Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Ngành GD-ĐT Quảng Nam cần sự quan tâm, chăm lo hơn nữa để phát huy truyền thống, đưa giáo dục phát triển mạnh mẽ
(QNO) - Sáng nay 19/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh; lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hội trường UBND tỉnh kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu của UBND 18 huyện, thị xã, thành phố.
Nhiều kiến nghị, đề xuất
Ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, đây là cơ hội hiếm có để đội ngũ ngành giáo dục nêu lên những tâm tư, nguyện vọng; trình bày các đề xuất, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, quy mô giáo dục Quảng Nam ở tốp 10 cả nước với 725 trường công lập và 70 trường ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn chưa đáp ứng; một số chế độ, chính sách đối với nhà giáo và hỗ trợ cho học sinh (HS) theo quy định còn thấp so với nhu cầu.
“Chính phủ nên có chương trình mục tiêu quốc gia đối với ngành GD-ĐT (như ngành văn hóa) để phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Hiện nay đầu tư mỗi nơi mỗi khác, ví dụ Quảng Nam 30 tỷ đồng mua sắm thiết bị được coi là cao nhưng tỉnh khác 100 tỷ đồng vẫn xem là thấp” - ông Tường nói.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường sư phạm đào tạo giáo viên (GV) mầm non, tiểu học, GV một số bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật ở các cấp học do không có nguồn để tuyển dụng. Cần có chế độ, chính sách tiền lương đối với viên chức quản lý, GV, nhân viên ngành GD-ĐT hợp lý.
Đối với tỉnh, ông Tường đề nghị cần thực hiện đúng chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, những quy định của Trung ương nên thực hiện ngang bằng chứ không thấp hơn như tỷ lệ GV/lớp; đồng thời cần có chế độ chính sách giữ chân GV đồng bằng lên công tác miền núi…
Tại hội nghị có 17 ý kiến cử tri đại diện cho các trường THPT, phòng GD-ĐT, UBND TP.Tam Kỳ nêu lên những bất cập, hạn chế trong thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh.
Thầy giáo Lê Viết Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết, nhà trường gặp vướng mắc trong xác định số lượng HS hưởng kinh phí hỗ trợ ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho HS đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa qua đăng ký môn thi tốt nghiệp, nhiều môn có 10 HS, thậm chí có môn chỉ vài HS đăng ký. Do đó, số lượng lớp ôn tập sẽ nhiều hơn số lớp học, trong khi quy định Nghị quyết 36 HĐND tỉnh quy mô 35 HS/lớp. Hơn nữa, quy định áp dụng cho HS dân tộc thiểu số, trong khi trường có HS người Kinh (tuyển 17 HS mỗi năm), tất cả chính sách đều hưởng, nhưng đến lớp 12 khi ôn tập thi tốt nghiệp THPT không có.
Ông Lê Cao Lan – Trưởng phòng GD-ĐT Thăng Bình kiến nghị Thông tư 20 của Bộ GD-ĐT quy định bình quân HS/lớp để phân đội ngũ GV nhưng thực tế có trường có 60-70 HS khối THCS buộc chia 2 lớp nên đề nghị phân bổ GV hợp lý.
Vấn đề tuyển dụng viên chức giáo dục cũng gây khó khăn cho các địa phương. Theo ông Lan, tỉnh giao tuyển viên chức cho huyện song thực tế thi tuyển rất tốn thời gian, kinh phí nhưng số ảo rất nhiều do đăng ký thi ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng bỏ việc, tuyển thiếu chỉ tiêu.
“Đề nghị giao cho Sở GD-ĐT tổ chức thi chung cho cả tỉnh để đỡ tốn kinh phí, thời gian, tăng hiệu quả” - ông Lan đề xuất.
Có một số ý kiến đề nghị không tinh giản biên chế đối với khu vực miền núi, dân tộc thiểu số; việc giảm biên chế không phù hợp với ngành GD-ĐT vì “ở đâu có HS ở đó có GV” trong khi địa phương đang thiếu. Cử tri băn khoăn việc biệt phái viên chức làm việc tại phòng GD-ĐT do biên chế quá ít, không đủ người làm việc…
Cần vào cuộc đồng bộ
Giải trình các kiến nghị, ông Lưu Tấn Lại – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết biên chế giáo dục vẫn còn thiếu so với quy mô trường lớp và hiện Sở GD-ĐT cùng các ngành chức năng đang xây dựng dự thảo để điều chỉnh Quyết định 2428 của UBND tỉnh.
