

"Việc gia tăng các rào cản thương mại như dội gáo nước lạnh vào nền kinh tế thế giới vốn ấm áp hơn. Các cuộc đụng độ diễn ra vào thời điểm mà dự báo của chúng tôi chỉ ra có sự kết hợp giữa tăng trưởng thấp và nợ cao - một tương lai khó khăn" - bà Kristalina Georgieva nói.

Tuần này, IMF cảnh báo rằng nợ công toàn cầu sẽ đạt 100 nghìn tỷ USD - tương đương 93% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào cuối năm nay.

IMF cũng thấy tăng trưởng kinh tế thấp khiến các quốc gia khó khăn trong việc tạo ra việc làm, trả nợ và giải quyết các nhu cầu đầu tư lớn gồm quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Do đó, IMF cho rằng thế giới cần nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng, giảm nợ và xây dựng một nền kinh tế có khả năng thích ứng tốt. Thực tế, giá cả tăng cao sẽ ảnh hưởng đến người nghèo cũng như nguy cơ leo thang xung đột Trung Đông sẽ làm mất ổn định các nền kinh tế trong khu vực và thị trường hàng hóa toàn cầu.

prabeshgroup.jpg
Thị trường lao động tại Mỹ và châu Âu đang ổn định. Ảnh: Prabeshgroup

Cạnh đó, hợp tác toàn cầu là cần thiết hơn bao giờ hết để giải quyết các thách thức như nóng lên toàn cầu và rủi ro từ công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Tháng 7 vừa qua, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,2% trong năm nay và 3,3% vào năm 2025.

Bất chấp những cảnh báo, người đứng đầu IMF lưu ý rằng các ngân hàng trung ương thành công trong việc kiểm soát lạm phát, các hạn chế về chuỗi cung ứng được nới lỏng và giá thực phẩm và năng lượng được điều chỉnh ổn định hơn trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, thị trường lao động ở Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đang hạ nhiệt theo một cách có trật tự và bà Kristalina Georgieva gọi tất cả điều đó là "một thành tựu lớn".

Hội nghị thường niên năm 2024 của IMF và WB sẽ diễn ra từ ngày 21 - 26/10/2024 tại Washington D.C. (Mỹ), tập trung thảo luận các chủ đề bao gồm triển vọng kinh tế thế giới, xóa đói giảm nghèo và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

NAM VIỆT