Đông Nam Á cần 190 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch
(QNO) - Ngày 22/10, báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, Đông Nam Á cần tăng gấp 5 lần đầu tư so với mức hiện tại vào nguồn năng lượng sạch vào năm 2035 để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Theo IEA, khu vực Đông Nam Á nói chung hiện chỉ thu hút được 2% đầu tư năng lượng sạch toàn cầu mặc dù chiếm 6% GDP toàn cầu, 5% nhu cầu năng lượng toàn cầu và là nơi sinh sống của 9% dân số thế giới.
Nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á dự kiến tăng trưởng hằng năm 4% cho đến giữa thế kỷ này và các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời, năng lượng sinh học hiện đại và địa nhiệt sẽ đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu năng lượng tăng trưởng trong khu vực vào năm 2035.
Giám đốc điều hành IEA - ông Fatih Birol nói: "Đông Nam Á là một trong những khu vực năng động nhất về kinh tế trên thế giới và sẽ chiếm 1/4 nhu cầu năng lượng toàn cầu trong thập kỷ tới khi dân số, sự thịnh vượng và các ngành công nghiệp của khu vực mở rộng".
Đông Nam Á dù đạt tiến bộ lớn về các vấn đề như tiếp cận nguồn năng lượng sạch, nấu ăn sạch và phát triển sản xuất năng lượng sạch vẫn chưa đủ để kiểm soát lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng của khu vực dự kiến tăng 35% từ nay đến giữa thế kỷ 21.
Ông Fatih Birol nhấn mạnh, việc tiếp cận tài chính và đầu tư cho các nền kinh tế đang phát triển nhanh của khu vực sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường an ninh năng lượng và thực hiện các mục tiêu giảm phát thải, như thông qua triển khai mạnh mẽ ứng dụng các công nghệ liên quan đến năng lượng sạch.
Để xoay chuyển tình hình, cần có một động thái lớn để phù hợp với kết quả của hội nghị về biến đổi khí hậu COP28 và đạt các mục tiêu quốc gia đặt ra trong khu vực Đông Nam Á - giảm một nửa lượng khí thải hiện nay vào năm 2050.
Do đó, Đông Nam Á cần tăng đầu tư vào năng lượng sạch lên 190 tỷ USD vào năm 2035, tức gấp 5 lần mức hiện tại để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Cạnh đó, việc tăng cường đầu tư vào năng lượng cần phải đi kèm với các chiến lược giảm phát thải từ nhà máy nhiệt điện than.
IEA cho biết 10 thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nằm trong số những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới với 8 quốc gia trong số đó (bao gồm Việt Nam) đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050.
Việc chuyển đổi năng lượng sạch mang lại lợi ích cho Đông Nam Á với hơn 85 nghìn việc làm được tạo ra kể từ năm 2019. Trong khi Indonesia thành nhà sản xuất pin lithium-ion lớn nhờ vào trữ lượng niken phong phú, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia trở thành những nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn, sau Trung Quốc.