UBND tỉnh đã có quyết định phân cấp quản lý, tuyển dụng GV, giao cho các địa phương chủ động và thực tế các địa phương thực hiện khá tốt, đến nay có 9 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng được phê duyệt. Về cơ chế giữ chân GV miền núi, Sở Nội vụ đang phối hợp xây dựng đề án, tham mưu trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2024.
Liên quan đến vấn đề biệt phái viên chức sang làm công chức, ông Lại thừa nhận chỉ tiêu biên chế phòng GD-ĐT thấp, không đáp ứng công việc; sắp tới sẽ tham mưu UBND tỉnh có quyết định biệt phái.
Bà Phan Thị Thanh Thảo – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng chính sách ôn luyện thi tốt nghiệp THPT cho HS đề nghị trường học sắp xếp lớp phù hợp.
Liên quan đến nhóm ý kiến kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, hàng năm ngành tài chính và giáo dục phối hợp đề xuất, bố trí kinh phí kịp thời. Hiện nay chưa có quy định cấp kinh phí hỗ trợ sách giáo khoa cho HS dân tộc thiểu số.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, cần phân rõ trách nhiệm của địa phương, sở, ngành để tham mưu cho UBND tỉnh; trong đó cần cụ thể cái gì thuộc trách nhiệm của tỉnh tháo gỡ, cái gì kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ xem xét.
5 nhiệm vụ lớn của ngành
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thời gian qua Quảng Nam rất chăm lo sự nghiệp GD-ĐT, thể hiện qua sự đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ; thành lập hai trường THPT chuyên (Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông).
Những năm qua, kết quả đạt được về các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế ngày càng nâng cao, đặc biệt là thành tích đoạt huy chương bạc Olympic quốc tế môn Hóa học năm học 2023 – 2024 của Đỗ Phú Quốc (Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) được UBND tỉnh thưởng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sự nghiệp GD-ĐT Quảng Nam cần sự quan tâm, chăm lo hơn nữa để phát huy truyền thống, đưa giáo dục phát triển hơn nữa.
Việc tổ chức hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ quản lý, giáo viên về chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến ngành giáo dục. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ tập trung giải quyết; còn các kiến nghị liên quan đến chủ trương, chính sách sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét”
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến 5 việc lớn đòi hỏi các sở, ngành, nhất là ngành GD-ĐT cần quan tâm. Đó là chăm lo cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị, xây dựng trường chuẩn thật sự có chất lượng
Sở GD-ĐT chủ trì xây dựng đề án chi tiết xây dựng trường chuẩn THPT; các địa phương chăm lo các bậc học còn lại. “UBND tỉnh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa nhiều hơn, trong giai đoạn tới tăng thêm từ 30% trở lên so với hiện tại để tạo ra sức bật” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng khẳng định.
Về tổ chức bộ máy, đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh phải đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lý, trường học, tuyệt đối không để thiếu; đồng thời, tính toán lại tỷ lệ GV/lớp theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Thực hiện chế độ, chính sách cũng đúng quy định Trung ương, đừng vì khó khăn của ngân sách mà o ép chỗ này, chỗ kia.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng thống nhất quan điểm sách giao khoa phải hỗ trợ cho HS dân tộc thiểu số, nhưng lưu ý tính thiết thực, hiệu quả. Tương tự, tỉnh chủ trương miễn học phí nhưng không vì thế mà giảm nguồn ngân sách, phải đảm bảo nguồn kinh phí cho trường học hoạt động.
“Toàn ngành phải chú ý xây dựng trường học thật sự thân thiện, tránh tình trạng bạo lực học đường. Vừa qua có trường hợp phụ huynh vào trường đánh HS hay bảo vệ nhà trường dắt xe HS ra ngoài sân để nhà xe cho GV để xe, không thể chấp nhận được” - đồng chí Lê Văn Dũng lưu ý.