Thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT:Người bệnh chờ đợi...
Thông tư số 22 Bộ Y tế vừa ban hành được kỳ vọng phần nào giảm khó khăn cho người bệnh, khi phải liên tục ra ngoài mua thuốc điều trị vì bệnh viện... thiếu thuốc.
Thông tư số 22/2024 của Bộ Y tế quy định các trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế khi bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị thuộc danh mục BHYT. Thông tư có hiệu lực từ 1/1/2025.
Giải pháp tạm thời
Thông tư số 22 nêu rõ những điều kiện chi trả trực tiếp cho người bệnh nhằm tránh việc lạm dụng chỉ định người bệnh phải ra ngoài mua thuốc.
Cụ thể, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) tại cơ sở y tế, tại thời điểm kê đơn thuốc, có chỉ định sử dụng thiết bị y tế nhưng bệnh viện không có thuốc, thiết bị y tế do chưa thực hiện đấu thầu sẽ được thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế sử dụng.
Đồng thời người bệnh sẽ được thanh toán lại khi tại thời điểm KCB, cơ sở y tế không có thuốc thương mại chứa hoạt chất mà người bệnh được kê đơn, không có thiết bị mà người bệnh được chỉ định sử dụng và không có thiết bị y tế để thay thế.
Người bệnh có thẻ BHYT cũng được thanh toán lại chi phí thuốc, thiết bị y tế khi đơn vị điều trị không thể chuyển bệnh nhân đến cơ sở KCB khác do tình trạng sức khỏe, bệnh lý không đủ điều kiện chuyển; cơ sở KCB đang trong thời gian cách ly y tế hoặc là cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Tuy nhiên, để được chi trả trực tiếp khi mua thuốc bên ngoài, người bệnh phải được bệnh viện đề nghị thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và chứng minh bệnh viện thiếu thuốc, vật tư do “khách quan”.
Người bệnh vẫn khó
Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho hay, quy định của Thông tư số 22 chỉ là giải pháp tình thế khi bệnh viện không có thuốc, vật tư y tế vì lý do khách quan chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư.
Trong khi đó, đại diện một cơ sở y tế tuyến tỉnh tại Quảng Nam cho rằng, rất khó để bệnh viện công khai đơn vị đang thiếu thuốc, vật tư y tế. Dù trên thực tế, nhiều người bệnh tại Quảng Nam phải ra ngoài mua thuốc hoặc vật tư y tế trong danh mục được chi trả BHYT vì lý do bệnh viện chưa đấu thầu được.
Tại Quảng Nam hiện có đến hơn 96% dân số tham gia BHYT, tổng số cơ sở y tế hợp đồng KCB BHYT là 68 cơ sở từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện đến cơ sở y tế tư nhân.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra với việc thiếu cục bộ nhiều loại thuốc, sinh phẩm, vật tư. Đơn cử, tại nhiều trung tâm y tế, các gói thầu mua sắm vật tư y tế đến hiện tại chỉ có kết quả một số gói. Một số thuốc dự trù cũng đã cạn.
Chưa kể, nhiều đơn vị bị nợ quá hạn trong quá trình cung ứng thuốc, dẫn đến các công ty không cung ứng liên tục. Một số công ty khác trúng thầu nhưng không có nguyên liệu để sản xuất thuốc cung ứng, ảnh hưởng đến việc đảm bảo thuốc cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh.
Thông tư số 22 cũng quy định nếu bệnh viện không giải trình được “thiếu thuốc vì lý do khách quan, đã làm đủ mọi cách để mua sắm nhưng không được” thì người bệnh cũng không có đủ điều kiện được chi trả. Chưa kể, người bệnh phải tự nộp hồ sơ đến cơ quan BHXH và chờ đợi giải quyết trong 40 ngày.
Theo Bộ Y tế, cơ quan BHXH sẽ thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo quy định, căn cứ trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược hoặc thiết bị y tế. Đồng thời BHXH sẽ thực hiện khấu trừ chi phí BHYT thanh toán của cơ sở KCB nơi điều trị người bệnh.
Có lẽ việc nhận lại chi phí thanh toán thuốc, thiết bị y tế với người bệnh cũng khá gian nan, khi các yêu cầu về hóa đơn chứng từ hiện tại còn nhiều nhiêu khê. Do đó, điều cần thiết nhất chính là cải thiện tình trạng thiếu thuốc, vật tư tại các cơ sở y tế, để người bệnh được thuận lợi khi sử dụng thẻ BHYT.