Xã hội

Quảng Nam quyết liệt hành động vì an toàn giao thông cho học sinh

CÔNG TÚ 24/10/2024 08:03

Nhiều thông điệp, khẩu hiệu kêu gọi phải bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, song nguy cơ xảy ra tai nạn đối với lứa tuổi này luôn hiện hữu. Vì vậy, các cấp, ngành, cơ sở giáo dục và phụ huynh cần quyết liệt hành động để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.

z5943536370792_6192fdd574e0bddcd9da90ecfd9324df.jpg
Công an TP.Hội An tăng cường kiểm soát, xử lý học sinh, phụ huynh vi phạm ATGT. Ảnh: C.T

Nguy cơ tai nạn

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Phan Đức Tiễn cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, khiến 11 em tử vong và 36 em bị thương tật. Nguyên nhân là điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người cho phép, không đội mũ bảo hiểm... Hệ quả là nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não, tử vong.

Thực tế cho thấy, học sinh lứa tuổi tiểu học thường được cha mẹ chở đến tận trường, có trường hợp đi xe đạp nhưng không nhiều. Còn đối với học sinh THCS, THPT, phần lớn các em điều khiển xe đạp điện để đi học.

Thậm chí, có em chưa đủ 16 tuổi vẫn chạy xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cc (dưới 50 phân khối); chưa đủ 18 tuổi cũng liều lĩnh điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh 50cc trở lên (50 phân khối trở lên).

Theo quy định của pháp luật, người điều khiển và người ngồi trên xe đạp điện, mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, học sinh không tuân thủ quy tắc an toàn này khá nhiều, kể cả phụ huynh chở con cũng “nói không” với mũ bảo hiểm.

Có thể thấy, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của phụ huynh, học sinh chưa cao. Hàng năm, doanh nghiệp đều tặng mũ bảo hiểm cho toàn bộ học sinh bước vào lớp một.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn, nhiều học sinh được phụ huynh chở đến trường vẫn không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, phụ huynh còn giao xe máy cho con điều khiển đi học dù chưa đủ tuổi.

Cần hành động quyết liệt

Hiện nay ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT rất ít em đi xe đạp, mà chủ yếu sử dụng xe đạp điện, xe gắn máy với tốc độ cao, trong lúc kỹ năng điều khiển chưa thành thạo, ý thức chấp hành quy tắc an toàn kém.

z5945051918807_9de3c99e7cbcf2806cc4d799115fefcd.jpg
Công an huyện Núi Thành phối hợp cùng địa phương đề nghị các điểm trông giữ xe bên ngoài trường cam kết không giữ xe phân khối lớn cho học sinh. Ảnh: C.T

Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31 về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Tại địa bàn Núi Thành, ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, Công an huyện đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp theo tinh thần Chỉ thị số 31.

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, cùng công an các xã, thị trấn phối hợp với Phòng GD-ĐT, ban giám hiệu các trường triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GD-ĐT về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATGT trong các cơ sở giáo dục.

Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Núi Thành cho biết, đơn vị phối hợp tổ chức 30 buổi tuyên truyền tại các trường học.

Làm việc và yêu cầu các điểm trông giữ xe bên ngoài trường cam kết không giữ xe phân khối lớn cho học sinh. Mô hình “Cổng trường ATGT” được duy trì; đồng thời phối hợp xây dựng mới mô hình “Đội xung kích đảm bảo trật tự ATGT”, “Công an xã phối hợp hội cựu chiến binh xã đảm bảo ATGT cho học sinh”.

Triển khai đợt cao điểm bảo đảm ATGT cho lứa tuổi học sinh (tháng 10 này), qua 18 ngày đầu, Công an huyện và công an các xã, thị trấn trên địa bàn Núi Thành đã xử lý 60 trường hợp vi phạm.

Trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng đều mời phụ huynh đến tuyên truyền, xử phạt hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Thiếu tá Trần Hoàng Linh - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Hội An cho biết, đợt cao điểm này, lực lượng chức năng quyết liệt xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi quy định; phụ huynh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển.

Cạnh đó, chủ phương tiện, người điều khiển và phụ huynh chở học sinh vi phạm quy định về vận tải đường bộ, đường thủy nội địa bị xử lý nghiêm.

Qua đây, nhằm làm chuyển biến tình hình, thay đổi tư duy nhận thức, gắn trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường và địa phương cùng vào cuộc để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông liên quan.

Kết quả 18 ngày đầu ra quân đợt cao điểm, lực lượng chức năng đã lập 239 biên bản vi phạm; trong đó 124 biên bản đối với học sinh và 115 biên bản đối với chủ phương tiện, số tiền phạt ước tính 337,34 triệu đồng.

“Vi phạm của học sinh, sinh viên sẽ được Công an thành phố gửi thông báo về nhà trường, cơ sở giáo dục để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp” - Thiếu tá Linh chia sẻ.

CÔNG TÚ