Người dân Bắc Trà My nâng cao giá trị kinh tế cho cây thảo dược thiên niên kiện
(QNO) - Trong quá trình tìm hiểu các loại đông dược, nam dược từ nguồn tài nguyên thảo dược dồi dào của địa phương, chị Nguyễn Thị Huê (thôn 2, xã Trà Giáp, Bắc Trà My) đã nghiên cứu và sản xuất ra một số sản phẩm thương mại từ loài cây này.
Rừng Bắc Trà My nhiều thảo dược
Chị Huê từng theo học ngành kinh doanh du lịch với mong muốn đưa làn gió mới về với quê hương miền núi. Trong quá trình tìm hiểu thế mạnh của địa phương mình, chị Huê thấy rằng núi rừng Trà My có nguồn dược liệu dồi dào không thua các tỉnh ở vùng núi Tây Bắc. Một số loài thảo dược chứa lượng dược chất cao như quế, sâm...
Trong các loài cây dược liệu địa phương, chị Huê quan tâm đặc biệt đến cây thiên niên kiện, một loại nam dược chứa hoạt chất linalool, có tính kháng khuẩn, kháng viêm được ông bà ngày xưa dùng xua đuổi côn trùng, giảm đau sau chấn thương, giảm lo lắng và thư giãn... Loài cây này mọc rất nhiều trên những cánh rừng nguyên sinh ở Trà My.
"Trước đây, thiên niên kiện được thương lái thu mua số lượng lớn, người dân Trà Giáp thường hái về phơi khô rồi chờ bán. Tuy nhiên, có lúc thương lái mua số lượng lớn giá cao, khiến người dân kéo nhau lên rừng thu hái kiểu tận diệt. Thương lái chỉ lên mua vài ngày rồi thôi khiến người dân tồn hàng rất nhiều, lâu ngày hư hỏng phải bỏ đi. Trước thực trạng đó, tôi rất tiếc và nghĩ mình phải làm gì đó để không bị thương lái đưa vào thế bị động như vậy nữa" - chị Huê nói.
[VIDEO] - Chị Nguyễn Thị Huê chia sẻ về lý do triển khai mô hình dược liệu thiên niên kiện:
Với kiến thức học được từ khoá bào chế đông dược ở Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh (Hà Nội) và được sự cố vấn của Tiến sĩ Ngô Đức Phương - Viện trưởng Viện Khoa học thuốc Nam, chị Huê đã thành công trong việc chiết xuất tinh dầu từ thiên niên kiện, điều chế ra cao xoa bóp massage thiên niên kiện, không cần methanol nhưng vẫn hỗ trợ giảm đau mỏi vai gáy, giảm đau xương khớp.
Đặc biệt, với hương thơm nhẹ nhàng, phảng phất mùi núi rừng đặc trưng của thiên niên kiện, loại cao này còn được sử dụng như một dạng nước hoa thiên nhiên khô hỗ trợ điều trị trầm cảm, giảm căng thẳng và xua đuổi côn trùng.
"Trong quá trình khảo sát và gửi mẫu đi kiểm định, chúng tôi phát hiện các loại thảo dược ở các cánh rừng thuộc xã Trà Giáp và trên địa bàn huyện Bắc Trà My có chứa nhiều tinh dầu có hàm lượng dược chất khá cao. Không phải ngẫu nhiên mà Sở NN&PTNT công nhận rừng quế ở thôn 4 chúng tôi là giống quế trội bởi hàm lượng dược aldehyde cinnamic đạt tới 95%. Hàm lượng linalool trong thiên niên kiện có mặt ở Trà Giáp đạt tới 69,5%, trong khi ở các vùng khác chỉ khoảng từ 40 - 55%" - chị Huê chia sẻ.
Liên kết chuỗi giá trị
Khoảng tháng 5/2023, chị Huê phối hợp cùng một số người dân địa phương có chuyên môn về dược liệu thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông sản và dược liệu Bản Boa để đầu tư mở rộng mô hình sản xuất các sản phẩm từ cây thiên niên kiện và các loại thảo dược khác trên địa bàn xã Trà Giáp và huyện Bắc Trà My. Hiện hợp tác xã này đã ra mắt thị trường 2 dòng sản phẩm cao thiên niên kiện và tinh dầu thiên niên kiện.
Chị Huê cho biết: "Do ở một địa phương miền núi nên mình gặp nhiều trở ngại trong quá trình kinh doanh sản phẩm. Thế nhưng nhờ sự hỗ trợ của các thành viên HTX, chính quyền địa phương giới thiệu tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm đã được nhiều người biết đến. Cạnh đó, HTX Bản Boa cũng quan tâm đến các kênh thương mại điện tử, tìm cách livestream bán hàng nên thị trường ngày càng được mở rộng".
Hàm lượng linalool trong thiên niên kiện ở Trà Giáp đạt tới 69,5%, trong khi các vùng khác chỉ đạt khoảng 40 - 55%.
Chị Nguyễn Thị Huê - HTX Bản Boa, Bắc Trà My
Hiện nay, cùng với bán lẻ online khoảng 10 lít tinh dầu và 100 hộp cao hằng tháng, chị Huê còn cung cấp nguyên liệu khô thiên niên kiện cho các công ty sản xuất dược phẩm. Một lọ tinh dầu 10ml hay một hộp cao 10gram có giá thành 150 nghìn đồng.
Hợp tác xã đã liên kết với 10 hộ dân trên địa bàn xã Trà Giáp với gần 20ha để trồng thiên niên kiện dưới các vườn cây ăn trái. Theo kết quả thí điểm tại một mô hình ở tỉnh Thanh Hoá, khoảng 2 năm, 1m2 sẽ cho thu hoạch được 2kg củ thiên niên kiện tươi.
"Thiên niên kiện là loại cây mọc dưới tán rừng kín lá, vì vậy chúng tôi vẫn đang khai thác trong tự nhiên. Nhằm bảo tồn nguồn gen và tránh việc khai thác tận diệt, HTX Bản Boa thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dân trước khi vào rừng khai thác, chỉ hái củ già, lấy bộ phận có hàm lượng dược chất cao nhất, giữ lại phần lá sát thân củ để cây tiếp tục sinh trưởng chứ không nhổ cả cây như trước đây" - chị Huê chia sẻ thêm.
[VIDEO] - Chị Nguyễn Thị Huê chia sẻ về các kế hoạch phát triển chuỗi liên kết giá trị sắp tới:
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch UBND xã Trà Giáp cho biết, thời gian qua, địa phương đã tạo mọi điều kiện để chị Nguyễn Thị Huê tổ chức thực hiện các mô hình kinh tế. Trong đó, ưu tiên cho HTX Sản xuất nông sản và dược liệu Bản Boa thuê sử dụng dãy phòng học đã hết công năng của Trường Tiểu học Trà Giáp (phân hiệu thôn 2) để hoạt động sản xuất.
"Địa phương cũng giới thiệu, hướng dẫn chị Huê tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp của tỉnh năm 2023 và đạt giải 3.
Với mô hình liên kết chuỗi giá trị trồng thiên niên kiện với người dân của chị Huê, thời gian tới, địa phương sẽ nghiên cứu hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo để dự án có điều kiện phát triển hơn nữa" - ông Phụng nói.