Gỡ khó để kinh tế tập thể Quảng Nam phát triển
“Kinh tế tập thể, hợp tác xã của Quảng Nam đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng” là nhận định tại cuộc làm việc mới đây của đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể với UBND tỉnh Quảng Nam.
Những đánh giá từ thực tế
Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, Quảng Nam hiện có 613 HTX đang hoạt động với hơn 229 nghìn thành viên; trong đó có 3.145 lao động làm việc thường xuyên, lao động đồng thời là thành viên HTX có 2.890 người.
Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt hơn 3 tỷ đồng/năm, lãi khoảng 608 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động khoảng 67 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Quảng Nam có 2 liên hiệp HTX; 2.880 tổ hợp tác đang hoạt động với 12.001 thành viên là lao động thường xuyên.
Thời gian qua, nhiều HTX chú trọng đầu tư thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 87 sản phẩm OCOP của 73 HTX; trong đó 22 sản phẩm hạng 4 sao, 65 sản phẩm hạng 3 sao.
“Các HTX đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên và hộ gia đình, từng bước khắc phục một số mặt yếu kém của kinh tế hộ. Cùng với đó, hỗ trợ thành viên liên kết trong sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương” - ông Đoàn Ngọc Quang nói.
Tham gia buổi làm việc, chia sẻ về những khó khăn hiện tại, ông Đỗ Vạn Thống - Chủ tịch HĐQT HTX An Phú (huyện Núi Thành) thẳng thắn nói, HTX đã có thời gian dài hoạt động, nhưng đến nay đơn vị chưa nhận được nhiều sự quan tâm, đồng hành của địa phương. Do điều kiện hạn chế của HTX nên cũng rất khó để thu hút tuyển dụng nhân sự trẻ, có trình độ về làm việc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Điện Phước (thị xã Điện Bàn) cho hay, mặc dù sản xuất, kinh doanh của đơn vị cho hiệu quả tốt nhưng chưa thực sự đúng với tiềm năng.
Đa số lao động của HTX là người lớn tuổi, vừa học vừa làm, hạn chế trong việc tiếp thu những cái mới, đặc biệt là cơ chế chính sách và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Để kinh tế tập thể phát triển, Trung ương cần tăng mức ưu đãi hỗ trợ đối với HTX, đồng thời có hướng dẫn rõ ràng, tinh giản thủ tục để các đơn vị dễ tiếp cận.
Bà Phạm Thị Thúy Hồng - Trưởng phòng chuyên trách, Văn phòng đổi mới Phát triển Kinh tế HTX (Cục Kinh tế hợp tác - Bộ KH-ĐT) đánh giá, qua khảo sát thực tế có thể thấy, kinh tế tập thể, HTX được các cấp lãnh đạo Quảng Nam quan tâm, chỉ đạo sâu sát.
Minh chứng là một số chỉ tiêu như số lượng HTX, doanh thu, lợi nhuận… nằm ở mức cao so với trung bình cả nước. Tuy nhiên, quy mô các HTX của Quảng Nam còn nhỏ, hoạt động manh mún, cách khá xa so với yêu cầu phát triển; số lượng HTX sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao không nhiều… Vấn đề này dẫn đến việc liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên hiệu quả chưa cao.
Cần thêm sự hỗ trợ
Theo đánh giá của đoàn công tác, những kết quả Quảng Nam đạt được đã chứng minh khu vực kinh tế tập thể, HTX có vai trò quan trọng tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát huy vai trò kinh tế hộ. Từ đó góp phần hỗ trợ nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Vũ Mạnh Hùng - Trưởng đoàn công tác, để tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, Quảng Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, thành viên ban chỉ đạo các cấp phải phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm; thường xuyên theo dõi, nắm bắt, lắng nghe các nhu cầu, khó khăn thực tế của HTX nhằm có biện pháp tháo gỡ.
Ông Vũ Mạnh Hùng đề nghị Quảng Nam cần nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý HTX. Cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, sẵn sàng tâm thế hoạt động trong giai đoạn mới.
Theo bà Phạm Thị Tố Oanh - Trưởng ban Chính sách và phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam), Quảng Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; kịp thời biểu dương các gương điển hình, mô hình hiệu quả để học tập, nhân rộng...
“Để các sản phẩm của địa phương tiếp cận các thị trường lớn, khó tính, UBND tỉnh Quảng Nam nên chú trọng chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, đáp ứng các quy chuẩn nhằm nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm” - bà Oanh đề xuất.