Hòn Tàu xanh xanh
Dãy núi Hòn Tàu chạy từ thung lũng Quế Sơn, qua Ba Ao, hang Ba Mạng, chạy quanh chân núi Chúa gần khu đền tháp Mỹ Sơn. Rồi chạy qua núi đồi phía nam hồ - đập Vĩnh Trinh, qua những đồi núi cao dần lên đến Hòn Quắp, Hòn Cóc phía Đông - Nam Hòn Bằng - Non Trược - Trà Kiệu.
Hành quân trong đêm
Đêm đầu tiên về Báo Giải phóng Quảng Đà, ngủ chưa trọn giấc thì tôi bị đánh thức. Anh Tùng đập đập chân tôi: Dậy! Dậy. Khi tôi còn mắt nhắm, mắt mở thì các anh đang vội vã thu xếp đồ, chuẩn bị hành quân.
Độ 3 giờ sáng, chúng tôi mò mẫm trong đêm tối. Tôi vừa đi vừa bò, rồi khom lưng chạy, bất kể mương nước, ruộng lầy, gai, mảnh, cố bám theo các anh. Hừng sáng hôm sau thì đến một ngôi nhà ở lưng đồi, sau đồi là mờ mờ núi thấp sương còn giăng mù. Tại nhà ông Trùm Diễn ở thôn 2 xã Xuyên Khương, lần đầu tiên tôi leo lên núi Hòn Tàu.
Đứng ở đồng bằng Duy Xuyên nhìn lên xanh xanh Hòn Tàu thấy một quả núi như cái đầu con chim cu, gọi là Hòn Quắp. Một cái hang sâu được khoét vào sườn núi làm nơi đặt máy in báo. Báo Giải phóng có căn hầm đào vào núi để tránh bom pháo và cái chòi lợp lá nón cạnh Nhà in để treo võng nghỉ và đọc, viết.
Khi giặc Mỹ ào ạt đổ quân vào thì hầu hết các cơ quan phải rời đồng bằng lên núi tìm hang hốc đá để trú quân. Ở trong một hang đá bên bờ con khe Dâu, chúng tôi xuống Đồng Lùng, Phú Diên, Gò Dê, Núi Đất, Xuyên Trà, Duy Ninh, Bà Rén… mua gạo, mắm, sữa, đường và cả thuốc ký ninh chống sốt rét.
Phải sản xuất tự túc, chúng tôi qua đèo Đòn Gánh xuống vùng đồi gò Đồng Lùng, Nghi Sơn, tìm đất trồng sắn, băng rừng, vượt Đèo Le, lên Sơn Phúc - nơi một thời là ‘‘Đồng Nai con’’ của Quế Sơn.
Qua vùng Đại Lộc
Khi ở vùng núi Đại Lộc, mỗi đợt đi mua gạo và thực phẩm thì phải lội qua sông Vu Gia, bám vào vùng dân cư bám trụ ở Đại An, Đại Hòa, Cầu Chìm, vùng ven thị trấn Ái Nghĩa.
Vùng núi Đại Lộc là vùng ‘‘thượng gia hạ điền’’. Phía tây thông với dãy núi Hòn Tàu, phía đông là cánh đồng trải dài cả chục cây số đến quốc lộ 1, phía Bắc là một vùng núi thấp nối đất Quế Sơn với đất Cấm Nhọn, Phú Nham, Trà Kiệu của Duy Xuyên, là vùng bán sơn địa một thời Tỉnh ủy Quảng Nam, Xứ ủy Trung Kỳ chọn đóng cơ quan.
Khi ông Võ Toàn (Võ Chí Công) làm Xứ ủy viên kiêm Bí thư Tỉnh ủy, đóng tại nhà ông Đoàn Sơ - tại đây Tỉnh ủy Quảng Nam đã ra được những số báo Độc Lập đầu tiên.
Tháng 12/1971, Hội nghị Đặc khu ủy Quảng Đà chuyển toàn bộ cơ quan từ khu A7 - ranh giới giữa huyện Đại Lộc và huyện Nam Giang, xuống Hòn Tàu, đóng ở núi đá Cù Hang.
Đầu năm 1972, Ban Tuyên huấn đóng trong ba cái hang đá ở Mặt Rạng. Tại đây, vào lúc 1 giờ sáng ngày 21/5/1972, Ban Tuyên huấn Quảng Đà bị một loạt bom B.52, chết 10 người, bị thương 5 người, mãi đến năm 2012, đồng đội còn sót lại mới tìm được hài cốt anh Hoàng Kim Tùng và đồng đội đưa về quê nhà.
Riêng Bí thư Chi bộ Hoàng Kim Tùng thì đưa về nhà vợ con anh tận thị xã Đông Hà – nơi anh chia tay vợ trẻ và con trai duy nhất mới ba tuổi vào chiến trường từ năm 1965.
Căn cứ ẩn quân
Dưới chân Đèo Le có những tên gọi nhắc đến là nhớ những chiến công và sức ác liệt khủng khiếp: Hốc Xôi, Mương Đôi, Lộc Đại, Nghi Sơn.
Từ thung lũng Quế Sơn băng qua Đèo Le lên Trung Phước, Tý Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm - Đá Dừng. Từ chợ Trung Phước, có đò qua sông Thu Bồn gặp làng Đại Bình, qua vùng B của Đại Lộc lên Giằng, lên Hiên của miền Tây Quảng Nam - Đà Nẵng.
Khi cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam và Quảng Đà về ở Hòn Tàu thì các cơ quan Tổ chức, Tuyên huấn, Binh vận, Đấu tranh Chính trị, Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận, Nông hội, Giao bưu cũng về ở cách nhau chừng 30 phút đi bộ.
Các chiến sĩ giao bưu không chỉ nối thông tin liên lạc từ cơ quan này sang cơ quan khác mà còn chuyển công văn, thư từ và người đến tất cả huyện thị trong tỉnh theo yêu cầu.
Các cơ quan của Tỉnh đội Quảng Nam, Tỉnh đội Quảng Đà, Mặt trận 4 và cả của Quân khu 5, vẫn có quân trú ở Hòn Tàu. Những đơn vị hậu cần luôn trụ ở quanh chân núi Hòn Tàu để đi thu mua lương thực, thực phẩm tại các cửa khẩu liên thông với quốc lộ 1 - đoạn chạy từ Điện Bàn vào đến Núi Thành.
Hòn Tàu là căn cứ ẩn quân, là nơi trú quân trước khi xuất kích tấn công vào hang ổ quân thù. Mùa xuân lịch sử năm 1975, Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công cùng đồng chí Hồ Nghinh, từ căn cứ ở Hiệp Đức, trên đường chỉ huy các cánh quân đã dừng chân lại Hòn Tàu trước khi xuống đồng bằng tiến vào Đà Nẵng.
Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã họp bàn triển khai chiến dịch Xuân 1975 ngay sau ngày thị xã Tam Kỳ vừa được giải phóng. (24/3/1975). Xuất quân từ căn cứ Hòn Tàu, đoàn quân tiến vào giải phóng TP.Đà Nẵng trưa ngày 29/3/1975.