Y tế

Tận tụy với người bệnh

HOÀNG ĐẠO - BÙI HUÂN 26/10/2024 10:06

(QNO) - Sự nhẫn nại, tận tụy và tình yêu thương giữa người với người đã giúp các điều dưỡng đứng vững, thầm lặng chăm sóc bệnh nhân một cách chu đáo nhất.

dieu duong 4
Nghề điều dưỡng luôn áp lực khi vừa thực hiện các y lệnh của bác sĩ, vừa phải chăm sóc toàn diện, tốt nhất cho bệnh nhân. Ảnh: Đ.H

Làm dâu trăm họ

Trong ký ức của điều dưỡng Lê Thị Phương Sa - Điều dưỡng trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chẳng thể nào quên những ngày đầu bước vào nghề. Dù đã được học tập, sẵn sàng về tinh thần nhưng chị phải sốc khi chứng kiến bệnh nhân tử vong trong ca trực của mình.

“Tôi bối rối, lo lắng và không ngủ được. Và tự vấn rằng mình có đủ bản lĩnh vượt qua nỗi sợ này để làm việc tiếp hay không. Tinh thần chỉ “giãn” ra khi được các chị đồng nghiệp trấn an là do bệnh nặng, không thể cứu được chứ không phải do đội ngũ mình không làm tròn bổn phận” – chị Sa kể lại.

[VIDEO] - Một ngày làm việc của điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam:

Liên tục đối mặt với những ca tử vong quá nhiều nên điều dưỡng Lê Thị Phương Sa phải gồng mình lên. Chị Sa chia sẻ, công việc nhiều không phải là áp lực lớn nhất mà điều khiến chị căng thẳng là cảm xúc khi chứng kiến người bệnh mình chăm sóc mất đi.

“Nhưng nếu bỏ thì mình không xứng đáng vì chính mình chọn nghề này. Điều dưỡng là cánh tay phải cho bác sĩ, làm người thân bên cạnh bệnh nhân lúc họ điều trị mà mình buông xuôi thì thật là hèn nhát. Tự mình đấu tranh lấy và rồi cũng thắng được nỗi sợ hãi đó” – chị Sa nói.

Cũng chính việc chứng kiến quá nhiều người bệnh nặng không qua khỏi đã thôi thúc chị Sa yêu nghề hơn, trau dồi chuyên môn để hạn chế tối đa nhất về tình trạng bệnh nặng hoặc tử vong.

Nhiều điều dưỡng cho biết, do sự quá tải của các bệnh viện, cường độ làm việc căng thẳng, mô hình bệnh tật ngày càng phức tạp nên gần như các điều dưỡng không có nhiều thời gian bên gia đình.
Bên cạnh đó điều dưỡng còn phải đánh đổi sức khỏe bản thân khi mắc bệnh nghề nghiệp, bị giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều, mất ngủ kéo dài, đau dạ dày…

stv08367-klc1w1me.jpg
Điều dưỡng trở thành người thân của bệnh nhân khi điều trị trong bệnh viện. Ảnh: Đ.H

Gần 12 năm gắn bó với nghề, Điều dưỡng trưởng Trương Thị Ngọc Yến – Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn – Tam Kỳ chia sẻ, sự kiên trì, nhẫn nại, chịu được áp lực mới giúp người điều dưỡng cảm thông với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Không thể tránh khỏi những bức xúc đôi khi vô cớ hoặc những lời dọa nạt, to tiếng nên các điều dưỡng phải vừa có kỹ năng ứng xử và phải có đức tính nhẫn nhịn để lắng nghe và giải thích với người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Chị Yến cho biết, tâm lý khi vào viện khá nặng nề và chưa rõ quy trình, phác đồ điều trị nên nhiều người dễ phản ứng khi thấy các điều dưỡng, bác sĩ không làm đúng như lời yêu cầu từ họ.

Cũng có trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng xấu, khi điều dưỡng đến giải thích, tư vấn thì bị người nhà bệnh nhân do quá xúc động đã la hét, xô xát, dọa đánh và thậm chí là dùng cả bạo lực.

