Truyện ngắn

Mụ đồng nát

HỒ LOAN 20/10/2024 10:30

DĨ nhiên là không có ai, chắc chắn không có ai. Ngoài ông ra không một ai vào căn phòng ni. Đừng nói vào phòng, mà ngay bậc thềm cũng không. Ông đi đi lại lại, cố lục nát bộ óc để suy nghĩ xem có thể là ai mới được. Là ai?

truyen.png
Minh họa: VĂN TIN

Sau mấy trận Covid, mọi thứ dường như lệch chuẩn. Trí nhớ là phần hao tổn nghiêm trọng nhứt. Ông mang kính trên mắt vẫn lúi húi tìm kính, vắt khăn tắm trên vai lại ra sức lục lọi giá đồ tìm khăn. Kinh khủng hơn, ông ngồi uống cà phê hàn huyên với nàng, một nàng thơ đang được chú ý, thậm chí ăn trưa cùng nhau.

Nhưng hầu như suốt buổi gặp gỡ dài và thân tình đó, ông đã gọi nàng bằng một cái tên khác. Thật điên rồ. Ông chỉ phát hiện ra điều đó khi tối về, một người bạn đã gọi điện hỏi về dự án vừa hoàn thành, luôn tiện vui miệng nhắc đến nàng, dĩ nhiên với một cái tên hoàn toàn xa lạ. Ông đơ người. Quỷ tha ma bắt ông đi!

Các con ông muốn lắp camera nhưng ông gạt phăng. Ông ghét cái cảm giác bị ai đó nhòm ngó sự riêng tư. Ngay cả mạng xã hội ông cũng rất ít đăng trạng thái và những hoạt động, trái ngược với những thành tựu ông đã tạo ra.

Ngôi nhà ông ở là đất cha mẹ. Một mảnh đất vuông vức đẹp đẽ nằm sâu trong ngõ nhỏ. Các con thành danh và định cư ở thành phố triệu dân, vợ ông chọn cho mình “thành phố đáng sống”. Dĩ nhiên, thành phố đáng sống thì cũng triệu dân rồi, nhưng bà ấy tôn thờ chủ nghĩa xê dịch, các con và ông tôn trọng điều đó.

Hơn nửa đời người lo cho chồng con, giờ bà ấy toàn quyền được sống cho riêng mình. Ông thì thế nào cũng được, không phản đối, không quá hưởng ứng. Ông rút về quê, sửa sang ngôi nhà cũ cha mẹ để lại.

Ban đầu, ông tậu được kha khá hoa hòe cây cảnh, bàn trà nhâm nhi mỗi sáng. Từ cái không gian đầy mơ mộng đó, hàng loạt tác phẩm tốt ra đời. Không ai nghĩ ông từng là một quân nhân, ông lại có cái sang trọng của một doanh nhân và tâm hồn đầy chất nghệ sĩ.

Những dự án lớn cuốn ông ra khỏi không gian nhỏ xinh. Buổi tối về muộn, chỉ kịp thay đồ thả lưng lên chiếc giường lạnh ngắt hơi người. Buổi sáng chóng vánh lướt qua khuôn sân nhỏ, kịp tiếc nuối một chậu bông bị sâu bệnh.

Bàn trà dưới tán lộc vừng lâu rồi không ai ngồi, từng lớp hoa rụng dày, xơ xác lá và bụi đường. Ông tặc lưỡi, cố nốt dự án này. Giọng cô thư ký lanh lảnh, em nhắc anh rồi, chiếc phong bì em kẹp trong hồ sơ, khéo quên! Dặn đi dặn lại rồi. Anh thiệt là…

Nhưng chiếc phong bì và mớ hồ sơ ấy bây giờ ở đâu? Giá nó chỉ là của riêng ông thì không phải khổ sở lục lọi đầu óc, đằng này, ông tuyên bố sẽ chia đều cho cả nhóm. Mà ông cũng chưa mở ra, không biết nó là bao nhiêu.

Sau buổi tiệc mừng khánh thành, chủ dự án trịnh trọng gửi ông một phong bì dày, gọi là phần thưởng cho những gì ông đã cống hiến. Một vài chi tiết không phù hợp đã được ông xử lý khéo léo giúp chủ rất hài lòng.

