Hương khế trong vườn
Những ngày se lạnh, bà làm mứt khế, tôi thường chẳng chơi xa, chỉ thích được như chú gà con quanh quẩn rúc vào đôi cánh của gà mẹ trong gian bếp thơm mùi tro ấm.
Tôi chờ bà sai vặt, lăng xăng phụ giúp việc này việc kia, phần khác thấy hãnh diện khi được bà tin tưởng nhờ nếm thử những lát mứt khế bé xíu đầu tiên.
Cây khế chua nơi góc vườn nhà không cao lắm, lá màu xanh đậm, mỗi năm ra hoa, trổ quả hai lần. Khi trời chuyển mưa nhiều, những chùm khế bắt đầu tích nước, rơi rụng đầy gốc, thu hút lũ côn trùng đêm ngày bay đến vo ve. Thỉnh thoảng, tôi thấy bà ra vườn, ngó nghiêng lên những chùm khế mẩy tròn, lúc lỉu.
Khi những cơn mưa lê thê dừng lại, không gian tạnh ráo, khu vườn cũng dần được hong khô, bà sẽ “ra tay” dọn dẹp lại cây cỏ để chuẩn bị cho vụ gieo trồng hoa màu mùa cận Tết.
Đầu tiên, bà nhặt đám khế rụng đang bốc mùi chua nhẹ cho hết vào bao. Tiếp đó, bà dùng rựa phát quang lá, cành vì mưa lâu ngày đang trĩu xuống. Sau cùng, bà nâng niu, cẩn trọng hái xuống những chùm khế ươm vàng, thấp mé đỉnh đầu, mang vào nhà chuẩn bị làm món mứt khế cho con cháu nhâm nhi suốt mùa mưa.
Để làm mứt, những trái khế còn xanh hoặc quá chín đều bị loại bỏ. Bà đem ngâm những trái khế ươm vàng vào hỗn hợp nước vôi loãng rồi để qua đêm. Sáng mai ra, khi trời vừa phủ xuống sân tấm voan nắng màu vàng nhạt, bà sẽ kê một chiếc ghế con bên cạnh thau nước rồi tỉ mẩn gọt viền, chẻ khế dọc theo từng múi, sau đó rửa lại thật sạch.
Để ép bớt nước chua, bà lau sạch mặt ngoài của một chiếc chai thủy tinh rồi chà đi chà lại trên từng múi khế. Khi nước khế tươm ra, thịt khế cũng đã ráo hơn, bà cho vào chậu rồi trộn với đường. Bà phủ lên mặt chậu một tấm màn tuyn mỏng để tránh ruồi nhặng rồi đem mẻ khế ra sân, lần nữa đặt dưới nắng chờ cho đường tan ra.
Rim khế có lẽ là công đoạn quan trọng, lắm công phu nhất. Để mứt thấm đều, bà kiên nhẫn xáo trở mẻ khế đã bắt đầu dậy mùi thơm. Bà giữ nhịp chậm rãi, đều đặn tránh làm bấy từng múi khế mỏng manh.
Bà dặn: “Muốn khế không bị cháy, tẩm thấm vị đường thì người đứng bếp là phải giữ lửa liu riu. Nếu lửa to đường sẽ nhanh chóng keo lại rồi cháy khét trong khi những múi khế vẫn chưa đủ độ hòa quyện, dẻo dai”.
Khi mứt trở màu cánh gián, bà cho thêm một ít gừng băm nhỏ để gia tăng hương thơm và độ ấm, giúp cháu con bớt xót ruột trong những buổi đông hàn.
Từng thưởng thức qua nhiều món mứt nhà làm nhưng món mứt khế của bà mang đến cho tôi hương vị thật khác biệt. Nếu mứt gừng có vị cay, mứt đu đủ và cà rốt ngọt sắc, mứt dừa non dẻo béo, thì món mứt khế lại có vị ngọt dịu pha lẫn chua thanh. Điều khiến tôi thích thú nhất còn là dư vị bùi dẻo dính vào chân răng từ những hạt khế sót lẫn trong những múi khế trong veo.
Sáng nay, tôi thấy lưng bà hình như đã còng thêm một đoạn, những chùm khế trong vườn vì thế bỗng cao hơn tầm với cánh tay bà…