Góc suy ngẫm

Thao thức "tình anh bán chiếu"

NGUYỄN ĐIỆN NAM 20/10/2024 07:42

Vừa qua, việc thu hồi bằng công nhận làng nghề truyền thống sau 20 năm cấp cho làng dệt chiếu An Phước (Duy Phước, Duy Xuyên) là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng từ đây lại dậy nỗi niềm thao thức cho sự sống còn của bao làng nghề truyền thống trước cơn biến động đời sống.

Không phải đợi khi soạn giả Viễn Châu dựng lên bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” năm 1959 và giọng ca NSND Út Trà Ôn làm thổn thức bao con tim, chiếc chiếu và nghề dệt chiếu thực ra đã gắn với đời sống người Việt cả hàng trăm năm.

Trên vùng đất mở Quảng Nam, theo bước chân Nam tiến của các bậc tổ phụ người Thanh – Nghệ, nghề dệt chiếu đã sớm du nhập, hình thành theo các rẻo đất bàu đầm ven sông.

Phía bắc tỉnh là ven sông Thu Bồn, Trường Giang, qua Hội An, Trà Nhiêu, Bàn Thạch, rồi đi dần về phía nam, gặp gỡ ở Thạch Tân (Tam Kỳ), nghề chiếu truyền thống có tuổi bằng hành trình mở đất lập làng.

Làng nghề dệt chiếu An Phước đã nói cũng lưu truyền câu chuyện ông tổ gốc quê Thanh Hóa mang theo cây lác (cói) cùng đoàn quân đi mở cõi để đến đây phát triển nghề dệt chiếu.

Hay như phía đông Duy Xuyên, ở giữa ba sông Thu Bồn, Ly Ly và Trường Giang đã hình thành làng chiếu Bàn Thạch. Các tổ nghề từ đất Bắc vào đây, thấy đất đai ven sông trù phú nên lập làng, cải tạo đất trồng cói, hình thành nghề dệt chiếu từ thế kỷ 16.

Theo dòng chảy thời gian và đời người, chiếc chiếu gắn với nếp sinh hoạt từ nơi sang trọng đến nơi dân dã. Nhà tre chiếu cói vẫn vòi vọi mảnh trăng treo nơi làng quê, để “sáng trăng trải chiếu đôi hàng/bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ”.

Chiếu gắn với tuổi ấu thơ, với người già, và cả khi có người từ giã về bên kia thế giới thì đường âm dương cách trở cũng mấy lần trải chiếu nghỉ cho người tiễn hương linh đi.

Còn ở nơi nhà giàu sắm đôi chiếu bông, chiếu hoa, là để đón những người sang qua đàng trà rượu, hoặc cả khi cưới cũng chọn người trải chiếu phòng the sao cho “mắn đẻ” con đàn cháu đống.

Đời sống, văn hóa gắn với chiếc chiếu nên nghề chiếu xưa có thời hưng thịnh. Ngay đến thời bao cấp, quãng những năm 1980 của thế kỷ trước, làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch phát triển mạnh, sản phẩm được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu.

Các hộ nghề chiếu làm không hết việc, đủ tiền nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa. Cánh đồng cói ở Duy Vinh có thời điểm rộng đến 100ha, Bàn Thạch có gần 400 hộ làm nghề, nhưng rồi do biến động thị trường dần thu hẹp, chỉ còn khoảng một phần mười. Chiếu công nghiệp, chiếu tre, trúc, rồi các loại đệm, nệm sang trọng đã đẩy chiếu cói vào tình thế chỉ còn biết hoài niệm về một thời vang bóng.

Từ chiếc chiếu và nghề chiếu, nghĩ rộng ra những nghề truyền thống mà ông cha để lại cũng đối diện nguy cơ mai một. Hiện tại thì có 10 nghề truyền thống và 30 làng nghề được công nhận, nhưng cuộc mưu sinh lận đận sẽ khiến những người trẻ khó theo để giữ nghề, để những giá trị tinh hoa nghề xưa như chỉ mành treo chuông.

Ngay cả những phường thợ nổi tiếng, nào trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều, rồi mộc Văn Hà… mãi thao thức tìm lối ra mà vẫn không dễ, thì nghề làm “sụt bệ lò rèn” càng khó khăn bội phần. Bởi trước hết là nhu cầu về sản phẩm thay đổi, tiếp đến là những nghề thủ công chưa chuyển theo kịp trào lưu mới khi muốn tồn tại phải cần gắn với du lịch, với dịch vụ, với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa…

Giữa ngã ba đầy sóng phế hưng, muốn dựng lại làng nghề luôn cần sự trao truyền tinh hoa qua các thế hệ, cần hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, cần cả việc tìm chỗ đứng trong dòng chảy thị trường.

Không được thế thì phải ôm nỗi ngậm ngùi giống như anh bán chiếu, mà ca rằng: “Cô ơi, đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lác, sợi gai. Nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã rời bỏ quê nhà qua xứ khác. Tôi đứng trước cổng vườn xưa với nỗi buồn man mác, còn đôi chiếu này tôi biết tặng cho ai?”.

NGUYỄN ĐIỆN NAM