Cùng Han Kang tìm hiểu con người
Giáo sư Mats Malm - thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển nói, bà Han Kang được vinh danh tại Nobel Văn học 2024 bởi: “Văn xuôi và thơ của bà đều rất mãnh liệt khi đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”.
Han Kang, nhà văn nữ sinh năm 1970 tại Gwangju, hiện sống tại Seoul, Hàn Quốc. Sự quan tâm với văn học Hàn Quốc ngày càng tăng khi Han Kang giành được giải Booker năm 2016 và đến năm 2024, khi bà đoạt Giải Nobel Văn học thì sự quan tâm tới các tác phẩm của Han Kang ngày càng tăng.
Tại Việt Nam, có 3 cuốn sách của Han Kang được dịch sang tiếng Việt: “Người ăn chay”, “Trắng”, “Bản chất của người”.
Người ăn chay
Cuốn “Người ăn chay” kể về một người phụ nữ sau một đêm nằm mơ, những giấc mơ đầy kịch tính và liên quan tới những sự vụ khiếp đảm kinh sợ nhất của con người như sát hại… Cô tỉnh giấc và quyết định vứt bỏ toàn bộ những gì liên quan tới thịt: gồm thịt lợn, cá, trứng… ra khỏi tủ lạnh và những ngày sau đó cô chỉ ăn rau củ quả để sống.
Yeong Hye - một cô gái lớn lên với những trận đòn bằng báng súng của người bố cho tới 18 tuổi. Sau đó cô được một người đàn ông chọn lấy làm vợ chỉ vì trông cô luôn bình thản, cam chịu, làm đúng bổn phận của một người vợ như chăm lo cơm nước cho chồng, và chịu đựng xác thịt…
Mọi việc ổn cho đến khi cô luôn có những giấc mơ ám ảnh như mình là một kẻ thủ ác, hoặc một ai đó với những nhát cuốc, khiến cho cô không muốn ngủ vào ban đêm, cô luôn thức với ánh mắt mở trừng trừng. Dần dần cô trở thành kẻ dị biệt khiến gia đình và người chồng cảm thấy cô không thể thích nghi với đời sống “bình thường”.
Gia đình vì lo lắng cho sức khỏe và hạnh phúc của cô nên đã ép cô ăn thịt, bố đã cầm miếng thịt nhét vào miệng cô một cách thô bạo. Khi bị bố đối xử thô bạo như ông vẫn luôn từng, Yeong Hye đã tự sát bằng dao, và phải vào viện cấp cứu. Nhiều bi kịch sau đó xảy ra.
Về sau Yeong Hye chịu để cho người anh rể vẽ những bông hoa, những cây cỏ lên người và cô cảm thấy dễ chịu, thấy đời sống của mình có lẽ thuộc về thế giới ấy. Kết thúc, Yeong Hye phải ở trong viện tâm thần, cô từ chối uống thuốc, từ chối duy trì sự sống bằng hình thức truyền thức ăn qua đường xông.
Kết mở cho thấy “Người ăn chay” không đơn thuần chỉ là chuyện tranh luận ăn chay hay ăn mặn, mà sâu trong đó những tổn thương gây hại tới tâm lý và sự không được hiểu vấn đề sâu xa, bởi mỗi khi ai hỏi Yeong Hye là sao cô ăn chay khi cơ thể cô yếu ớt thế kia, cô nói: “Vì em mơ, vì tôi mơ”...
Nhưng cô mơ cái gì, mơ như nào, thì không ai muốn nghe, muốn biết, muốn hiểu. Họ chỉ muốn gạt phắt đi, chỉ biết rằng đang có một kẻ dị biệt, tâm thần trong gia đình mình, trong xã hội mình… Sự bạo hành bởi thói gia trưởng của người cha tới người chồng khi muốn vợ phục tùng mình để thỏa mãn và quan trọng hơn là thái độ của người phụ nữ khi đối mặt với những vấn đề trên.
Hiện thực và huyền ảo
Không ồn ào nhưng Yeong Hye - nhân vật trong “Người ăn chay” vẫn có cách giải quyết riêng của mình cho dù vẫn cam chịu nhưng thực ra là cả nghìn cơn bão lòng, và những giấc mơ mang màu sắc sát nhân…
Yeong Hye cuối cùng chỉ muốn mình là cây chuối, sống bằng ánh sáng mặt trời. Một câu chuyện xót xa, mang màu sắc “dark”, hiện thực đen tối nhưng có chút huyền ảo, là những phong cách mà Han Kang sử dụng để biểu hiện những quan điểm của mình.
Tác phẩm “Trắng”, “Bản chất của người” lại là một góc nhìn khác, tiến xa hơn, và gay gắt, thấm đẫm những số phận đau đớn, bi thương của cá nhân và của một lớp người trong xã hội thời đó. Độc giả có thể tìm đọc hoặc chờ đợi các nhà xuất bản Việt Nam sẽ tái bản ít nhất là ba tác phẩm trên của Han Kang.
Nhiều độc giả Việt Nam cho rằng, đã lâu lắm mới có một tác giả đương đại như Han Kang mà khi đọc tác phẩm có thể đọc một cách thông suốt và nhanh hết như vậy.
Có những độc giả đã đọc một lèo hết 3 tác phẩm của bà. Đây là điều khá ngạc nhiên vì gần đây, các tác giả đương đại khá khó đọc. Nhưng ở Han Kang lại khác, cho dù có thể gu của Han Kang thuộc thể sách khá nặng nề về nội tâm, nhưng qua đó là những tấm gương phản chiếu số phận đời người, đâu phải lúc nào cũng êm đềm đẹp đẽ. Bà Han Kang cũng cho biết có thể những tác phẩm sau của bà sẽ “nhẹ nhàng” hơn một chút.
Hy vọng các tác phẩm của Han Kang sẽ được dịch thật nhiều sang tiếng Việt để độc giả có thể dễ dàng tiếp cận và thưởng thức một nữ tác giả thông minh, nhân văn, tiếp cận sâu vào những tiềm thức của con người.