“Còn có những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp khi đã có trường hợp điều dưỡng phải dùng thuốc khi bị phơi nhiễm HIV. Lúc mới vào nghề thì buồn tủi lắm nhưng xác định nghề là phải đối mặt với các vấn đề này nên sự cảm thông, tình yêu thương với người bệnh chính là “vắc xin” giúp chúng tôi hằng ngày chăm sóc tốt cho bệnh nhân” – điều dưỡng Yến nói.

“Chúng tôi đã nhận được những bức thư, những cuộc điện thoại gửi lời cảm ơn, hay những nụ cười ánh mắt trìu mến nói lời tạm biệt trước khi về. Đó chính là động lực để chúng tôi vững tâm với nghề”

Điều dưỡng Trương Thị Ngọc Yến

[VIDEO] - Điều dưỡng trưởng Trương Thị Ngọc Yến - Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Tam Kỳ:

dieu duong 5
Điều dưỡng Võ Thị Hồng Oanh chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Đ.H

Cần có phúc lợi nhiều hơn cho điều dưỡng

Theo điều dưỡng Võ Thị Hồng Oanh – Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn – Tam Kỳ, ngành y tế luôn tập huấn, bồi dưỡng tay nghề cho điều dưỡng. Bên cạnh đó bệnh viện nơi chị Oanh công tác cũng tạo điều kiện cho điều dưỡng nâng cao bằng cấp chuyên môn thông qua việc học liên thông cao đẳng, đại học, tham gia các buổi đào tạo cấp CME...

“Các chính sách đãi ngộ của bệnh viện và ngành y tế khá đầy đủ nên các điều dưỡng đã yên tâm làm việc nhưng cũng mong cấp trên có thêm cơ chế đặc thù để điều dưỡng làm việc tốt nhất. Và hơn hết chỉ mong các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thấu hiểu và chia sẻ với công việc của chúng tôi” – chị Oanh kiến nghị.

[VIDEO] - Bác sĩ Trần Quang Đạt - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Sài Gòn - Tam Kỳ:

Còn đối với điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Sau – Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đề nghị cần quan tâm cho môi trường làm việc, hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ công việc của điều dưỡng.

“Hiện nay trong giai đoạn chuyển đổi số nhưng cơ sở hạ tầng viễn thông vẫn còn thiếu. Cụ thể là tại bệnh viện chúng tôi vẫn chưa được trang bị đầy đủ máy vi tính nên vẫn còn tình trạng làm hồ sơ, thủ tục hành chính cho người bệnh còn chậm. Vì vậy, rất mong lãnh đạo Sở Y tế quan tâm đầu tư cho bệnh viện để phục vụ bệnh nhân tốt nhất” – chị Sau đề xuất.

dieu duong 6
Chị Nguyễn Thị Kim Sau chăm sóc một bệnh nhân khuyết tật phải điều trị nội trú tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đ.H

Ông Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, những năm qua, Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thành lập, duy trì hội điều dưỡng. Hằng năm cử điều dưỡng tham gia các khoá đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế điều dưỡng 12/5, ngày Hội Điều dưỡng Việt Nam 26/10 gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị. Đồng thời, thực hiện đảm bảo tiền lương, chế độ cho điều dưỡng theo quy định…

Sở Y tế sẽ tập trung thúc đẩy phát triển công nghệ và trang thiết bị phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện và hỗ trợ công việc của điều dưỡng thuận lợi hơn.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo sát sao các đơn vị quan tâm hơn đến thu nhập cho điều dưỡng, có chế độ chính sách thu hút, tạo điều kiện tốt nhất để điều dưỡng phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong trong hệ thống y tế” – ông Bình khẳng định.

dieu duong 2
Điều dưỡng là một nghề vất vả, chịu nhiều áp lực. Ảnh: Đ.H

Hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến của các đơn vị, địa phương để tham gia góp ý đối với hai dự thảo văn bản quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của điều dưỡng là quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

“Chúng tôi tin tưởng những ý kiến, đề xuất của ngành y tế Quảng Nam sẽ được tiếp thu. Văn bản sớm được thông qua để nhân viên y tế nói chung và lực lượng điều dưỡng nói riêng được hưởng chế độ tương xứng với những đóng góp của mình” – Phó Giám đốc Sở Y tế Trương Quang Bình nói.

HOÀNG ĐẠO - BÙI HUÂN