Phải tuân thủ tín hiệu đèn giao thông
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, quy định tín hiệu đèn giao thông mà người tham gia giao thông cần tuân thủ để đảm bảo an toàn cho người đồng hành và chính bản thân mình.
Khoản 4, Điều 11 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ khi gặp tín hiệu đèn màu xanh là được đi.
Trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; song trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp.
Nếu tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác. Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
Như vậy, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã bổ sung thêm quy định tín hiệu đèn màu xanh là được đi, nhưng trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Đang đi trên vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; nếu tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.
Một quy định khác mà người tham gia giao thông đường bộ cần tuân thủ, đó là phải chấp hành báo hiệu đường bộ. Theo thứ tự ưu tiên, trước hết phải tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; sau đó đến tín hiệu đèn giao thông; rồi biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột km, cọc H; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ. Như vậy, tín hiệu đèn dù đã bật xanh, người tham gia giao thông cũng không được đi, khi có lực lượng chức năng đang ra hiệu lệnh dừng lại.
Ghi nhận thực tế ở các địa phương trên địa bàn Quảng Nam, tín hiệu đèn bật đỏ, song không ít vẫn cứ rẽ phải là sai quy định. Bởi lẽ, đèn bật đỏ thì bắt buộc tất cả dừng lại (trừ trường hợp người điều khiển giao thông ra tín hiệu cho đi), để tránh xảy ra xung đột với phương tiện đi từ hướng khác. Trừ trường hợp, vị trí bố trí đèn tín hiệu có gắn biển báo hiệu cho rẽ phải thì mới được rẽ phải.