Xã hội

Kết nối cộng đồng người khuyết tật Quảng Nam

BÍCH LIÊN 26/10/2024 15:16

(QNO) - Cuộc giao lưu, sẻ chia, những phần thi đa dạng, phong phú về nội dung, cách thức thể hiện đã tạo nhịp cầu kết nối cộng đồng người khuyết tật (NKT), giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti, vươn lên trong cuộc sống.

Chương trình “Giao lưu kết nối cộng đồng NKT trên địa bàn Quảng Nam năm 2024”, do Hội NKT Quảng Nam phối hợp Tổ chức Medipeace vừa diễn ra.

Sân chơi của NKT
Các tiết mục văn nghệ của trẻ em khuyết tật, nạn nhân da cam cùng nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ khuyết tật TP.Tam Kỳ, CLB Phụ nữ khuyết tật Duy Xuyên đã mang đến không khí ấm áp, sôi động.

Những NKT sẵn sàng hòa nhập vào những trò chơi đòi hỏi tinh thần đội nhóm như: đổ nước vào chai, ghép tranh, kẹp bong bóng... với tiếng cười sảng khoái. Đây là sân chơi thú vị, ý nghĩa đối với NKT, nơi họ được vui vẻ trò chuyện, giao lưu; được tự tin tham gia các trò chơi, các tiết mục trình diễn thời trang về chủ đề bảo vệ môi trường; tham gia mua - bán tại các gian hàng.

nkt 2
NKT thi vẽ tranh. Ảnh: BÍCH LIÊN

Phần trình diễn thời trang độc đáo, bắt mắt đến từ các thành viên CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Duy Xuyên và CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Thăng Bình. Chị Phan Thị Thúy - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Thăng Bình chia sẻ: "Những NKT lâu nay vốn rụt rè, tự ti, mặc cảm thì nay đã tự tin khoác lên mình những bộ trang phục tự chế với những chiếc áo dài cách điệu, những chiếc váy xinh xắn kết từ những túi ny lông, vỏ lon tái chế, nhựa tái chế, dây nhựa, giấy báo... với mục đích giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường. Đây là những thông điệp nhân văn đến cộng đồng và NKT vinh dự là những sứ giả".

nkt.jpg
NKT thi trang phục về chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Ảnh: BÍCH LIÊN

Bản thân NKT đến từ 8 huyện/thành phố/thị xã cũng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ "hand-made", các món ăn, các loại thực phẩm, rau củ quả... do đôi tay mình làm ra với đa dạng kiểu dáng, màu sắc, chủng loại. Nhiều giỏ hoa giấy, bó hoa giấy rực rỡ, của CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Duy Xuyên đã tạo không gian trưng bày đặc sắc, được đánh giá cao.

Các thành viên CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Thăng Bình cũng mang đến hội chợ những sản phẩm kẹp tóc, dây cột tóc đẹp mắt, đa dạng chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng, là sản phẩm sinh kế cải thiện cho NKT Thăng Bình. Các gian hàng của NKT Đại Lộc với nhiều loại bánh khổ khảo, bánh nổ, bánh hạt sen, mứt nhà làm, thịt heo muối, bánh tráng Đại Lộc...

Chị Nguyễn Hoàng Linh, hội viên Hội NKT Đại Lộc nói: "Nhiều sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm nhà làm mang hương vị vùng đất Đại Lộc của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đại biểu, quan khách và NKT. Tôi càng thấy vui hơn nữa là chương trình đã tạo sân chơi, không gian để NKT chúng tôi được giao lưu, kết nối, sẻ chia".

Ban giám khảo cũng đã tham gia chấm điểm 6 gian hàng trưng bày, bày bán các sản phẩm của NKT dựa trên các tiêu chí tính đa dạng của sản phẩm; yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm (chất lượng sản phẩm); hình thức trang trí đẹp, bắt mắt.

nkt 2
Gian hàng trưng bày các sản phẩm sinh kế của NKT. Ảnh: BÍCH LIÊN

Nỗ lực chăm lo NKT

Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh Quảng Nam chia sẻ, chương trình nhằm gắn kết NKT trong cộng đồng, thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí, trưng bày các gian hàng với sản phẩm sinh kế của NKT. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về NKT, các vấn đề về NKT; tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế của NKT; xóa bỏ rào cản nhằm khuyến khích sự tham gia của NKT vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy sự hòa nhập bình đẳng cho NKT trong cộng đồng. Đó là sự thay đổi từ chăm sóc, hỗ trợ từ thiện sang hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, giúp NKT có được nhiều cơ hội tham gia giao lưu, sinh hoạt, học tập, làm việc, làm người có ích cho cộng đồng...

Theo bà Đoàn Thị Hoài Nhi - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Quảng Nam hiện có 66.000 NKT. Thông qua sự hỗ trợ của trung ương, ngân sách địa phương, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các nhà từ thiện và cộng đồng, NKT đã được hưởng trợ cấp kinh phí hằng tháng, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao kiến thức, năng lực cho NKT. Tăng cường các điều kiện tiếp cận, hoà nhập cộng đồng cho NKT… Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, vấn đề về NKT vẫn đang là vấn đề xã hội lớn, cần được quan tâm, hỗ trợ, giải quyết.

nkt 8
Đa dạng sản phẩm do chính tay NKT làm ra. Ảnh: BÍCH LIÊN

Cũng theo bà Đoàn Thị Hoài Nhi, thời gian tới, từ nhiều nguồn lực, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan đến NKT. Tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho NKT (văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, đi tham quan…). Khảo sát nhu cầu học nghề của NKT; tăng cường tiếp cận của NKT với các chính sách của Nhà nước, xây dựng các mối liên kết, kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã… Mở các lớp dạy nghề phù hợp, tạo việc làm hoặc giúp NKT tiêu thụ sản phẩm làm ra…

BÍCH LIÊN