Bữa đó ông say khướt, lần đầu sau rất nhiều năm không dùng đến bia rượu. Có lẽ do sự hào phóng của nữ doanh nhân khiến ông cảm kích, cũng có thể do một xúc cảm nào đó khiến ông phiêu vượt giới hạn của mình. Mà có là vì lý do gì thì thứ ông quan tâm lớn nhất bây chừ là chiếc phong bì.

Ông đi ra đi vào, bóp trán suy nghĩ. Thật ra ông có thừa khả năng trích hầu bao chi cho anh em, nhưng vấn đề không đơn giản, ông cần biết trong chiếc phong bì ấy có bao nhiêu để còn tính.

Chiếc điện thoại réo từng hồi chuông dài khiến ông giật mình, ông sợ những cuộc gọi của cộng sự lúc này. Nếu bắt máy, sẽ giải thích thế nào về sự chậm trễ tiền thưởng mà mọi người đều biết. Còn không bắt máy, hóa ra ông là tên lưu manh ăn xương máu của anh em.

Ông điên mất. Ông thừ người ra tìm kế hoãn binh. Ông đi tới đi lui tìm phương án. Nhấc điện thoại gọi lại cho thư ký, em nhờ người thăm dò xem trong chiếc phong bì có bao nhiêu được không, anh hết cách rồi. Em dò hỏi rồi nhưng họ nói đó là nguyên tắc làm việc, mọi thứ tuyệt mật, giọng thư ký chùng xuống.

Ông suýt văng tục qua điện thoại, kịp kìm lại, hai tay ông ôm lấy đầu bất lực. Anh nhớ kỹ lại xem, có ai vào dọn nhà không, chứ không thể nào vô lý vậy được.

Ông vồ lấy chiếc điện thoại đang phát bằng loa ngoài nằm trên bàn. Hả, hả, dọn nhà, dọn nhà à? À, thôi chết rồi! Ông mừng quýnh khi bật nhớ ra mụ đồng nát, phải rồi, là mụ đồng nát.

Hôm đó ông đang ở nhà thì mụ ngang qua, thấy ông xớ rớ bên mấy chậu kiểng liền dừng lại bắt chuyện. Mụ khoe chiếc áo với đôi giày hôm bữa ông cho, cậu con trai mụ mang vừa khít rất thích, mà đồ ông toàn đồ xịn, cả đời chẳng bao giờ mơ sắm được.

Nói rồi mụ nhìn ra vạt đất, nói em mà được miếng đất như ông, em tha hồ trồng rau trồng cỏ. Ông hừ, bảo rau thì trồng, chứ ai lại trồng cỏ. Mụ cười tỏn tẻn, chỉ ra vạt rau sát tường rào, hôm em dọn cỏ vườn, sẵn đất tơi, em cắm luôn ít cải với mớ hạt bông, chắc khuất tầm ông không để ý, ông ra coi thử đi. Rau sắp hái vô ăn mì tôm được rồi. Còn mấy cây bông cũng sắp nở, mai mốt nhổ vô để bàn thờ, đỡ được biết bao nhiêu là tiền.

Ông bật cười, chi chứ bông cúng bàn thờ ông làm gì thiếu tiền mà phải đi trồng. Nhưng trông mụ tha thiết quá, ông cũng dướn mắt nhìn theo cho mụ vui lòng. Sẵn ông nói mụ dọn dẹp giúp chỗ đất cát rơi vãi khi xê dịch mấy chậu cây, nhổ cỏ quanh sân vườn. Ông trả công rất hậu, còn hào phóng cho hẳn mụ một thùng giấy vụn.

