Nhà nước và cử tri

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi):Đề xuất bổ sung quyền của đoàn viên được hưởng thụ các thiết chế do công đoàn đầu tư

VĂN HIẾU 24/10/2024 12:07

(QNO) - Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý nhiều nội dung vào các điều luật.

image002.jpg
Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: V.HIẾU

Đây là luật khó và phức tạp, có tính chính trị - pháp lý cao đặt trong bối cảnh hội nhập, phải giải quyết hợp lý, hài hòa nhiều vấn đề có quan hệ mật thiết. Cạnh đó, có những nội dung quy định của dự thảo luật chỉ có thể mang tính nguyên tắc để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và cơ quan soạn thảo đang phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, về những hành vi bị nghiêm cấm, quy định cấm hành vi “Không đóng kinh phí công đoàn; chậm đóng kinh phí công đoàn;...”; tuy nhiên dự thảo luật chưa xác định rõ như thế nào là “chậm đóng” và “không đóng”, trong khi hai nội dung này rất khó xác định, dễ bị lợi dụng để né tránh trách nhiệm.

Do vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị phải quy định cụ thể trong dự thảo luật thời hạn bao lâu (3 tháng, 6 tháng,...) được xác định là không đóng kinh phí công đoàn hoặc chậm đóng kinh phí công đoàn để luật đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp trong việc theo dõi và thực hiện nghĩa vụ đóng kinh phí này.

Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần”.

Để đảm bảo việc thực hiện quy định này ở Luật Công đoàn sửa đổi lần này, đại biểu đề xuất quy định về trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động trong vấn đề giám sát người sử dụng lao động có tổ chức khám sức khỏe cho người lao động.

Điều 11 quy định trách nhiệm của công đoàn là “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, tại Điều 21 chưa quy định về quyền của đoàn viên trong việc được hưởng thụ các thiết chế văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan do công đoàn đầu tư. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quyền này vào dự thảo luật.

241020240817-1024nd1-6-.jpg
Quang cảnh phiên họp sáng 24/10.

Đại biểu Dương Văn Phước cho biết, hiện nay số lượng biên chế được giao cho công đoàn ít, trong khi đoàn viên, công nhân, người lao động tăng, cơ sở của công đoàn liên tục phát triển nên việc quản lý chưa đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không bố trí thêm cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc hợp đồng. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao quyền tự chủ trong quản lý nguồn tài chính của công đoàn theo các quy định của pháp luật.

Do vậy, để đảm bảo quản lý, tổ chức hoạt động của công đoàn, đại biểu đề nghị dự thảo luật giữ quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở như các dự thảo lần trước.

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, dự thảo luật quy định “Tổng Liên đoàn thống nhất với Chính phủ” khi ban hành các tiêu chuẩn, định mức chi tài chính công đoàn. Đại biểu cho rằng quy định này sẽ làm tăng thêm thủ tục, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn, bởi nội hàm, cách thức thực hiện rất khó khả thi.

Hiện nay Tổng Liên đoàn vẫn căn cứ định mức chi tiêu của Nhà nước để xây dựng các tiêu chí, ban hành định mức tài chính trong tổ chức mình trên cơ sở Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tài chính công đoàn, báo cáo tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012 cho thấy không có vướng mắc gì trong vấn đề này.

Vì vậy, theo đại biểu nên giao cho Tổng Liên đoàn tự quyết, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật là phù hợp, nhằm tạo sự chủ động trong hoạt động công đoàn, phù hợp với chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn.

VĂN HIẾU