Giảm nghèo - An sinh

Nam Trà My quyết tâm xóa nhà tạm

THIỆN TÙNG 23/10/2024 07:32

Truyền thống làm nhà ở của người dân huyện Nam Trà My từ xưa đến nay phụ thuộc vào gỗ, tranh, nứa..., không đảm bảo “3 cứng”, nhưng lại giàu bản sắc. Do đó, làm thế nào để có thể vừa xóa được nhà tạm, vừa giữ gìn, bảo tồn được nếp văn hóa, đang được địa phương nghiên cứu thực hiện.

nhatam2.jpg
Nam Trà My tập trung các nguồn lực xóa nhà tạm. Ảnh: THIỆN TÙNG

Nhà sàn “3 cứng”

Trà Vinh là một trong số các xã đang tích cực triển khai công tác xóa nhà tạm ở Nam Trà My. Với 509 hộ/2.142 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo tới 281 hộ (55,20%), đòi hỏi địa phương phải thực hiện đồng thời các giải pháp giảm nghèo với xóa nhà tạm, bởi nhà ở cũng là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá giảm nghèo.

Theo ông Nguyễn Tấn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh, với khả năng hiện có của địa phương thì khó có thể xóa nhà tạm nhanh, bởi thu ngân sách không cao, kinh tế người dân còn khó khăn. Hơn nữa vấn đề chồng lấn địa giới hành chính gây không ít phiền hà trong quá trình triển khai xây dựng các công trình dân sinh nói chung, và nhà ở của người dân nói riêng.

“Giải pháp chúng tôi đang thực hiện là tận dụng mọi nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu để thực hiện xóa nhà tạm cho người dân. Vốn đến đâu, chúng tôi thực hiện đến đó. Quan trọng nhất là làm sao để người dân hiểu và chung tay cùng địa phương thực hiện, vì đây là quyền lợi cho họ” - ông Thành nói.

Đặc biệt, Trà Vinh không những chú trọng vào nguyên tắc “3 cứng” (nền móng cứng, khung tường cứng, mái cứng) mà còn cố gắng gìn giữ những giá trị cốt lõi nhất về văn hóa trong mỗi căn nhà được xây.

nhatam1.jpg
Nhà sàn "3 cứng" tại xã Trà Vinh đang được thi công. Ảnh: THIỆN TÙNG

Nhờ vậy, hầu như các căn nhà thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm đều có kết cấu bê tông, nhưng vẫn giữ kiểu nhà sàn truyền thống của người đồng bào Ca Dong. Bên cạnh đó, xã khuyến khích đổ sàn cao để tận dụng không gian bên dưới sàn nhà.

Theo quyết định cấp kinh phí sự nghiệp cho các xã thực hiện Dự án 5, Chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 của UBND huyện Nam Trà My, xã Trà Vinh có 237 nhà được phê duyệt xây mới, 133 hộ có nhu cầu, hiện xã đã hỗ trợ 57 hộ với tổng mức hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chung tay

Công tác xóa nhà tạm ở Nam Trà My thời gian qua cho thấy, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền, còn có sự hưởng tích cực của xã hội, đặc biệt là sự cộng hưởng của các tổ chức, doanh nghiệp đối với chủ trương lớn của tỉnh.

Có một căn nhà kiên cố để tránh nắng mưa là mơ ước bao năm nay của mẹ con bà Lê Thị Ngà (đồng bào Ca Dong, thôn 1, xã Trà Mai). Tuổi cao, nhưng bà phải nuôi người con mắc bệnh đao, làm chỉ đủ ăn nên hai mẹ con vẫn phải sống trong căn nhà tranh tạm bợ.

Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của bà Ngà, Công ty Huỳnh Sâm (xã Trà Mai) đã quyết định tài trợ kinh phí 125 triệu đồng xây tặng căn nhà kiên cố với một phòng khách, hai phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh.

Nhờ vậy mà mùa mưa năm nay hai mẹ con bà có chỗ trú mưa an toàn. “Trước đây khổ lắm, nhà dột nát hết, chừ có nhà các cô các chú xây cho, tôi thấy vui lắm. Nhà cửa cứng cáp, còn được bắt điện, bắt nước cho nữa, mùa mưa năm ni không sợ dột ướt nữa” - bà Ngà vui mừng nói.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh - Giám đốc công ty Huỳnh Sâm cho biết, hằng năm công ty kết nối với các hội, đoàn thể của xã, hỗ trợ kinh phí lợp lại mái nhà cho các hộ bị thiệt hại sau bão.

ntn.jpg
Niềm vui của bà Ngà trong ngày về nhà mới. Ảnh: THIỆN TÙNG

“Sinh sống và làm việc ở Nam Trà My khá lâu, nên mình rất hiểu tình hình đời sống của bà con nơi đây. Đối với chủ trương xóa nhà tạm, mình thấy khá ý nghĩa và thiết thực với miền núi.

Đặc biệt, sau khi đọc thư kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy, với vai trò của một doanh nghiệp, mình đã quyết định đóng góp một chút để giúp bà con có nhà mới kiên cố, an toàn hơn trong những mùa mưa bão” - chị Huỳnh nói.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2025, Nam Trà My đã thành lập Ban vận động kinh phí xóa nhà tạm để theo dõi, chỉ đạo sát sao công tác xóa nhà tạm.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My, tổng số nguồn kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát do đơn vị tiếp nhận, quản lý hiện nay hơn 318 triệu đồng. Trong đó, Ban vận động kinh phí xóa nhà tạm Nam Trà My đã kêu gọi được 41 tổ chức, cá nhân ủng hộ với số tiền gần 80 triệu đồng.

“Nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện đã tham gia hỗ trợ trực tiếp về kinh phí và cả trong quá trình thi công để xây nhà cho người dân. Đây là việc làm hết sức kịp thời, có ý nghĩa, không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm của họ đối với cộng đồng mà còn giúp địa phương sớm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong công tác xóa nhà tạm” - bà Huệ cho biết

THIỆN TÙNG