Thôi chết rồi, cái thùng giấy vụn… Ông cuống cuồng lục tìm số điện thoại. Chẳng đời nào ông lưu tâm một mụ đồng nát, làm sao có số mụ ta được. Biết tìm mụ ở đâu bây chừ? Ôi kể cũng cả tuần rồi chứ ít ỏi chi. Một tuần đủ để người ta phi tang hết mọi chứng cứ liên quan tới chiếc thùng các tông. Thường thì mùa mưa đồng nát hay bị rớt giá, họ gom lại ra tết bán kiếm thêm, chắc mụ ta không ngoại lệ đâu. Mình thử tìm đến nhà, biết đâu…

Ông gật gù, thấy cũng có lý. Ông thừa biết tính cẩn thận chi li của mụ ta. Nhớ đận ông vứt cho nguyên thùng giấy lộn, mụ ta về lượm để riêng những tờ A4 còn mới nguyên trả lại. Với tính cách đó, hẳn nhiên phải nhận ra chiếc phong bì. Nhưng cả tuần rồi mụ ta không bén mảng tới khu ông.

Tìm được nhà, ông lượn đủ ba vòng. Từ sáng đến chiều tuyệt nhiên ngôi nhà cứ khép im ỉm. Miếng bìa gỗ gác ngang làm cổng như khẳng định chủ quyền, con chó nhỏ phủ phục trước thềm hiên, hõm xương nhô lên kiêu hãnh cùng đôi mắt nhìn đời hờ hững. Ba hôm ròng đều đặn vẫn không thấy mụ đồng nát đâu. Ông dụi điếu thuốc xuống mũi giày thở hắt ra, đúng là biết người, biết mặt, nhưng không biết lòng.

Mà ông đã “biết người” gì đâu nhỉ, ngoài vài bận mụ ghé hỏi mua đồng nát, thì ông toàn cho cả. Mụ lại xun xoe khen cái đồ ni đẹp, cái cây ni hay, kiểu rất am hiểu. Chà, con mụ là sinh viên cơ đấy, thì mụ cũng là mẹ sinh viên hẳn hoi, phải mở mang tầm hiểu biết đặng còn đối đãi với dâu con kẻo chúng khinh con mình, ấy là mụ nói vậy.

Lúc đó ông đã cười khà khà. À thiệt ra ông cũng chẳng rỗi hơi mà dông dài với mụ. Nhưng nghe mụ khoe thằng con học kiến trúc và thế quái nào nó lại biết ông, kể vanh vách những thành tựu của ông cho mẹ nó nghe, thành ra ông là “ây đồ” của cả mẹ con mụ. Ông nghe sướng hết cả người. Trong khi ở cái giới của ông, người ta kiệm những lời khen, kiệm cả những xã giao thông thường về nghề.

“Biết mặt” ư? Ông nhớ lại khuôn mặt bé choắt, dáng người lút cút, cả cái tướng đi lom khom khắc khổ. Ông cũng là kẻ biết nhân tướng học chút chút, sao không nhận ra nét giả dối trên cái môi mỏng lét, đôi mắt nhỏ ti hí.

Ông nằm dài, nghĩ đến đoạn mụ tiêu tiền của ông, người cứ phừng phừng, mệt quá ông nằm thiếp đi. Tiếng gõ cửa dè dặt khiến ông giật mình đánh thót. Ngôi nhà chìm trong bóng tối nhập nhoạng, ông ngồi bật dậy, tay quờ tìm công tắc điện theo phản xạ. Ai đó? Dạ, em đây! Ông dụi dụi mấy cái như không tin vào mắt mình. Mụ đồng nát!

Trước mặt ông là một khuôn mặt trắng bệch, hai tay mụ run lên, à không, cả người mụ run lên, môi va vào nhau. Em, em lượm được cái ni trong thùng các tông, em mang trả ông. Mấy hôm ni bà già bịnh em về quê, sáng ni dọn đồ đi cân mới thấy.

Lần đầu thấy nhiều tiền em sợ quá. Em thề không lấy một đồng, ông không tin đếm lại đi, ông đếm lại đi! Nói rồi mụ dúi vội vào tay ông, một tay tựa trụ xi măng từ từ ngồi xuống, thở hắt.

Chưa khi nào ông thấy mình tồi tệ và hèn hạ như vậy. Ông cúi gằm mặt hồi lâu. Bấy lâu nay ông vẫn tự tin vào khoản nhân tướng học, nay thì coi như mình đã đốt sách trong phút chốc. Một cuốn sách mà nội dung ông không ngờ tới…

HỒ LOAN