Khởi nghiệp - OCOP

Kích cầu tiêu thụ sản phẩm đặc trưng xứ Quảng

NGUYỄN QUANG 24/10/2024 10:00

Các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hàng OCOP, công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đang thúc đẩy sản xuất, xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường cho hàng hóa vào cuối năm, dịp tết.

bt.jpg
Sản xuất bánh tráng bằng máy ở cơ sở sản xuất bánh tráng Nhiều Lộc. Ảnh: Q.VIỆT

Tăng tốc sản xuất

Những ngày này trời mưa nhưng các cơ sở sản xuất bánh tráng - sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Thăng Bình vẫn tăng tốc sản xuất. Bà Ngô Thị Lộc (thôn Tú Mỹ, xã Bình Tú) - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Nhiều Lộc cho biết, mỗi ngày ngâm 120kg gạo, xay bột, tráng được 2.400 cái bánh cung ứng ra thị trường Quảng Nam, TP.Đà Nẵng.

“Trước đây tôi làm bánh tráng thủ công tốn nhiều công sức mà phụ thuộc vào thời tiết, mưa không thể phơi khô bánh để nướng. Nay áp dụng máy móc nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Cuối năm, dịp tết nhu cầu mua hàng của các cơ sở ăn uống, nhà hàng tăng lên. Nghề truyền thống bánh tráng ngày càng phát triển ở Thăng Bình và các địa phương. Càng cạnh tranh thì mình càng phải nâng cao chất lượng hàng hóa” - bà Lộc nói.

Anh Nguyễn Thành Luận - Giám đốc HTX Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) Quảng Nam (thôn Phú Bình, xã Tam Phú, Tam Kỳ) cho biết, mặc dù các sản phẩm OCOP 3 sao ĐTHT đã khẳng định thương hiệu nhưng do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên hàng hóa tiêu thụ chậm.

Trước đây mỗi ngày anh bán được 2kg ĐTHT sấy thăng hoa, ĐTHT ngâm mật ong, rượu ĐTHT thì nay chỉ bán được 0,5kg. Sau thời gian tìm tòi để có thêm sản phẩm, hàng hóa mới, anh Luận đã sản xuất thành công nấm mối đen.

Đây là sản phẩm công nghiệp nông thôn rất mới trên địa bàn tỉnh. Mỗi ngày anh bán được 20kg nấm mối đen với giá 350 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, anh cũng làm nấm bào ngư bán ra các chợ đầu mối để có thêm thu nhập.

“Tín hiệu vui là thị trường cuối năm, dịp tết sôi động lên từng ngày. Tôi sẽ đăng ký OCOP cho nấm mối đen, nấm bào ngư để tăng quy mô sản xuất và xâm nhập sâu vào thị trường. Trăn trở nhất vẫn là mong thị trường ĐTHT khơi thông lại như trước thời điểm dịch COVID-19” - anh Luận nói.

Kích cầu tiêu dùng cuối năm

Xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng hóa cuối năm đang được các cơ sở, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai với nhiều giải pháp.

dtht.jpg
Sản xuất ĐTHT của HTX ĐTHT Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Anh Nguyễn Thành Luận cho biết, hiện nay, đã mở các showroom ở Tam Kỳ, Quảng Bình, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh để quảng bá, kết nối giao thương, khơi thông thị trường cho các sản phẩm ĐTHT. Anh cũng đã bán hàng qua kênh thương mại điện tử.

“Ấp ủ lớn nhất của tôi là mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm ĐTHT. Tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, mẫu mã bắt mắt để thực hiện dự định này” - anh Luận nói.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, để thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP, đơn vị đã huy động nhiều nguồn lực khuyến công của tỉnh, huyện để hỗ trợ máy móc, thiết bị giúp các chủ thể ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Như trường hợp bà Ngô Thị Lộc, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình đã hỗ trợ 110 triệu đồng (bà Lộc đối ứng 126 triệu đồng) để đầu tư máy sản xuất bánh tráng và máy nướng bánh. Với cách đầu tư trên, bà Lộc đã giảm lao động từ 15 người xuống còn 7 người, rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm.

Huyện hỗ trợ các HTX, chủ cơ sở xúc tiến thương mại qua các hội chợ, triển lãm; hướng dẫn bán hàng trực tuyến. Các HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã dần thay đổi tư duy, tiếp cận với các hình thức sản xuất, kinh doanh hiện đại nên hiệu quả từng bước được nâng lên.

Theo ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công Thương, ngành công thương tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất bằng cách tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nhất là thời điểm cuối năm, dịp tết.

Sở Công Thương đã đẩy mạnh quảng bá, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối giao thương với các tỉnh bạn, nhất là thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn, hàng hóa OCOP.

“Chúng tôi phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để khơi thông thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng xứ Quảng” - ông Thương nói.

Theo thống kê của Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 9/2024 đạt 6.086 tỷ đồng (giảm 0,9% so với tháng trước). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.199 tỷ đồng (tăng 1,1% so với tháng trước, tăng 2,7% so với cùng kỳ). Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 55,1 nghìn tỷ đồng (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023).

NGUYỄN QUANG