Trống, trễ, tránh
Kinh tế Quảng Nam thời gian gần đây có bước phục hồi tích cực. Kết quả tăng trưởng có lẽ còn tốt hơn nếu trong hoạt động công vụ của các cấp, ngành không mắc phải “trống, trễ, tránh”.
“Trống” ở đây là để trống trách nhiệm, mà trước hết là ở người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.
Còn nhớ trước đây từng nhiều lần dự cuộc họp do UBND tỉnh triệu tập, thường thấy đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan tham gia chủ yếu là cấp phó, thậm chí có cuộc họp lãnh đạo cử cán bộ cấp trưởng phòng dự thay.
Đến khi lãnh đạo tỉnh yêu cầu tham gia ý kiến về vấn đề đang họp bàn thì người dự họp không thể quyết được, đành xin phép sau cuộc họp về báo cáo lãnh đạo quyết định.
Sự việc lặp đi lặp lại, đến mức Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu sở ngành khi tỉnh triệu tập họp thì người đứng đầu phải dự họp, nếu ủy quyền đi thay thì phải cử lãnh đạo có quyền phát ngôn và quyết định được nhiệm vụ giao của cơ quan.
Một cái “trống” dễ thấy hệ lụy nhiều năm qua là trong giải phóng mặt bằng. Trống thông tin, thiếu công khai minh bạch trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dẫn đến công trình dự án cứ ách tắc, ì ạch.
Trong khi công khai, minh bạch là một trong những phương thức dân vận hiệu quả để thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.
Khi người có trách nhiệm bỏ trống trách nhiệm tức là đã tạo khoảng trống lòng tin trong người dân, doanh nghiệp.
“Trễ và tránh” biểu hiện rõ nhất là tình trạng nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi các sở, ban, ngành chưa được giải quyết, trả lời, hướng dẫn kịp thời. Điều này đã được lãnh đạo một địa phương cấp huyện “bức xúc” phản ánh với lãnh đạo tỉnh trong cuộc họp mới đây.
Liên quan đến việc này, qua rà soát hoạt động công vụ, UBND tỉnh nhìn nhận: Có một số trường hợp rất chậm trễ, để tồn đọng kéo dài; có trường hợp trả lời, hướng dẫn nhưng còn chung chung, né tránh, không rõ quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết.
Việc phối hợp giữa một số sở, ban, ngành để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhiều lúc chưa chặt chẽ, kịp thời; một số sở, ban, ngành chủ trì lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của mình.
Sự “trống, trễ, tránh” này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của tỉnh. Trong cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vào cuối tuần qua, theo số liệu của Kho bạc nhà nước tỉnh, đến ngày 16/10, vốn đầu tư công (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân được hơn 3.939 tỷ đồng trong tổng vốn gần 9.046 tỷ đồng, chỉ đạt 43,5% - thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Dẫu rằng đều biết “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tỷ lệ giải ngân thấp sẽ dẫn đến nền kinh tế bị tụt hậu” nhưng năm nào câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công thấp cũng lặp lại.
Và theo báo cáo kiểm tra của Sở Kế hoạch - Đầu tư tại hội nghị, “nguyên nhân chính vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện; nhiều địa phương đã phân công Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách đứng điểm một số công trình trọng điểm nhưng công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát”.
Để giải quyết tình trạng “trống, trễ, tránh” này, các sở, ban ngành, theo thẩm quyền được giao, cần rà soát giải quyết ngay những vấn đề tồn đọng, quá thời hạn chưa được xử lý, không để tiếp tục chậm trễ, kéo dài.
Các địa phương cấp huyện cũng phải chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ; người đứng đầu chính quyền chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành khiến sự việc rắc rối, kéo dài. Mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị, một người phụ trách và chịu trách nhiệm xuyên suốt.
Chỉ khi nào không còn tình trạng “trống, trễ, tránh” thì bộ máy công quyền mới có thể vận hành trơn tru, thúc đẩy phát triển.