Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thiết lập cơ chế bảo vệ rừng ổn định
(QNO) – Từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quảng Nam đã và đang vận dụng rất hiệu quả và linh hoạt các hình thức, mô hình giữ rừng từ thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đến giao khoán rừng cho cộng đồng thôn. Độ che phủ rừng bình quân của tỉnh thời gian qua không ngừng tăng chính là nhờ bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên sẵn có, vừa phục hồi nhanh những cánh rừng bị tổn thương.
Đề cao trách nhiệm cộng đồng
Khu bảo tồn Sao la thuộc lâm phận của 2 huyện Tây Giang và Đông Giang đang triển khai hình thức giao khoán rừng cho cộng đồng làng bảo vệ. Lực lượng bảo vệ rừng (BVR) chủ yếu là người dân thuộc 6 xã vùng đệm của khu bảo tồn này hưởng ứng tham gia, trong đó nòng cốt là 17 cộng đồng dân cư nhận khoán BVR.
Tại Tây Giang có 2 tổ chức quản lý BVR là Khu bảo tồn Sao la và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện. Năm 2024, tổng diện tích được chi trả DVMTR trên lâm phận do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang quản lý hơn 49.577ha, trong đó giao khoán cho 64 cộng đồng tổng diện tích hơn 37.453ha và tự bảo vệ hơn 12.124ha.
Còn với chủ rừng là Khu bảo tồn Sao La, tổng diện tích chi trả DVMTR thuộc địa bàn Tây Giang hơn 8.600ha. Mỗi năm các chủ rừng được tạm ứng 4 đợt về cơ chế chi trả DVMTR. Các thông tin về đơn giá, diện tích, số tiền tạm ứng... đều được công khai minh bạch.
Theo ông Phan Văn Sen, cán bộ Khu bảo tồn Sao la, trong các đợt chi trả tiền DVMTR, gần như chủ rừng đều phối hợp với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm lồng ghép tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học. Nhờ phương châm tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nên đồng bào đã thay đổi được nhận thức, hành vi giữ rừng theo hướng tích cực.
"Đơn cử, không chỉ giữ từng gốc cây, bây giờ người Cơ Tu còn có trách nhiệm bảo vệ thú rừng, bảo vệ cả hệ sinh thái rừng" - ông Sen nói.
Tại xã Lăng (Tây Giang), có 5 cộng đồng nhận khoán BVR, với tổng diện tích 17.000ha. Riêng 2 cộng đồng thôn Pơr' ning và Tà Ri của xã còn được được hưởng lợi chính sách chi trả DVMTR từ việc giao quản lý bảo vệ hơn 1.064ha. Trung bình mỗi tháng, cộng đồng thôn tham gia tuần tra 2-3 lần trong rừng, chủ yếu là theo dõi biến động rừng, tụ tay tháo gỡ các loại bẫy thú…
Trong mùa khô, họ còn giám sát việc phát, đốt nương rẫy trong khu vực rừng dễ gây cháy và hướng dẫn đồng bào cách thức cản lửa đảm bảo đề phòng cháy rừng. Nhờ đó, diện tích rừng giao khoán trên địa bàn xã Lăng không bị xâm hại.
Các cánh rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện thời gian qua được bảo vệ nghiêm ngặt. Tại rừng phòng hộ Bắc Trà My, qua thống kê năm 2023 có hơn 7.500ha rừng tự nhiên đã được giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở các xã Trà Giáp, Trà Ka, Trà Đốc, Trà Kót và Trà Nú bảo vệ. Bình quân mỗi hộ nhận bảo vệ, chăm sóc gần 30ha, với kinh phí 18 triệu đồng/năm.
Thực tế ở các huyện Nam Giang, Tây Giang, Bắc Trà My việc giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ đem lại “lợi ích kép” vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đồng bào trong BVR, vừa giúp họ có sinh kế, cải thiện đời sống.
Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, năm 2024, diện tích chi trả DVMTR cho cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn Quảng Nam là 4.406,34ha (Bắc Trà My có 4 cộng đồng thôn diện tích 1.205ha; Nam Giang 8 cộng đồng dân cư thôn 1.837,35ha; Tây Giang 3 cộng đồng thôn 1.363,54ha.
Nỗ lực phục hồi rừng
Trong giai đoạn 2011 - 2020, thống kê có hơn 100 nghìn héc ta rừng ở Quảng Nam bị mất và suy thoái do tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép… Do vậy, những năm gần đây ngành lâm nghiệp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình/dự án trồng rừng thay thế tại các khu vực mất rừng.
Gần đây nhất, UBND tỉnh phê duyệt dự án phục hồi rừng và phát triển sinh kế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1 (từ tháng 7/2024 đến 12/2025) với tổng vốn viện trợ không hoàn lại hơn 44,4 tỷ đồng do Tổ chức VELUX cung cấp viện trợ thông qua Tổ chức World Wide Fund for Nature (WWF/Thụy Sĩ). Dự án sẽ hỗ trợ phục hồi đa dạng sinh học và bảo vệ hơn 150 nghìn héc ta rừng tự nhiên tại 19 xã thuộc các huyện Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang.
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cho biết, từ nguồn chi trả DVMTR rừng đến nay đơn vị đã chi cho các chủ rừng, tổ chức trồng rừng thay thế với diện tích hơn 2.000ha theo chu kỳ, trồng, chăm sóc, quản lý trong vòng 10 năm. Tại lòng hồ thủy điện sông Bung 4 thuộc lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh, từ nguồn DVMTR, chủ rừng đã tổ chức trồng lại nhiều cây bản địa, nhất là lim xanh. Với số lượng cây chết, hoặc diện tích không đảm bảo mật độ cây trồng, mỗi năm chủ rừng đều trồng dặm, bổ sung. Những khoảnh rừng được trồng mới hơn 7 năm nay bắt đầu khép tán, góp phần nâng cao độ che phủ rừng cho huyện Nam Giang.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trần Văn Thu khẳng định, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của tỉnh đều có nguồn kinh phí để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng từ chính sách chi trả DVMTR. Đến nay, 100% diện tích rừng đặc dụng (chiếm 22% diện tích rừng tự nhiên) trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào các khu bảo tồn để bảo vệ nghiêm ngặt.
Hầu hết các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng của tỉnh hiện nay đều triển khai đề án tái tạo rừng tự nhiên bằng cây bản địa. Hàng loạt cơ chế hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, chính sách chi trả DVMTR đã tạo nguồn lực, động lực cho chủ rừng, cộng đồng dân cư, người dân khôi phục lại rừng tự nhiên.
Đến ngày 15/10, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam nhận ủy thác thu hơn 141,5 tỷ đồng tiền DVMTR, đạt 72,7% kế hoạch năm 2024. Trong đó, nguồn thu chủ yếu từ các nhà máy thủy điện, nguồn thu điều phối từ Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam. Trong khi đó, tổng diện tích cung ứng DVMTR năm 2024 là 311.297,39ha. Bao gồm: chủ rừng là tổ chức 297.105,28ha; UBND các xã được giao quản lý rừng 9.785,77ha; cộng đồng thôn 4.406,34ha.